- Ngày 19/9, tại Hội nghị khoa học về bệnh dị dạng mạch máu do Hội tĩnh mạch học TP.HCM tổ chức, Ths – bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, Phó Chủ tịch Hội tĩnh mạch, chuyên gia u máu – Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã công bố về kết quả điều trị thành công cho một bệnh nhi bị u bạch huyết hiếm gặp.
Đó là một bé trai tên T. M. K., 9 tuổi, ngụ tại tỉnh Khánh Hòa. K. bị bướu bạch huyết vùng sàn miệng và lưỡi bẩm sinh.
“Khi bệnh nhi tới khám rất tội nghiệp. Cháu bé luôn phải đeo khẩu trang vì khối u chèn ép khiến lưỡi không rụt được vào, Lưỡi thè ra như vậy nên lúc nào cũng khô, dễ nhiễm trùng. Chưa kể K. gặp rất nhiều trở ngại trong giao tiếp, chất lượng sống và tâm lý bị ảnh hưởng nghiêm trọng.”, bác sĩ Thu nói.
Bác sĩ Hoài Thu (người đứng) cho biết về ca bệnh hy hữu được điều trị hiệu quả. Ảnh: Thanh Huyền. |
Sau khi thăm khám và tiến hành các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ đã quyết định điều trị cho K. bằng phương pháp chích xơ làm khối bướu xơ hóa dần.
Quá trình điều trị vô cùng gian nan, K. phải đi lại để chích xơ trong vòng 1 năm trời. Tới nay việc điều trị đã cho kết quả khả quan, cháu bé có thể rụt lưỡi vào trong miệng, không cần đeo khẩu trang khi giao tiếp nữa.
Một trường hợp bị dị dạng mạch máu hiếm gặp. |
Theo bác sĩ Hoài Thu, u bạch huyết là một bệnh lý hiếm gặp ở trẻ em, chiếm 4% trong các bệnh lý mạch máu thông thường.
U bạch huyết là dị tật của hệ thống bạch huyết, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và mọi vị trí của cơ thể. Trong đó 90% xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi (hay gặp ở vùng đầu, cổ). U bạch huyết có thể bị bẩm sinh hoặc mắc phải (sau chấn thương...)
Trước đây, với những trường hợp bị u bạch huyết vùng cằm, sàn miệng như bé K. các bác sĩ thường không can thiệp gì được. Tuy nhiên, bằng phương pháp chích xơ mới đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, mở ra hy vọng chữa khỏi cho những ai mắc phải căn bệnh hiếm này.
Thanh Huyền