Chiếc xe cứu hộ nằm chắn ngang đường, đang “xuống tấn” lôi xe cẩu lâm nạn dưới vực lên thì bất ngờ từ trên đỉnh đèo Cón, một chiếc xe tải khác… mất phanh, ầm ầm lao xuống.

Đèo Cón (thuộc xã Thu Cúc, huyện vùng cao Tân Sơn, Phú Thọ) dài gần 10km, vắt sang tỉnh Sơn La là một tuyến đường nguy hiểm. Đường đèo với nhiều khúc cua tay áo, quanh co liên tục đã cướp đi sinh mạng của không ít người. Vì thế, ở ngay đầu con đèo, ngành giao thông công chính địa phương phải cho cắm biển cảnh báo các tài xế: “Lái xe chú ý, đường đèo dốc nguy hiểm, phải kiểm tra an toàn trước khi lên đèo”.

Mới đây, một chiếc xe cần cẩu lớn, hiệu Zoomlion có tự trọng tới 28 tấn đã điền tên vào danh sách các xe lâm nạn tại con đèo “tử thần” này. Không rõ tài xế xử lý ra sao mà khiến cho cả chiếc xe siêu trọng lao từ trên mặt đường xuống vực (có độ dốc tới 30%), lật nghiêng. Tuy không có thiệt hại về người, nhưng toàn bộ dàn gầm phía đầu xe và hai bánh trước bị văng mất, các bánh xe phía sau thì khóa kẹt cứng; đầu cần cẩu đâm xuyên vào lòng đất sâu đến 2m.

Đội cứu hộ 116 (công ty Giao thông miền Bắc) phải điều cùng một lúc 2 chiếc “đại xa cứu hộ” có sức kéo trên 50 tấn đến hiện trường để “giải cứu” chiếc Zoomlion, đưa về Hà Nội để bàn giao cho cơ quan bảo hiểm. Thực tế, đội cứu hộ có thể sử dụng loại cẩu nặng tới gần 100 tấn, tuy nhiên việc vận hành xe cứu hộ này từ Hà Nội đến đèo Cón, lăn bánh qua hàng chục chiếc cầu tải trọng nhỏ (chỉ từ 13-25 tấn) là rất nguy hiểm, chưa kể việc mặt đường tại hiện trường vừa hẹp, lại vừa yếu, không phù hợp với việc hoạt động của xe.

Về địa hình nơi xảy ra tai nạn là khá hiểm yếu: chiếc Zoomlion bị rơi xuống một ta-luy cạnh chân nương chè có độ dốc đến 30%; cộng thêm mặt đường nhựa nơi chiếc xe cứu hộ đứng có độ dốc 10%, tình trạng mặt đường rất yếu nên có khả năng sụt lún khi xe cứu hộ “xuống tấn” lôi chiếc Zoomlion lên.
 
Hiện trường chiếc xe cẩu tự trọng 28 tấn hiệu Zoomlion lăn xuống vực, đèo Cón.
(Ảnh: Cứu hộ 116)
Công việc đầu tiên mà đội cứu hộ phải thực hiện là phải lật úp chiếc xe cẩu trở lại. Để làm việc này 2 chiếc “đại xa cứu hộ” sẽ hạ chân vịt, đứng chắn ngang đường đèo (vì tuyến đường rất hẹp không thể đứng dọc, mất lực) kéo các đường cáp lớn (loại chịu lực 20 tấn) hướng tới 1 tảng đá nặng hơn trăm tấn nằm dưới khe. Tảng đá này nằm cách chiếc Zoomlion khoảng 70m; các sợi cáp này sẽ vòng qua puly rồi quay ngược lại chiếc cẩu Zoomlion đổ để “vật” nó đứng dậy, trong khi đó có 2 đường cáp khác chạy xuống giữ đuôi chiếc Zoomlion phòng khi đứng dậy nó tự động phi xuống khe.

Một kỹ thuật viên của Đội cứu hộ 116 thuật lại thời điểm này: “Khi “trận mạc” bố trí xong, bước thử tải được áp dụng với từng đường cáp, các nhân viên lần lượt vào từng vị trí. Xung quanh rất đông người đứng “nín thở” xem các “diễn viên” chính chuẩn bị trình diễn.

Trong lúc các cặp mắt đều đang đổ dồn về những đường cáp thép thì có tiếng la hoảng loạn đến mức lạc giọng: “Chạy đi, xe mất phanh đấy”. Mọi người giật mình nhìn ngược lên đỉnh đèo thì thấy dân tình chạy nháo nhạc dạt sang hai bên, ngay sau đó thình lình một chiếc ôtô tải màu trắng, loại 5 tấn (hiệu Hyundai) vọt ra từ khúc cua, ầm ầm lao xuống vị trí 2 chiếc cứu hộ đang “xuống tấn” chắn ngang đường đèo”.

Hai nhân viên đang điều khiển xe cứu hộ thấy tình huống khẩn cấp thì không còn cách nào khác, buộc phải lao mình đại xuống vực, tránh chiếc xe tải Hyundai. Rất may, dưới vực là đồi chè, nên một người bị sái chân, còn người kia trầy da. Đúng tích-tắc khi mà mọi người đều tin rằng chiếc xe tải Hyundai cũng sẽ chung số phận với chiếc xe cẩu Zoomlion, thì tài xế bẻ lái đâm vào đuôi xe cứu hộ và chiếc Hyundai kịp dừng lại khi…đầu xe đã chìa cả xuống vực.

Hoàn hồn, mọi người mới để ý trên ca-bin “máy bay” Hyundai có 3 “phi-công”, mặt cắt không còn giọt máu. Hóa ra là tài xế đi đường đèo dốc nhưng phóng nhanh, rà phanh nhiều dẫn đến mất phanh, xuống đèo bằng số "mo”. Quan sát kỹ thấy chiếc xe Hyundai dừng lại được là do một bánh trước bên phụ đã bị bẻ ngang, “ngoèo” vào bánh xe cứu hộ. Rất may, chiếc Hyundai không đâm trực diện vào chân vịt trước của xe cứu hộ, nếu tình huống này xảy ra thì chắc chắn ca-bin của chiếc Hyundai sẽ bị… xẻ làm đôi.

Lúc này trời cũng đã về chiều, đội cứu hộ đành bỏ dở công việc, về thị trấn Thu Cúc nghỉ ngơi, để 8 giờ sáng hôm sau tiếp tục việc lôi chiếc Zoomlion từ dưới vực lên….

(Ảnh do Đội cứu hộ 116 cung cấp)
 
  Tấm biển cảnh báo lái xe trước khi lên đèo Cón
Hai chiếc "đại xa cứu hộ" được điều đến, hạ chân vịt đứng chắn ngang đường đèo,
để có lực lôi chiếc Zoomlion dưới vực lên
Tất cả các xe lưu thông qua đèo Cón phải tạm dừng để
công tác cứu hộ có thể triển khai 
 Mỗi sợi cáp này chịu lực khoảng 20 tấn, đội cứu hộ rải liền 6 sợi như vậy.
 Những chiếc ma-ní "hàng khủng", to như cổ tay người lớn, nặng khoảng 20kg
 Việc đầu tiên là phải tìm cách "vật" chiếc cẩu nặng 28 tấn đứng dậy
 Nhìn từ dưới chiếc xe lâm nạn lên phía xe cứu hộ "xuống tấn"
Mọi việc đã sẵn sàng, thì bất ngờ chiếc xe Hyundai loại 5 tấn, bị mất phanh
từ trên đỉnh đèo ầm ầm lao xuống
   Đúng lúc mọi người nghĩ chiếc Hyundai sẽ chung số phận với chiếc Zoomlion
thì tài xế kịp bẻ lái, đâm vào đuôi chiếc xe cứu hộ
 Chiếc Hyundai gây tại họa đã thò cả đầu xuống vực
Ca-bin xe tải Hyundai sau cú đâm
 Chiếc xe Hyundai dừng lại được vì một bánh trước bẻ ngang, móc vào bánh sau xe cứu hộ
Đội cứu hộ 116 đã đưa chiếc xe cẩu Zoomlion từ vực lên như thế nào? và làm sao để đưa được chiếc xe đã mất 2 bánh trước, nặng hàng chục tấn, suốt quãng đường 160km về đến Hà Nội an toàn?

Theo An ninh thủ đô