- Sáng nay, Văn phòng Chủ tịch nước chính thức công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Trong số gần 2 vạn phạm nhân được đặc xá, có 34 người nước ngoài, 16 trong số đó là người Trung Quốc. Không có trường hợp nào phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định đặc xá cho 18.298 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 241 người đang được hoãn, đình chỉ chấp hành án phạt tù.
2 phạm nhân Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý cũng có tên trong danh sách này.
Họp báo công bố quyết định đặc xá sáng 28/8 |
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, nếu tính số lượng phạm nhân được đặc xá/đợt thì đây là đợt đặc xá lớn nhất từ trước tới nay, còn nếu tính theo năm, số lượng đặc xá năm nay đứng sau năm 2009 (với tổng số 20.599 phạm nhân được tha tù trong 2 đợt).
Trong tổng số gần 2 vạn phạm nhân được đặc xá nói trên, có 16.092 phạm nhân nam, 2.026 phạm nhân nữ. Phạm nhân lớn tuổi nhất được đặc xá 85 tuổi, phạm nhân trẻ tuổi nhất mới 15 tuổi. Trường hợp chấp hành án lâu nhất được hưởng đặc xá là 18 năm 2 tháng, ít nhất là 5 tháng 21 ngày.
Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết thêm, trong đợt đặc xá lần này có 2.188 trường hợp phạm tội giết người, 1.365 trường hợp phạm tội hiếp dâm, 1.249 người phạm tội ma túy và 325 người liên quan đến các tội danh về chức vụ như tham ô, hối lộ.
325 cán bộ nói trên đã khắc phục hậu quả kinh tế, bồi thường thiệt hại hơn 13,7 tỷ đồng trên tổng số gần 64 tỷ của các đối tượng nằm trong diện đặc xá. Người nộp nhiều nhất là phạm nhân Nguyễn Thị Nguyệt với số tiền khắc phục 1,27 tỷ đồng.
Cũng trong đợt đặc xá lần này, có 34 phạm nhân là người nước ngoài: 16 người Trung Quốc, 6 người Lào, 6 người Malaysia, 2 người Thái Lan, 2 người Australia, 2 người Philippines, 1 người Campuchia và 1 người Thái Lan.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn, quy trình đặc xá được tiến hành nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, dân chủ và đảm bảo công bằng. Hội đồng Tư vấn đặc xá đã họp phiên toàn thể để xét duyệt từng trường hợp được đề nghị rồi mới trình danh sách lên Chủ tịch nước để quyết định.
“Đặc xá không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào cho dù phạm nhân đó là người Việt Nam hay là người có quốc tịch nước ngoài, nếu phạm nhân đó có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều được xét đặc xá”, ông Giang Sơn nhấn mạnh.
Từ năm 2009 đến nay, triển khai Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã quyết định thực hiện 5 đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho khoảng 63.500 phạm nhân và gần 700 người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, khảo sát 10 năm qua cho thấy, có tới 82,26% số người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được bố trí công ăn việc làm ổn định, với thu nhập từ 3-5 triệu.
Kết quả khảo sát từ 2002-2012 cũng cho thấy, tỉ lệ tái phạm tội khoảng 3,02% và con số này vẫn đang tiếp tục giảm theo chiều hướng xuống dưới 1%.
"Đơn cử như đợt đặc xá 2013, trong số trên 15.500 phạm nhân được tha tù trước thời hạn chỉ có 114 người tái phạm, chiếm 0,73%", Thượng tướng Vương dẫn chứng.
Thúy Hạnh