- Từ một dải đất nghèo đói, heo hút bên chân Đèo Ngang, ít ai nghĩ rằng huyện Kỳ Anh lại trở thành nơi đóng đô 1 trong những khu kinh tế lớn nhất nước (KKT Vũng Áng) và đặc biệt là Khu công nghiệp lớn nhất Đông Nam Á – Formosa. Không chỉ thoát nghèo, mảnh đất này đang thực sự là động lực, đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế của Hà Tĩnh.
Ký ức đói nghèo của lão ăn xin
Buổi sáng tháng 8 cuối hè nắng gay gắt, ông Nguyễn Tiến Rất (65 tuổi, Kỳ Nam, TX. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thong thả ngồi pha nước chè đón khách. Sát nách nhà ông, vợ chồng đứa con trai đầu mở xưởng gò hàn nhỏ bên QL1A.
Đến thăm nhà ông, có lẽ chẳng ai còn nhớ đến một ‘ông Rất ăn xin’ khố rách áo ôm từng lang thang khắp từ chân đèo Ngang đến đỉnh đèo, vào tận Quảng Bình xin ăn. Thay vào đó là một gia đình khá đầy đủ, 8 đứa con lần lượt trưởng thành và nên người.
Ông Nguyễn Tiến Rất (65 tuổi), nhân chứng của thời kỳ đói khổ cách đây chưa lâu ở Kỳ Nam. Sự chuyển biến kinh tế nói chung ở khu vực đã giúp gia đình ông và rất nhiều hộ dân khác từng bước thoát cảnh đói nghèo. |
Nhấp ngụm nước chè, ông Rất lắc đầu kể về thời kỳ đói khổ không chỉ của gia đình ông mà cả thôn Minh Thành, cả xã Kỳ Nam này đều đói lả. Những ‘Năm tám mươi, gạo tám mươi; Dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ’ vẫn khiến ông rùng mình khi nhắc lại.
“Đến đầu những năm 90, chúng tôi vẫn phải đi xin ăn. Khổ lắm! Kỳ Nam những ngày đó heo hút, bố con tôi và nhiều người khác phải vật vạ trên đèo Ngang, ai cho gì ăn nấy”, ông Rất nhớ lại.
Bên bát chè xanh, ông Rất vẫn chưa quên được những ngày đầu năm 1990 khi vợ ông sinh đứa con thứ 5. Lúc đó cả nhà hết gạo, ông cùng mấy đứa lớn phải nhịn mấy ngày liền. Đói quá, ông chạy qua nhà bà ngoại xin được chén cơm nguội về cho vợ.
Những khu tái định cư được xây dựng đồng bộ ở TX. Kỳ Anh. |
“Mùng 1 tết Nguyên đán, tôi với đứa con trai đầu còn phải vượt đèo Ngang, đi vào tận Quảng Bình để xin gạo. Nhiều nhà đang đón tết thấy kẻ ăn xin đến thì bực mình đuổi đi. Có hôm đi lang thang hàng chục cây số”, ông lão ngậm ngùi kể.
Cái đói cái nghèo cứ bám riết khiến ông trông già đi trước cả chục tuổi. Cuộc sống của gia đình ông chỉ thực sự khá lên trong chừng 5 năm qua, cùng với sự thay đổi chóng mặt của xã Kỳ Nam. Khu kinh tế Vũng Áng mọc lên, những cơ hội thoát nghèo đã hiển hiện.
Con trai đầu lập gia đình rồi mở xưởng gò hàn, cơ khí nhỏ sát QL1A. Ông cũng tranh thủ sắm thêm dụng cụ để rửa xe khách, xe tải. Những ngày đói nghèo đã lùi lại phía sau.
Làng xoay ra... phố!
Cũng như gia đình ông Rất, đời sống dân cư Kỳ Nam đã thay đổi rất nhiều trong chừng 5 năm qua. Vùng đất từng được biết đến như là một trong những nơi đói nghèo lay lắt nay thực sự đã ‘lột xác’.
Ông Đặng Danh Dích, Bí thư xã Kỳ Nam cho biết khoảng 60% lao động độ tuổi từ 18 - 35 của xã đang làm việc trong Khu kinh tế Vũng Áng. |
Ông Đặng Đình Dích, bí thư xã Kỳ Nam (TX. Kỳ Anh) hồ hởi cho biết năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm xuống còn 12%. Năm 2010, Kỳ Nam vẫn còn có đến 27,8% hộ nghèo. Những đổi thay trong 5 năm qua đang dần đẩy lùi cái đói cái nghèo khỏi vùng đất này.
Ông Dích vẫn còn nhớ như in những năm 1998 trở về trước, Kỳ Nam được biết đến là một trong những nơi nghèo nhất nước. Những ‘làng ăn xin’ vạ vật nơi chân đèo Ngang, sống lay lắt trong cái đói. Thời đó, người dân ăn còn chưa đủ, học hành lại càng không. Làng trên xóm dưới trẻ em học hết cấp 1 chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Đến năm 2002 thậm chí Kỳ Nam còn chưa có học sinh THCS. Trẻ em thất học, đi ăn xin, đi làm đủ thứ. Hồi đó thanh niên chủ yếu vào Nam làm thuê, cuối năm về trừ hết tiền tàu xe, thuê trọ cũng chẳng còn là bao”, bí thư Dích nhớ lại.
Cạnh Kỳ Nam là các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh... cũng phát triển nhanh chóng. Đại dự án Formosa cộng với đó là tuyến QL1A được nâng cấp, mở rộng làm thay da đổi thịt cả một vùng đất nghèo.
Những Kỳ Phương, Kỳ Liên... trước đây vốn là xã nghèo nay đã ‘xoay ra phố’, trở thành các phường trung tâm của TX. Kỳ Anh non trẻ. Những công trình thực sự choáng ngợp đang làm thay đổi thần tốc vùng cực Nam tỉnh Hà Tĩnh.
Bộ mặt của vùng đất nghèo đói đang thay đổi từng ngày. |
Ông Nguyễn Tiến Long, PCT UBND phường Kỳ Phương cho hay, năm 2014 ngân sách của phường đã hơn 30 tỷ. Năm 2015 dự kiến tổng thu còn tăng vọt hơn nữa.
Để kết lại câu chuyện kinh tế tại Kỳ Anh thay đổi ‘chóng mặt’, xin được kể mẩu chuyện vui do chính ông Trần Phố Huế, Phó chủ tịch phường Kỳ Liên chia sẻ với VietNamNet.
Ông Huế cho hay, thời kỳ những năm 2005, 2006, xã Kỳ Liên lúc đó còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 3, 4 triệu đồng. Năm 2007, xã thông qua chủ trương phấn đấu nâng bình quân đầu người lên mức 7 triệu đồng 1 năm.
Thế nhưng nhiều cán bộ xã đã quá ‘sốc’ với con số này và phản ứng dữ dội!
Năm 2010, thu nhập bình quân của người dân Kỳ Liên đã tăng lên 8,6 triệu/1 năm. Đến 2015, dự kiến con số này đã xấp xỉ 35 triệu đồng/người/năm. Một sự thay đổi đến mức ‘chóng mặt’!
Cao Thái – Văn Đức