- Tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng đột biến, nhiều gia đình cùng lúc có 2-4 người nhập viện.
Mắc rồi vẫn có thể mắc lại
Hà Nội và TP.HCM đang ở đỉnh của dịch sốt xuất huyết. Tại TP.HCM, đến nay đã ghi nhận trên 6.200 trường hợp mắc, tăng 47% so với cùng kỳ 2014, trong đó riêng đầu tháng 8 có trên 310 ca mắc mới.
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay có trên 850 ca mắc rải rác tại 29 quận huyện. Số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến trong khoảng 1,5 tháng trở lại đây.
Trong tháng 6, toàn thành phố chỉ có 168 ca thì đến tháng 7 tăng vọt lên 357, 2 tuần đầu tháng 8 có thêm gần 150 ca mắc.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động phòng chống sốt xuất huyết |
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, dịch sốt xuất huyết xảy ra chủ yếu ở các quận như Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Trì.
Đây là những quận, huyện dân cư đông, nhiều hộ tích trữ nước mưa để dùng, có nhiều khoảng đất trống chưa được xây dựng, dụng cụ phế thải, phế liệu đọng nước thành nơi muỗi sinh sản, phát sinh ổ bọ gậy.
"Chúng tôi đã theo dõi những khu vực trên thì có tới 40% bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là lao động tự do ngoại tỉnh, đặc biệt ở các quận Thanh Trì, Hoàng Mai", ông Cảm thông tin.
Cũng theo ông Cảm, trước đây sốt xuất huyết tăng đột biến theo chu kỳ khoảng 4-5 năm, nhưng đến nay tính chu kỳ đã không còn nên ngành y tế dự phòng lúc nào cũng phải trong tình trạng sẵn sàng để chủ động phát hiện, khoanh vùng dập dịch.
Ông Cảm nói thêm, hiện nhiều người dân vẫn rất thờ ơ và hiểu chưa đúng về sốt xuất huyết, nghĩ mắc rồi sẽ không mắc lại.
"Trước đây sốt xuất huyết chủ yếu có 1 tuýp, người mắc rồi sẽ không bị mắc lại do đã có miễn dịch nhưng hiện tại Việt Nam lưu hành nhiều tuýp virus sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể mắc tiếp", ông Cảm nói.
Hiện sốt xuất huyện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng ngừa.
Tưởng nhầm sốt virus
Đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chị Nguyễn Kim Anh (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cả 3 mẹ chị đều bị sốt xuất huyết, trong đó chị và cậu con trai út 10 tuổi bị hạ tiểu cầu, phải nhập viện điều trị. Cậu con trai lớn 19 tuổi nhẹ hơn được điều trị ngoại trú tại nhà.
Chị Kim Anh cho biết, ban đầu 3 mẹ con sốt nhẹ 38 độ, nghĩ là sốt virus nên chủ quan chỉ uống hạ sốt.
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: T.Hạnh |
Đến ngày thứ 3, thấy đầu đau dữ dội, đau hốc mắt kèm theo nhức xương khớp, khi vào viện làm xét nghiệm, chị mới hay cả 3 mẹ con đều bị sốt xuất huyết.
Trường hợp chị Trịnh Thị Mai (48 tuổi, Tương Mai, Hoàng Mai) cũng tương tự. Chị Mai và con dâu đang cùng nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Chị Mai kể, chồng chị vừa điều trị khỏi sốt xuất huyết cách đây khoảng 2 tuần, giờ lại đến chị và con dâu. Ban đầu 2 mẹ con cũng chỉ có những dấu hiệu sốt thông thường 38-38,5 độ nhưng đến ngày thứ 2 thì sốt tăng vọt lên 40 độ C, đau nhức khắp người.
Chị cho biết, ở khu vực chị sống, ngoài gia đình chị cũng có nhiều hộ khác có cùng lúc nhiều thành viên mắc sốt xuất huyết.
Theo số liệu từ phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, hiện mỗi ngày khoa Truyền nhiễm tiếp nhận mới 5-6 bệnh nhân.
Số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết bắt đầu tăng nhanh từ tháng 6 với 28 ca, đến tháng 7 tăng vọt lên 93 ca. Đến tháng 8, chỉ tính riêng trong 13 ngày đầu đã có tới gần 70 trường hợp nhập viện.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện cho hay, hầu hết các bệnh nhân sốt xuất huyết đều nhập viện muộn vì chủ quan, tưởng nhầm bị sốt virus hoặc sốt phát ban... Việc này không chỉ khiến thời gian điều trị kéo dài mà còn khiến bệnh nhân bị tình trạng nặng.
Trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện muộn có thể rơi vào tình trạng sốc, trụy mạch, suy đa phủ tạng hoặc xuất huyết não dẫn đến tử vong.
Tuyệt đối không điều trị tại nhà
Sốt xuất huyết là bệnh là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. 87% trường hợp mắc là người lớn. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để phòng chống sốt xuất huyết, ngoài chủ động phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy, người dân cần tích cực vệ sinh môi trường xung quanh. Trường hợp có các triệu chứng như sốt cao liên tục từ 2-7 ngày kèm đau đầu, đau cơ, phát ban, buồn nôn hoặc có các biểu hiện xuất huyết dưới da, chảy máu nướu răng, chảy máu mũi, xuất huyết tiêu hóa... cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị. Tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà. |
Thúy Hạnh