- Nhóm nghiên cứu khảo cổ học thuộc Sở Văn hoá, thể thao & du lịch Hà Tĩnh vừa phát hiện một dãy thành lũy cổ bằng đá có chiều dài khoảng hơn 1km, được xây dựng từ thời kỳ Đại Việt – Chăm Pa.

Ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, ngày 17/6, nhóm nghiên cứu khảo cổ học thuộc Sở Văn hoá, thể thao & du lịch Hà Tĩnh phát hiện một dãy thành lũy cổ bằng đá có chiều dài khoảng hơn 1km.

Thành lũy cổ trên được xây dựng từ thời kỳ Đại Việt - Chăm Pa. Vị trí của đoạn thành cổ nằm ở đỉnh Đèo Bụt thuộc xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
 
Đoạn thành cổ vừa phát hiện bị cây cối che phủ

Thành lũy nằm theo trục Tây sang Đông, có chiều dài hơn 1km, được gép từ những phiến đá liếp kích thước to nhỏ không đều nhau. Mặt phía Nam của thành thẳng đứng, mặt phía Bắc mở rộng ra, độ cao bình quân 3,5m - 4m.

Mặt trên thành lũy khá bằng phẳng, chiều rộng bình quân khoảng 1,5m.

Theo ông Hạnh, bước đầu khảo cứu thành lũy cổ ở Kỳ Lạc cho thấy đây là một đoạn còn lại trong hệ thống lũy cổ Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt - Chăm Pa) kéo dài từ Tây sang Đông với độ dài khoảng trên 30 km do chúa Lâm Ấp là Phạm Văn (345 - 375) khởi công xây dựng để bảo vệ biên giới.

Đến giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, hệ thống lũy này được chúa Trịnh Toàn củng cố thêm nên người dân còn gọi là lũy ông Ninh (Ninh Quận công - Trịnh Toàn).

Lê Quang