Ít nhất phải tăng bằng năm 2015
Theo ông Chính, trong ngày hôm nay, bằng giá nào cũng phải chốt mức tăng lương tối thiểu vùng. Bởi, nếu không Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng sẽ chốt. Hiện các bên đang hội ý và có thể bỏ phiếu vào cuối cuộc họp.
Thông tin cho báo chí biết về cuộc họp sáng nay, ông Chính cho hay VCCI vẫn giữ nguyên quan điểm mức tăng lương tối thiểu vùng là 10,7%, trong khi đó quan điểm của Tổng liên đoàn ít nhất mức tăng phải bằng năm 2015 là 14,3% (mức tăng từ 300 – 450 ngàn đồng).
Theo lộ trình với mức tăng từ 350 – 550 ngàn đồng thì năm nay sẽ đạt được khoảng 89% mức sống tối thiểu của người lao động và đến năm 2017 điều chỉnh một lần nữa khoảng hơn 10%, người lao động mới đạt được mức sống tối thiểu. |
“Kinh tế năm nay khá hơn, không thể có lý do gì không tăng, nhất là trong phiên họp Chính phủ mới đây cho thấy GDP tăng, xuất khẩu tăng, số DN hoạt động tăng, số DN tái hoạt động nhiều hơn... do vậy việc tăng ở mức cao là đương nhiên. So với năm ngoái mức tăng chỉ hơn 50.000 đồng. Mức tăng này so với nhiều người không là gì nhưng so với anh em công nhân lao động là cả vấn đề”, ông Chính nói.
Cùng quan điểm, ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện công nhân công đoàn – thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết: con số tuyệt đối tăng lương tối thiểu có thể cố gắng bằng năm ngoái, tức là từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng. Cá nhân ông Thọ đánh giá đây là con số sẽ làm hài lòng cả hai phía.
“Con số cuối cùng có thể bằng với mức tăng của năm ngoái. Nhưng chốt lại là bao nhiêu thì cũng cần có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng tiền lương”, ông cho biết.
Ngoài ra, theo ông Thọ, trong trường hợp đại diện giới chủ không đồng ý với mức tăng bằng mức năm ngoái (khoảng 14,3%) thì chủ tịch sẽ đưa ra ý kiến để các bên tiến hành bỏ phiếu.
“Mọi người vẫn nói tăng lương tối thiểu phải tính đến yếu tố tăng năng suất lao động, nhưng hiện nay lương tối thiểu vùng thấp hơn so với nhu cầu sống tối thiểu, như vậy thì làm sao đòi hỏi được việc tăng năng suất lao động”, ông Thọ lý giải.
Khi nào tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu tối thiểu?
Ông Chính cho hay, với tình hình như hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lộ trình tăng lương tối thiểu.
Theo lộ trình với mức tăng từ 350 – 450 ngàn đồng thì năm nay sẽ đạt được khoảng 89% mức sống tối thiểu của người lao động và đến năm 2017 điều chỉnh một lần nữa khoảng hơn 10%, người lao động mới đạt được mức sống tối thiểu.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu DN khó khăn thì Nhà nước phải có các giải pháp hỗ trợ như cho vay vốn ưu đãi lãi suất thấp, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, đổi mới quản trị tốt hơn để giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Chứ không thể nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách “chăm chăm” cắt bớt đồng lương “còm” của người công nhân!
“Đừng bảo tiền lương trả cho công nhân cao quá mất năng lực cạnh tranh. Người lao động là vốn quý của DN nên phải đầu tư, chăm lo. Bởi, lao động có khỏe, không ốm thì năng suất công việc mới tốt được. Người lao động lúc nào cũng phải lo đến cơm áo gạo tiền thì không thể có sáng tạo nâng cao năng suất lao động”, ông Chính nói.
Còn ông Vũ Quang Thọ cho biết thêm, hiện nay có khoảng 80% trong tổng số 15 triệu người lao động liên quan đến mức lương tối thiểu tăng lần này, chỉ có 20% không ảnh hưởng là những người làm việc trong các DN mạnh.
Vũ Điệp