Cứ mỗi tuyến đường mới mở lại xuất hiện thêm những “mẩu” đất, những bức tường mà cả mấy bên liên quan đều căng ra thỏa thuận vẫn không xong. Phải chăng, vấn đề ở đây là sự thiếu tầm nhìn và gắn kết trong quy hoạch đô thị?
Vì sao hàng xóm không mua 'bức tường 1 tỷ'? Nếu không có bức tường 1,7m án ngữ, thửa đất phía trong sẽ ra mặt tiền
trên “con đường ngàn tỷ” Nguyễn Văn Huyên vừa mới khánh thành. |
Khó tìm tiếng nói chung vì xung đột quyền lợi
Nhắc đến bức tường đang được chủ nhân rao bán với mức giá tiền tỷ trên mặt đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, trao đổi với PV Báo CAND, lãnh đạo UBND phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho biết: Đây là một trong năm trường hợp quận và phường đang vận động để các hộ tiến hành hợp thửa, hợp khối theo đúng quy định.
Ngay từ ngày 10/6, UBND quận Cầu Giấy đã có Thông báo số 278/TB-UBND kết luận cuộc họp rà soát tiến độ công tác xử lý công trình không đủ điều kiện xây dựng trên các tuyến đường của quận, trong đó có tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. UBND quận đã giao UBND phường Quan Hoa, UBND phường Dịch Vọng và Phòng Quản lý đô thị, Đội Thanh tra xây dựng quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng, kiên quyết không để phát sinh công trình vi phạm quy hoạch và trật tự xây dựng. Trong Thông báo này cũng ghi rõ: UBND phường Quan Hoa tổ chức vận động hướng dẫn các hộ hợp thửa theo quy định, nếu không sẽ lập dự án thu hồi để xây dựng bảng tin hoặc đặt cây ATM theo quy định.
Nói về lý do vì sao để xảy ra tình trạng các thửa đất không đủ điều kiện tồn tại trên con đường trăm tỷ Nguyễn Văn Huyên kéo dài, lãnh đạo UBND phường Quan Hoa cho rằng, quy hoạch về đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài của UBND TP Hà Nội từ năm 2001 chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Năm 2011, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 15/2011-QĐ/UBND quy định rõ, sau giải phóng mặt bằng, đối với các thửa đất không đủ điều kiện xây dựng, tức là diện tích từ 15m² trở lên nhưng các cạnh nhỏ hơn 3m² thì UBND các quận, huyện, thị xã lựa chọn áp dụng phương án xử lý, gồm các hình thức sau: Cho phép chủ sử dụng đất thực hiện việc hợp thửa đất hoặc hợp khối nhà, đảm bảo các điều kiện về mặt bằng; Tổ chức thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Cho phép chủ sử dụng đất được tổ chức khai thác, sử dụng thửa đất đúng mục đích và quy hoạch đã được phê duyệt. Còn đối với thửa đất có diện tích từ 15m² trở lên, các cạnh bằng hoặc lớn hơn 3m² thì sẽ được xây nhà 1 tầng với chiều cao là 4,5m.
“Mẩu” đất của bà Nguyễn Thị Mỹ Linh (X) được yêu cầu hợp thửa với hộ ông Bồ Xuân Huy. |
Quy định thì rõ ràng là vậy, nhưng trên thực tế, để các bên thỏa thuận hợp thửa, hợp khối được là vấn đề không đơn giản bởi liên quan đến quyền lợi cả 2 bên. Như trường hợp của ông Bồ Xuân Huy ở số 19 phố Sơn Tây, quận Ba Đình. Giải phóng mặt bằng xong để xây dựng tuyến đường Trần Phú-Kim Mã cũng là lúc hộ ông Bồ Xuân Huy có cơ hội ra mặt đường.
Hy hữu ở HN: Bức tường được rao bán 1 tỷ đồng Chưa đầy... một bước chân là ra mặt tiền. 14cm chiều rộng, 10,85m chiều dài được rao bán một tỷ đồng… Những chuyện hy hữu đang diễn ra trên con đường “đắt nhất hành tinh”. |
Nhưng, “án ngữ” trước nhà ông Huy là phần diện tích “nhỏ nhoi” 11,5m² còn lại của hộ bà Nguyễn Thị Mỹ Linh. Từ khi mở đường đến nay đã gần nửa năm trời mà 2 bên vẫn chưa thỏa thuận được. Ông Huy kể: “Lúc đầu bà ấy đòi 4 tỷ đồng, sau lại muốn đổi đất, tức là hợp vào rồi chia ra nhưng tôi không đồng ý”. Ông Huy bảo ông không có số tiền lớn để mua lại và “chờ Nhà nước có chủ trương, nếu Nhà nước thu hồi thì tôi mua lại của Nhà nước”.
Về trường hợp này, ông Lê Tất Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Điện Biên, quận Ba Đình cho biết, phường đã mời hai bên đến trụ sở để cùng thỏa thuận nhưng chưa thành công. Nguyện vọng của bà Linh cũng muốn hợp thửa rồi tách thửa nhưng diện tích thực tế không đủ để tách, mà nhà ông Huy cũng không đồng ý. Phường vẫn tiếp tục vận động hai bên thỏa thuận.
Toàn bộ diện tích nhà bà Linh trước thu hồi là 50,1m, phần còn lại không đủ diện tích xây dựng. Giá đền bù nếu bị thu hồi lại thấp hơn giá thị trường trên thực tế nên việc bà Linh cảm thấy thiệt thòi hơn các hộ xung quanh là đương nhiên. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho các hộ bị thu hồi đất cố đòi giá cao đối với “mẩu” đất còn lại. Mức đền bù chưa sát với giá thị trường khiến cho phần việc giải quyết các “mẩu” đất sau mở đường khó khăn hơn.
“Sẽ còn nhiều bức tường bạc tỷ nếu không thay đổi”
Đó là khẳng định của Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam khi nói về thực trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Ông cho rằng, nếu vẫn giữ nguyên cách mở đường như hiện nay thì sẽ còn rất nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo, thậm chí là sẽ có nhiều bức tường được rao bán bạc tỷ.
'Bức tường giá 1 tỷ' thành 27 triệu nếu bị thu hồi Theo bảng giá đất thu hồi của Nhà nước, chủ nhân "bức tường 1,7m2” sẽ là chỉ nhận được 27,2 triệu đồng nếu như bị thu hồi. |
“Các nhà quản lý đã sai từ khi làm quy hoạch, quy hoạch giao thông không gắn kết với quy hoạch đô thị. Từ trước đến nay chúng ta cần làm đường 50 thước thì chỉ giải phóng mặt bằng 50 thước. Cách làm này là manh mún, tạo nên bất cập trên tất cả các con đường mới mở, việc tồn tại nhà siêu mỏng hoặc chỉ một bức tường là chuyện bình thường. Nếu chính quyền tịch thu diện tích đó là vi phạm quyền công dân, nhưng nếu để tồn tại thì lại là vi phạm quy hoạch đô thị. Tự chúng ta đang làm khó chúng ta” - KTS Phạm Thanh Tùng phân tích.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, cách giải quyết tồn tại hiện nay vẫn chỉ là chính quyền cấp phường cùng với các hộ dân có liên quan tiến hành thỏa thuận có tình, có lý chứ khó cưỡng chế thu. Bởi, dù chỉ còn là một bức tường thì bức tường đó cũng thuộc sở hữu của người đó. Họ có quyền sử dụng bức tường theo cách của họ.
Ví dụ, tùy diện tích họ được làm nhà tạm thì họ có thể dùng để sửa xe máy, bán chè chén, hoặc nếu chỉ là một bức tường thì người dân ta cũng rất "sáng tạo", họ có thể đóng đinh treo mấy cái mũ, mấy bộ quần áo là biến thành cái... chợ. Bởi vậy, phải giải quyết thực trạng này.
KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng: “Chúng ta đang thiếu một nhạc trưởng để làm thay đổi bộ mặt đô thị. Quản lý đô thị là vấn đề thống nhất giữa hạ tầng và kiến trúc đô thị. Chúng ta cần phải sửa văn bản pháp luật trong quản lý đô thị, phải có cái nhìn rộng hơn trong quản lý đô thị. Cụ thể, phải có sự phối hợp giữa giao thông và kiến trúc. Nếu có sự phối hợp này thì thậm chí chúng ta sẽ có quỹ đầu tư, sinh lời. Đó là khi mở rộng đường giao thông, chúng ta phải phối hợp với quy hoạch đô thị, giải tỏa diện tích lớn hơn tuyến đường giao thông rồi tổ chức cho đấu thầu. Các nhà đầu tư trúng thầu sẽ xây dựng hai bên đường theo quy hoạch, sẽ không có nhà siêu mỏng, siêu méo, diện mạo đô thị sẽ thay đổi”.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Tất Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Điện Biên cũng nêu ra những khó khăn khi triển khai cách quản lý, xây dựng đô thị như hiện nay. Ông cho biết, tại tuyến đường mới mở cũng đã có thông báo cho các hộ mặt đường xây dựng theo mẫu thiết kế chung với độ cao 5 tầng. Tuy nhiên, giải pháp để tạo sự thống nhất này chưa nhìn thấy tính khả thi nếu chủ nhà không có đủ điều kiện xây dựng với chiều cao và kiến trúc quy định.
Có thể 10 năm hoặc 20 năm chưa xây được nhà thì bộ mặt tuyến đường vẫn lôm nhôm, không đồng bộ. Bởi thế, giải pháp quy hoạch đô thị như ý kiến của KTS Phạm Thanh Tùng xem ra vẫn là hữu hiệu nhất.
Hài hòa giữa hạ tầng giao thông và kiến trúc đô thị sẽ giúp Hà Nội tạo nên một bộ mặt mới. Điều này cần có sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố trong công tác quy hoạch, triển khai thực hiện. Cách giải tỏa mặt bằng để làm đường như hiện nay có thể giải quyết tình thế trước mắt nhưng sẽ kéo theo nhiều hậu quả cho xã hội. Tinh thần là Nhà nước thu hồi đất, nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi, tránh chênh lệch quyền lợi quá nhiều giữa người bị thu hồi và người được hưởng quyền lợi khi xây dựng tuyến đường.
(Theo Công an nhân dân)