- “Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ trao đổi với Bộ Y tế phối hợp với Bộ GTVT tổ chức tập huấn cho lực lượng tuần tra khai thác đường bộ, thậm chí huấn luyện cho cả CSGT, TTGT có những kỹ năng sơ cứu cho người bị TNGT”.

Ông Khuất Việt Hùng – Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc  gia cho biết tại Hội thảo “Ứng phó cấp cứu sau TNGT - Vai trò cấp cứu ban đầu”, nhằm nâng cao chất lượng cấp cứu chấn thương ban đầu đối với TNGT (25/8).

{keywords}
CSGT, TTGT sẽ được tập huấn kỹ năng sơ cứu ban đầu khi TNGT xảy ra.

TS. Nguyễn Đức Chính – Trưởng khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ: Hàng năm Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận trên 35.000 trường hợp tai nạn thương tích đến cấp cứu, trong đó có trên 15.000 trường hợp là do TNGT.

Nhiều trường hợp do sơ cứu cứu không đảm bảo, không đúng cách bị biến chứng hoặc tử vong trước khi đến bệnh viện… Do vậy, việc đào tạo tập huấn nâng cao kỹ năng cho người làm cấp cứu ban đầu cần phải được quan tâm.

Ông Khuất Việt Hùng cho biết, đối với những nạn nhân không may bị TNGT trong những năm vừa qua, có một số không nhỏ những trường hợp nếu chúng ta làm tốt công tác sơ cứu ban đầu có thể cứu được họ. Do vậy, Ủy ban ATGT Quốc gia luôn đánh giá cao tầm quan trọng của công tác sơ cấp cứu đối với nạn nhân TNGT.

PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trường Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng nói rõ: Cấp cứu tốt thì phục hồi nhanh, cấp cứu muộn thì phục hồi lâu, nguy hiểm hơn còn gây tử vong. 

CSGT, TTGT được "đào tạo" kỹ năng sơ cứu TNGT

Tại Hội thảo, các  chuyên gia đều cho rằng, để thực hiện tốt công tác sơ cấp cứu chấn thương ban đầu cần đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao chất lượng nhân viên cấp cứu TNGT, giúp cho việc giảm thiểu nguy cơ thương tích và tử vong.

Tuy nhiên, Đại diện Cục Y tế (Bộ GTVT) cho rằng, sơ cứu ban đầu không thể trông chờ vào việc bố trí đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng chuyên nghiệp trên các tuyến đường được vì “năm thì mười họa” TNGT mới xảy ra, điều này sẽ gây lãng phí lớn.

“Vừa qua đội ngũ y bác sỹ của Bệnh viện ngành giao thông có ký hợp đồng sơ cứu ban đầu với một công ty quản lý khai thác đường cao tốc tại TP.HCM. Tuy nhiên, sau một thời gian, đội ngũ y bác sỹ đã đào tạo, chuyển giao kỹ năng cho chính nhân viên khai thác đường cao tốc”, đại diện Cục Y tế (Bộ GTVT) cho biết.

Đồng tình quan điểm, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, chúng ta không thể tổ chức bộ máy bao gồm bác sỹ, điều dưỡng thường trực làm công tác sơ cứu khi TNGT xảy ra trên đường.

Do vậy, cần phải phân định những chuyên môn cần thiết thông qua tập huấn cho lực lượng trực tiếp sơ cứu ban đầu để đưa bệnh nhân đến cấp cứu chuyên nghiệp.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đồng tình với cách triển khai của Bộ GTVT khi trang bị, đào tạo kỹ năng sơ cứu ban đầu cho nhân viên tuần đường, nhân viên khai thác đường cao tốc…

“Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ trao đổi với Bộ Y tế để phối hợp với Bộ GTVT tổ chức tập huấn cho lực lượng tuần tra khai thác đường bộ, thậm chí huấn luyện cho cả CSGT, TTGT - những người trực tiếp tiếp cận hiện trường, bảo vệ hiện trường... có những kỹ năng sơ cứu cho người bị TNGT.

Đặc biệt là những người điều khiển phương tiện, nhất là những lái xe, phụ xe tải, xe khách đi trên đường có thể hỗ trợ giúp đỡ sơ cứu đúng cách khi có TNGT xảy ra”, ông Hùng cho biết thêm.

Vũ Điệp