- Sau 24 giờ, bão số 4 đã mạnh thêm 3 cấp lên 11, giật cấp 13-14 và đang diễn biến hết sức phức tạp.

{keywords}

Vị trí tâm bão trên ảnh mây vệ tinh, sáng 3/10

Lúc 16h chiều nay (3/10), bão số 4 chỉ còn cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 340km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 100 đến 120km một giờ), giật cấp 13-14, tăng 3 cấp so với chiều qua.

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 20km/h. Dự báo đến khoảng chiều tối 4/10 bão sẽ áp sát bờ biển phía Tây bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) với sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 13-14.

Trước diễn biến bất thường của bão số 4, trao đổi với VietNamNet, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, hiện các tính toán đều cho thấy khả năng bão đổ bộ vào Quảng Ninh – Hải Phòng đang thấp dần.

“Tuy nhiên đây là cơn bão có nhiều diễn biến phức tạp, phải đợi bão vào đảo Lôi Châu hoặc Vinh Bắc Bộ mới có thể khẳng định chắc chắn bão có đổ bộ vào nước ta hay không”, ông Cường thông tin.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14-15. Sóng biển cao từ 3-5m. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Từ đêm mai, các tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ và vùng núi phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương bằng mọi biện pháp, thông tin kịp thời tình hình mưa bão đến từng hộ dân, kiểm tra và sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân. Các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi đang ở mức nước cao cũng đã được lệnh xả tràn.

Quảng Ninh họp khẩn đối phó bão

Trước nguy cơ dự báo cơn bão số 4 có thể đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) đã có cuộc họp khẩn chuẩn bị các phương án ứng phó với cơn bão số 4 đang tiến vào đất liền với tốc độ nhanh.

{keywords}

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh họp khẩn

Tại cuộc họp, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh chủ trì cuộc họp, yêu cầu các ngành, địa phương quan tâm làm tốt công tác dự báo, thông tin bão; buộc toàn bộ phương tiện, tàu thuyền trên biển về nơi tránh trú an toàn.

Với phương châm “4 tại chỗ”, các ngành, địa phương tiến hành rà soát toàn bộ thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống bão; có kế hoạch cụ thể trong các trường hợp sơ tán, ứng cứu người dân khẩn cấp.

Ông Hậu lưu ý: “TP Hạ Long cần chủ động rà soát, đánh giá tình hình tại những khu vực đã sạt lở hoặc nguy cơ sạt lở do đợt mưa lũ kéo dài vừa qua để sẵn sàng các phương án di dời các hộ dân đảm bảo an toàn. Các địa phương có hoạt động nuôi trồng thủy sản chủ động rà soát, kiểm tra số lồng bè nuôi trồng thủy sản, sẵn sàng phương án di dời số người trên cá lồng bè về nơi an toàn”.

Trước thiệt hại nặng nề của ngành than trong cơn lũ trước đó, ông Hậu đề nghị, Tập đoàn CN Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc khẩn trương huy động lực lượng gia cố ngay những khu vực xung yếu, khơi thông dòng chảy, có phương án bảo đảm an toàn cho hầm lò, bãi thải của mỏ trong trường hợp mưa lớn xảy ra; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đảm bảo an toàn cho các khu dân cư trong khu vực bãi thải.

Thúy Hạnh - Nhị Tiến