- Quy định về cho phép mang thai hộ đáp ứng được nhu cầu và lòng mong mỏi của không ít người dân. Những trường hợp đầu tiên thực hiện việc này ở Bệnh viện Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện Từ Dũ TP.HCM lại càng khiến dư luận thêm quan tâm. Góc nhìn thẳng mời ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia trao đổi về vấn đề này.

BTV Thu Lý: Thưa ông, nhu cầu về việc mang thai hộ là không hề nhỏ nhưng tại sao sau 6 tháng khi luật đi vào có hiệu lực thì con số thực hiện vấn đề này lại hết sức khiêm tốn?

Ông Nguyễn Viết Tiến: Thực ra nhu cầu về mang thai hộ cũng không phải là quá đông, quá nhiều như chúng ta tưởng. Và trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã thực hiện kỹ thuật mang thai hộ tại 3 trung tâm: Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia, Trung tâm hiếm muộn của bệnh viện Từ Dũ và một trung tâm nữa ở tại Huế. Hiện nay, tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia cũng đã làm thành công khoảng 10 trường hợp. Trong bệnh viện Từ Dũ cũng đã thông báo cho tôi là có một trường hợp thành công. Tôi cho rằng, về kỹ thuật chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ được không có gì khó khăn. Cứ cảm giác khó khăn cũng chỉ là khâu thủ tục hành chính mà thôi.

Về thủ tục hành chính, một số cặp vợ chồng cho rằng rất khó khăn nhưng khi đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia thì cũng không có gì là khó khăn cả vì chúng ta đã có luật. Và luật như vậy thì chúng ta cứ áp dụng thật chặt chẽ. Trong một bộ hồ sơ để mang thai hộ có rất nhiều giấy tờ, chứng nhận để đảm bảo thủ tục về mặt pháp lý. Điều quan trọng là khi bệnh nhân đến khám bác sỹ phải xác định được là trường hợp này có cần phải mang thai hộ hay không. Khi đã xác định được rõ nguyên nhân cần phải mang thai hộ thì nên có người để hướng dẫn một cách rất cụ thể. Để hồ sơ hoàn chỉnh thì cần phải có những thủ tục giấy tờ nào thì người ta sẽ đi làm và làm hết cả thủ tục đó sau mới đến nộp cho trung tâm. Như vậy thì người ta sẽ không mất nhiều thời gian.

BTV Thu Lý: Theo ông chúng ta có nên giảm bớt đi những thủ tục để cho người dân có thể dễ dàng thuận lợi thực hiện, thưa ông?

Ông Nguyễn Viết Tiến: Theo tôi các thủ tục thì chúng ta phải làm đầy đủ mà chính chúng ta làm hết các thủ tục mới thuận lợi cho các cặp vợ chồng về sau này chứ không người ta sẽ gặp rắc rối. Rắc rối ở chỗ là người ta phải được tư vấn về mặt pháp luật. Các giấy tờ phải đầy đủ thì sau đó mới làm thủ tục được về giấy khai sinh chính bố và mẹ là của người mang thai hộ. Nếu chúng ta không thực hiện đầy đủ các thủ tục thì sẽ gặp rắc rối về sau cho các cặp vợ chồng mà nhờ người khác mang thai hộ.

{keywords}

BTV Thu Lý: Theo ông so với các nước trong khu vực, thủ tục để mang thai hộ ở nước ta thuận lợi hơn hay khó khăn hơn?

Ông Nguyễn Viết Tiến: Về thủ tục mang thai hộ ở nước ta cũng đúng như thông lệ quốc tế thôi. Thực ra gọi là thông lệ quốc tế thì cũng không phải vì trên toàn cầu có nước làm có nước không nhưng chúng ta cũng dựa vào những luật về mang thai hộ của các nước đã làm, những nước đang phát triển và những nước ta phát triển họ đã làm những luật cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ. Chúng ta áp dụng như vậy tôi thấy khá đầy đủ nhìn về mọi góc độ.

Còn đối với mang thai hộ thì chúng ta có một quy định tôi cho rằng khá cứng cũng ảnh hưởng đến các cặp vợ chồng lẽ ra nên làm mang thai hộ cho họ. Đó là chúng ta chỉ làm cho những cặp vợ chồng  mà người ta hoàn toàn chưa có đứa con nào thì lúc đó mang được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Nhưng trong thực tế lại có trường hợp cả hai vợ chồng, chồng bình thường, vợ thì không còn khả năng mang thai nữa mà người ta có một đứa con nhưng đứa con ấy bị tật nguyền nhưng không bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Tôi lấy ví dụ như người vợ đã sinh con nhưng lần sinh con ấy thì bị tai biến sản khoa vì do tai biến sản khoa chứ đứa trẻ ấy không phải bị bệnh di truyền của bố mẹ và đứa trẻ ấy có thể bị sang trấn sản khoa và sau đứa trẻ đó bị liệt. Người vợ do bị tai biến sản khoa như vậy nên đã bị cắt tử cung. Vậy bây giờ noãn của người phụ nữ vẫn còn, trứng vẫn còn tinh trùng của chồng vẫn tốt. Trong những trường hợp ấy cho họ có được đứa con khỏe mạnh bình thường thì cũng rất nhân văn, nhân đạo và nhu cầu của họ cũng là chính đáng. Nhưng quy định này lại không được phép thực hiện. Tôi cho rằng đó cũng là có sự bất cập. Trong quá trình chúng tôi thực hiện thì thấy có vấn đề như vậy. Còn tất cả những yêu cầu khác tôi cho rằng hợp lý mặc dù cặp vợ chồng muốn thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải làm khá nhiều thủ tục.

{keywords}


BTV Thu Lý: Từ thực tế triển khai thời gian qua, với tư cách Thứ trưởng Bộ Y tế ông có thể đưa ra lời khuyên với những gia đình hiếm muộn để họ sớm thực hiện được việc này một cách đúng pháp luật?

Ông Nguyễn Viết Tiến: Đối với tất cả những trường hợp hiếm muộn phải đến những trung tâm hỗ trợ sinh sản, trung tâm hiếm muộn nơi người ta có rất nhiều kinh nghiệm. Đừng cho rằng tất cả các trung tâm hiếm muộn đều có năng lực đều có khả năng như nhau là không phải. Nhưng đối với những kỹ thuật bình thường thì hầu hết các trung tâm đều có thể làm được nhưng trong một số trường hợp khó thì không phải trung tâm nào cũng làm được.

Thứ hai, tôi muốn chuyển thông điểm là nếu có phải thực hiện kỹ thuật mang thai hộ thì hãy tin tưởng lời khuyên của bác sỹ. Còn tôi cũng khuyên rất nhiều cặp vợ chồng đã làm nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm vẫn chưa thành công nhưng khi xem xét thì các yếu tố thành công vẫn hiện hữu. Vậy thì nên cố gắng tiếp tục làm bằng chính người phụ nữ ấy sinh là tốt nhất. Chỉ trong trường hợp không thể làm được thì lúc ấy lại nghĩ đến phương án thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.

- Xin cảm ơn ông!

VietNamNet