- Đây là một trong nhiều câu hỏi tự vấn và cũng tự trả lời những băn khoăn của một thành viên đã từng thiết kế phố đi bộ từ gần 20 năm trước, nay biết tin Hà Nội có thể sẽ tiến hành lát đá tự nhiên cho 11 tuyến phố trong khu phố cổ Hà Nội.

Lát đá đường phố để làm gì ?

Câu đầu tiên đặt ra là để làm gì, khi đường phố định lát vốn đã có hai bên hè lát đá rồi, mặt đường lại mới được trải nhựa?  

Nay san phẳng ra chỉ ưu tiên cho người đi bộ, xóa nhòa ranh giới vỉa hè lòng đường, mở rộng không gian đi bộ, xe cơ giới hẳn phải phân làn sang đường khác.

Vậy bài toán quy hoạch tổ chức giao thông tại khu phố đi bộ cần tính trước một bước, còn phố đi bộ mở rộng sẽ biến đường thành nơi giao lưu, giải trí, mua bán như muôn vàn các phố đi bộ khác. 

{keywords}
Một góc phố cổ Hà Nội (Ảnh minh họa, nguồn: Disanxanh.com)

Phố Tạ Hiện ngày trước vỉa hè bé, cống lộ thiên nay lát đá đẹp hơn hẳn nhưng trơn do hàng quán đổ dầu mỡ ra đường, vậy thì do quản lý kém, ý thức sử dụng bảo quản còn kém hơn chứ viên đá lát đường có tội gì đâu?

Tại sao lại lát đá, vì đá rắn hơn gạch, Hà Nội đã lát gạch Bát Tràng quanh Văn Miếu chỉ vài tháng sau đã vỡ nát. Nhưng đá vôi lát đường ở Hà Nội gần đây cũng chưa thích hợp vì đá vôi mềm, dễ mài mòn, thấm nước có rêu… đi lại trơn trượt dễ ngã. 

Nếu lát đường thì phải loại đá rắn và nhám hơn, không thấm nước… Nếu Hà Nội tham vấn hẳn các chuyên gia vật liệu sẽ có ý kiến chính xác hơn.

Năm 2005, tác giả đã chứng kiến tại Nauy, một đất nước nhiều núi đá, nhưng họ nhập khẩu đá viên lát đường kích thước 10x10x10cm của Ba Lan (rắn hơn, giá gia công, chi phí vận chuyển, thuế bảo vệ môi trường rẻ hơn) để lát vỉa hè, lòng đường thành phố.

Ở vùng nông thôn, người dân cũng mua đá nhập khẩu để lát sân nhà, đường ngõ.

Lát đá gì thì giá thành cũng đắt hơn trải nhựa đường, nhưng lát đá là một giải pháp chỉnh trang đô thị tạo nên sự hấp dẫn, một ấn tượng về một không gian khác biệt.

Khu phố cổ biến các đường phố thành nơi đi bộ thì nơi đó đang trở thành một cái chợ đường phố. Như vậy cần ứng xử với nó theo những hoàn cảnh mới.

Về kỹ thuật thì việc thoát nước, vệ sinh, phòng cháy chữa cháy, chiếu sáng, cấp nước điện… khác hẳn với đường phố thông thường - nó đòi hỏi thẩm mỹ cao hơn và an toàn hơn nhiều.

Về kinh tế lại khác hơn nữa: ví dụ phố Tạ Hiện, toàn bộ mặt đường thành nơi bán hàng, diện tích kinh doanh ra ngoài đường rộng gấp 2-3 lần trong nhà, số hộ kinh doanh tăng từ 40-100% và doanh thu còn tăng cao hơn nữa, vậy Nhà nước đầu tư hơn 14 tỷ đồng thì bài toán thu hồi vốn tại đây thực hiện như thế nào? Có lẽ đây là câu hỏi quan trọng nhất mà xã hội quan tâm.

Thời điểm để lát đá đường phố ?

Nếu lát đá đường phố chỉ để cho đẹp hơn thì không bao giờ nên làm, khi thành phố nhiều tiền đã vậy, còn khi khó khăn lại càng không nên làm (trừ phi có đại gia nào đó tài trợ vô điều kiện). 

Nhưng nếu đây là bài toán đầu tư, đem lại lợi ích cụ thể thì nên làm ngay, trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái mà lát đá đường phố làm cho doanh thương phát triển, thu ngân sách tăng, tạo nhiều việc làm …thì cần khuyến khích, thực hiện khẩn trương.

Thực tế các tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ vừa qua cho thấy hoạt động kinh doanh dịch vụ gia tăng đáng kể, chỉ với diện tích nhỏ nhưng tổng thu ngân sách quận Hoàn Kiếm luôn dẫn đầu TP năm sau cao hơn năm trước, số khách lưu trú tại phường Hàng Buồm (nơi có các tuyến phố đi bộ) rất cao ...

Đây là những thông số thuyết phục nhưng nếu có số liệu đo lường trước và sau khi thực hiện chỉnh trang đường phố chỉ ra rằng: Sau khi đầu tư, môi trường kinh doanh thuận lợi, thu ngân sách tăng từ việc tăng trưởng dịch vụ thương mại, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho cư dân địa phương - ví dụ cho một vài tuyến phố thí điểm thì công tác đầu tư nâng cấp các tuyến phố đi bộ sẽ nhận được sự đồng thuận cao của cả xã hội.

Bài học từ nước Mỹ, tại Quảng trường Thời đại nổi tiếng, thị trưởng Bloomberg đã thuyết phục dân chúng bằng con số cụ thể, rằng người dân đi bộ, giải trí sẽ được ưu tiên chứ không phải ô tô mà các hoạt động thương mại sẽ tăng trưởng tốt hơn. Đường phố và vỉa hè được thiết kế lại - phân làn ô tô hợp lý, an toàn hơn. 

Kết quả là tốc độ di chuyển taxi tăng 5 - 17%, thương tích của những người đi bộ giảm 35%, của cơ giới giảm tới 74%. Do nhiều khách bộ hành nên kinh doanh tại chỗ tốt hơn: chỉ số kinh doanh cao hơn khu khác 1,74 lần. Xuất hiện thêm 5 trung tâm thương mại, biến nơi đây trở thành địa điểm kinh doanh hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Tại thành phố phía Nam Việt Nam, để thuyết phục chủ đầu tư chấp nhận bỏ ra hàng trăm triệu USD xây dựng một bệnh viện mới chất lượng và trang thiết bị cao, đơn vị tư vấn đã cử 3 công ty hàng đầu của Nhật Bản tiến hành trong nhiều tháng với chi phí là 0,4 triệu USD để khảo sát, đánh giá chất lượng từng cánh cửa, ga cống, đường ống, vòi nước, tủ điện…. đã được lắp đặt trong bệnh viện cũ do Nhật Bản xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 1974, công suất gần 2.000 người tới khám chữa bệnh/ngày mà vẫn hoạt động tốt sau hơn 40 năm .

Hai ví dụ trên cho thấy cần những cách tiếp cận mới trong việc nghiên cứu các dự án đầu tư: hãy khoan nói chuyện xấu đẹp, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử … mà rất cần thiết đưa ra những con số đo lường/lượng hóa những khoản đầu tư và tính toán chi ly những lợi ích do những khoản đầu tư mang lại - như vậy mỗi công trình mới ra đời hẳn sẽ là niềm vui mong đợi chứ không còn nỗi lo lắng băn khoăn. 

Chính vì vậy, việc nghiên cứu lát đá/chỉnh trang các tuyến phố đi bộ rất cần thiết được tiếp tục thực hiện một cách thấu đáo để đưa ra những kết quả khả quan, thuyết phục hơn.

KTS Trần Huy Ánh