- Việt Nam có hàng trăm bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật, trong đó nhiều bệnh có nguy cơ bùng phát thành đại dịch.
Số liệu tại Hội nghị quốc tế phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người cho biết, hiện có trên 200 bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người.
Trong 3 thập kỷ qua, thế giới tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện của nhiều bệnh truyền nhiễm mới nổi nguy hiểm, trong đó 75% bệnh bắt nguồn từ động vật như: SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola... Bệnh lây truyền từ động vật sang người, sau đó lại biến đổi lây từ người sang người với mức độ ngày càng tăng, khiến nguy cơ lây lan giữa các quốc gia ngày càng cao.
Hầu hết những ca mắc liên cầu lợn tại Việt Nam đều do ăn tiết canh lợn |
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: "Với độc tính cao và sự lây truyền nhanh, các dịch bệnh này không chỉ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân mà còn tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị của các quốc gia. Điều này đòi hỏi cần có sự phối hợp đa ngành, hỗ trợ, hợp tác của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lan rộng trên toàn cầu".
Hiện Việt Nam được xem là "điểm nóng" của các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người với hàng trăm bệnh như dại, sốt xuất huyết, liên cầu lợn, viêm màng não, cúm gia cầm, dịch hạch, bệnh than... Cả vật nuôi và động vật hoang dã đều có thể là ổ chứa tác nhân gây bệnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế Dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo, với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ như Việt Nam, điều kiện vệ sinh không được đảm bảo và người dân chưa từ bỏ tập quán ăn gỏi, tiết canh, gà chết, gà rù... thì nguy cơ nhiều bệnh bùng phát thành đại dịch là rất lớn. Có những bệnh từ lâu không xuất hiện nhưng một lúc nào đó cũng có thể bùng phát trở lại.
Trong khi đó việc chẩn đoán và điều trị các bệnh mới nổi rất khó, một số lại
biến chủng, biến đổi, tăng độc lực với mức độ lây lan cao.
Theo các chuyên gia, để phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người,
điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được các bệnh dịch trên động vật, chăn
nuôi đúng khoa học, vệ sinh môi trường, chuồng trại, nếu phát hiện có trường hợp
mắc bệnh phải thực hiện các biện pháp tiêu hủy theo quy định. Không được giết mổ
bừa bãi, thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh, không ăn thức ăn sống hoặc chưa được
chế biến kỹ. Người dân sử dụng các phương tiện phòng hộ khi lao động, tiếp xúc
với các động vật trong các trang trại hoặc trong thiên nhiên.
T.Hạnh