- “Đi đêm lắm ắt có ngày gặp ma”, khi đang lên kế hoạch thực hiện phi vụ mới băng cướp đồ tể đã bị sa lưới pháp luật. Điều đáng nói, trước ngày bị bắt, tướng cướp khét tiếng đã mơ thấy “điềm xấu”.
Điềm báo cho kẻ ác
Vào tháng 7/2005, sau khi thực hiện trót lọt phi vụ cướp tiệm vàng Từ Minh (Vĩnh Long), Lê Anh Kiệt yêu cầu rã nhóm vì công an truy lùng gắt gao. Thế nhưng, sau 5 năm “ngủ đông”, tiền vàng cướp được nhiều không đếm xuể bọn chúng cũng nhanh chóng tiêu xài hết veo.
Cơn khát vàng nổi lên khiến Huỳnh Tiếm không thể “nhịn”, từ Tây Ninh hắn lại lần mò xuống TP.HCM để tìm Kiệt, rủ rê cướp vàng. Phần vì hết tiền tiêu xài và thấy dư luận lắng xuống nên Kiệt đồng ý cho đồng bọn “đánh quả” vào tháng 10/2011.
Kiệt và đồng bọn trước vành móng ngựa. |
Trong mỗi phi vụ, bản thân Kiệt luôn kè kè ít nhất hai khẩu súng. Thế nhưng ở phi vụ này bọn chúng gặp phải một rắc rối. Kiệt yêu cầu Tiếm đưa 17 triệu đồng cho Nhãn sang Campuchia mua hai khẩu súng để chuẩn bị cho lần cướp sau 5 năm quy ẩn. Tuy nhiên, Nhãn là kẻ nghiện ma túy nặng, số tiền dùng mua súng bị hắn đốt gần hết vào ma túy. Bởi vậy, Tiếm phải đưa tiền lần hai cho Nhãn, nhưng lần này chỉ đủ mua một khẩu.
Bốn ngày trước khi chuẩn bị ra tay, Kiệt kể cho Tiếm về giấc mơ xấu: “Đêm qua em mơ thấy bốn anh em mình bị dựa cột”. Nghe “điềm gở”, nhưng lúc này cơn khát vàng dâng lên như sóng cuộn, Tiếm gạt sang một bên. Tiếm cho Kiệt biết “chó lửa” (Nhãn) đã sang Campuchia mua “lưới” (súng), dặn Kiệt cứ tìm “ao” (địa điểm) để chuẩn bị “đánh cá” (cướp).
Kế hoạch cho phi vụ tiếp theo đã gần như chắc chắn, chỉ đợi đến ngày ra tay nhưng Kiệt vẫn ám ảnh về điềm gở. Vốn là kẻ lang bạt trong giang hồ rất sớm nên những giấc mơ không mấy sáng sủa khiến gã ám ảnh, suy tư rất nhiều. Trước nay vụ nào cũng có hai súng mới cảm thấy an toàn nhưng lần này chỉ mua được một khẩu K54 và ba viên đạn nên Kiệt định không làm. Nhưng Tiếm và Nhãn không đồng ý, hối thúc Kiệt ra tay sớm vì đang cần tiền.
Cho tới khi bị bắt, Kiệt không ngờ điềm báo trong giấc mơ lại là sự thực.
Buổi sáng 8/10/2011, như thường lệ, Kiệt vẫn chở vợ đi lấy rau đem ra chợ bán. Sau khi về gã ở lì trong nhà trọ đến gần chiều. Khoảng 17h, Kiệt lận lưng hai khẩu súng, mắt đeo kính trắng, chải chuốt bộ ria mép đặc trưng của gã rồi lao nhanh xe tới quán cà phê trên đường Lê Văn Lương. Vào quán, gã đảo mắt ngó nghiêng một vòng, như yên tâm Kiệt chọn một góc khuất trong quán để ngồi. Thi thoảng gã đưa tay lên nhìn đồng hồ, vẻ sốt ruột đợi chờ ai đó. Tầm một tiếng sau, trời tháng 10 đổ mưa nên nhanh tối, hai tên Tiếm và Nhãn cũng lần lượt xuất hiện.
Cả ba ngồi chung và chụm đầu bàn bạc điều gì đó rất hệ trọng. “Con mồi” mà chúng nhắm lần này là tiệm vàng Đức Hạnh (đường Nguyễn Hữu Hào, P4, Q4).
Chúng không ngờ, những hành động đáng nghi gần đây đã lọt vào tầm ngắm của lực lượng trinh sát tinh nhuệ của Tổng cục Cảnh sát. Khi cả ba vừa gặp nhau trong quán, các trinh sát nhanh chóng ập vào khống chế. Ngay tức thì còng số 8 bập vào tay từng tên, chúng không kịp trở tay.
Ngày tàn của tướng cướp “ngã ngựa”
Suốt hơn 10 năm ngang dọc gây ra biết bao tội ác, Kiệt luôn tỏ ra là kẻ cầm đầu ma mãnh, xảo quyệt, bắn người không ghê tay nhưng khi bị bắt gã ngoan ngoãn cúi đầu nhận tội. Bất ngờ hơn, tại cơ quan công an Kiệt không ngần ngại “tỏ lòng”: “Tôi biết ngày này cũng sẽ xảy ra, nhưng không nghĩ nhanh thế. Trước khi bị bắt 4 ngày, tôi mơ thấy điềm xấu. Tôi đã nhận thấy điều gì đó không hay nên có ý định không làm, nhưng Tiếm và Nhãn quá hối thúc. Không ngờ điềm báo trong giấc mơ là sự thực”.
Ngày đứng trước vành móng ngựa, người ta thấy Kiệt bình thản đến lạnh lùng. Mỗi câu hỏi đưa ra đều được gã trả lời rành mạch, không quanh co.
Câu cuối cùng tướng cướp nói trước mọi người đó là “Tôi chẳng còn gì để nói”. Trái lại, đám đàn em Lộc, Tưởng, Nhãn lại khúm núm, sợ sệt, lí nhí, quanh co chối tội.
Thời điểm bị bắt, Nhãn đã bị nhiễm AIDS. Lấy cớ bệnh tật, với giọng run rẩy, Nhãn khoanh tay trước thân thể gầy gò xin được ân xá để trở về với vợ con sống những năm tháng cuối đời.
Tiếm và Kiệt trước tòa. |
Riêng Huỳnh Văn Tiếm còn vẻ giảo miệng, ngang tàng một mực không nhận tội. Gã bảo mình chỉ là “xế ôm” chở đồng bọn đi cướp chứ không dính dáng đến khâu lên kế hoạch. Nhưng khi bị vặn hỏi về việc mua súng, đạn và nhận số vàng chia chác được sau mỗi vụ cướp thì Tiếm cứng họng.
Nhận rõ không còn đường lui, gã mới chịu nhận tội trong bộ dạng tái xanh, mệt mỏi. Trong phiên tòa xét xử, mới 54 tuổi nhưng trông bộ dạng của y chẳng khác nào lão già 70 tuổi phải ngồi trên xe lăn vì chân đau nhức không nhấc lên nổi.
Vợ con Kiệt quá sốc, bỏ đi ra một huyện ngoại thành sinh sống để mong quên đi sự phản bội, báng bổ lừa dối vào niềm tin mà người chồng, người cha như Kiệt gây ra cho họ.
Ngày nhận án tử, Kiệt và Tiếm tóc đã nhuốm bạc, ngày nào hung hãn, bắn người không ghê tay giờ thì yếu ớt, bệnh tật sống trong tiếc nuối. Với bộ dạng “ngã ngựa” này không ai nghĩ bọn chúng từng một thời là tướng cướp, gây ra nỗi sợ hãi cho lương dân suốt một thập niên.
Vụ án nhiều kỷ lục Chỉ trong vòng 5 năm từ 2000-2005, băng cướp do Kiệt cầm đầu gây ra 8 vụ, cướp đi gần 1.000 lượng vàng, hơn 84 viên kim cương cùng nhiều ngoại tệ. Điều đáng nói về băng cướp này chính là sự manh động, liều lĩnh, sẵn sàng ra tay giết người để đạt mục đích. Từ khi chuyên án truy xét băng cướp tàn độc, manh động và chuyên ngiệp được mở cho đến khi bắt được các đối tượng, Tổng cục Phòng chống tội phạm Bộ Công an đã ba lần thay đổi trưởng ban chuyên án, từ Trung tướng Nguyễn Việt Thành đến Trung tướng Phạm Thành Nam và cuối cùng là Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến. |
K.N