"Tôi là người đàn bà tội lỗi, nhưng tôi cũng là người mẹ khổ đau lắm rồi. Có những đêm tôi muốn ngủ đi, mãi mãi, nhưng nghĩ đến cái chết của đứa con trai nhục nhã vì mẹ, tôi lại muốn sống" - Người đẹp chợ Đông Ba, xứ Huế một thời, tâm sự.
"Thuyền em rách nát còn lành được không?"
Tôi gặp Nguyễn Thị Cúc (Tổ 21 - Hồ Đắc Di- phường An Cựu - TP Huế) khi chị đang bận bịu bên ngổn ngang những thúng, những xoong chảo, và cái mùi ngai ngái của rau răm, tanh tanh của những quả trứng vịt lộn. Tôi cũng được tin Kỳ - cậu con trai lớn của chị Cúc vừa qua đời do tai nạn tàu hỏa.
Gạt nước mắt, chị bảo: “Buồn vì nghèo, vì mẹ nên nó mới lao đầu vô tàu tự tử”. Trời đổ mưa tầm tã, chị Cúc tất tưởi dọn xoong nồi vào nhà, nước mắt rơi mau hơn, đẫm trên gương mặt lỗ chỗ vết thời gian của người đàn bà tuổi ngũ tuần. Nhưng tôi vẫn thấy ở khuôn mặt ấy hằn lên vẻ mặn mà một thời thiếu nữ.
Chợ Đông Ba ngày đó đông đúc, nhộn nhịp kẻ bán người mua. Nhiều chàng trai đi qua xuýt xoa trước người con gái đẹp, lại chịu thương chịu khó, đang gánh trên vai nỗi lo cho cả gia đình.
|
Chị Cúc ân hận về cuộc đời lầm lỡ |
Chị lấy chồng, theo lời mẹ. Cưới nhau về, chị mới biết chồng vô sinh, chạy vạy chữa trị khắp nơi không khỏi. Thế rồi hạnh phúc vỡ tan, đôi người đôi ngả. Cảnh nghèo, cảnh cô đơn đeo đẳng khiến Cúc vô cùng chán chường. Chị thương các em nhỏ dại. Nhưng chị lại vô tình buông mình vào “những cuộc chơi lạnh buốt xương”.
Cúc cặp kè với một vài gã đàn ông khác cho bớt chán nản, rồi biến thành một ả gái “ăn sương” để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Chị bảo: “Ngã vào vòng tay những người đàn ông, tôi biết cuộc đời mình như thế là đã hết. 3 đứa con lần lượt ra đời là kết quả của những lần tôi “đi khách”.
Những đứa con không cha cứ thế lớn lên. Cúc lại một mình gánh thêm nỗi nhọc nhằn đông con. Ba lần trở dạ, ba lần Cúc gánh nỗi đau đàn bà cô lẻ một mình. Sinh con chừng vài tháng tuổi, người mẹ ấy bỏ chúng ở nhà trông coi lẫn nhau để tìm đường sống. Anh chị em ruột của Cúc thấy chị làm nghề này nhục nhã quá, ai nấy đều từ mặt chị vì xấu hổ. Mỗi lần đạp xe đi khách, chị đều phải lầm lụi, cúi mặt xuống đường vì sợ gặp họ hàng.
Càng lớn tuổi, việc “đi khách” càng khổ cực, có những lần kiếm sống trên đường Ngô Quyền, rồi công viên Lê Lợi chỉ được 20.000 đồng, bạn bè rủ đi uống cà phê là hết. Khi không có tiền nộp cho bọn côn đồ, bị đánh bầm dập là chuyện thường ngày. Biết sao được, một mình thân cô thế cô giữa chợ đời, chị phải chấp nhận. “Có những lần tôi gặp 3 đến 4 khách trẻ măng cùng một lúc, ít hơn tuổi con trai mình. Nhiều khi muốn tránh đi, nhưng vì đồng tiền, bèn chiều khách như kẻ mất hồn, đắng cay không tả hết” - Chị Cúc cắn môi thật chặt, đau đớn khóc.
Nợ con cả cuộc đời
Gạt những lọn tóc loà xoà trên mái đầu đã chuyển hết sang màu muối tiêu muối, người đàn bà tội nghiệp tiếp tục trần tình về những trang đời đắng đót của mình. Nhiều năm coi thân thể như món hàng, đã không ít lần Cúc bị đưa vào Trung tâm phục hồi nhân phẩm. Vào đó chị thấy xót con vô cùng. Nỗi nhớ con càng cào xé, chị càng cảm thấy mình có tội, sinh con ra rồi để chúng bơ vơ trong cảnh bần hàn.
Mỗi lần từ Trung tâm phục hồi nhân phẩm trở về, Kỳ (con trai lớn) đều khuyên mẹ bỏ “nghề”. Nó bảo: “Mẹ lớn tuổi rồi, mẹ ở nhà đi, con sẽ đi làm nhiều hơn để cấp thêm tiền cho mẹ”. Lúc nghe con nói thế, chị chỉ trả lời “Mẹ phải suy nghĩ đã”. Người mẹ tội nghiệp ấy chưa kịp hiểu ra rằng, nó đi làm rồi có lúc lao đầu vào cột điện cũng do buồn phiền vì mẹ, nó tuyệt vọng khi tai nạn không khiến nó chết đi mà chỉ biến thành kẻ tàn phế trong đau đớn. Cúc luôn nghĩ: “Khuyên mẹ không được, con mình quyết tâm kết liễu đời mình cho đến cùng, vì nghĩ rằng, cuộc sống cơ cực này sẽ chẳng bao giờ thay đổi”.
Những ngày cuối năm 2010, con mất, chị Cúc được bảo lãnh trở về từ Trung tâm phục hồi nhân phẩm để lo đám tang. Nghĩ lại, thấy đứa con trai mất vì tuyệt vọng trước cảnh nghèo, chị Cúc như người mất hồn. Đời chị đã đủ cực mà chẳng khiến các con no đủ hơn, chị Cúc quyết định bỏ “nghề”, khi đó mái đầu chị đã lốm đốm hai màu tóc. Niềm an ủi cuối cùng của người mẹ tội lỗi ấy vẫn lại là những đứa con còn lại. Đứa con gái thứ hai cũng đã biết đi làm thêm để phụ mẹ, đứa thứ ba là con trai cũng vừa đi phụ việc trong phố, vừa cố gắng học tới lớp 11.
Ngày chị đi bán vé số, tối về bán trứng vịt lộn trước hiên nhà. Những cơn mưa Huế dầm dề như ngăn bước chân của người đàn bà đã từng một thời tội lỗi. Tuổi già đã chuẩn bị ập đến trên đầu, những cơn đau bệnh khiến Cúc đôi khi muốn kết liễu đời mình, nhưng nghĩ đến cái chết oan nghiệt của đứa con trai, chị thấy mình nợ nó cả cuộc đời. Và chị lại gắng gượng mà sống tiếp.
Tình người vẫn còn
Một ngày, có một người đàn ông bước vào cuộc đời chị như bao người đàn ông khác. Tưởng như chỉ là khách qua đường, nhưng ông ấy đã tận tụy trò chuyện với chị, cho chị những lời khuyên, muốn chị đừng quay lại con đường cũ. Khi chị còn ở trong trại, ông ta tới thăm nom, rồi thỉnh thoảng lại tới nhà giúp các con chị những bữa rau bữa cháo. Quá nửa đời người, trải qua bao cay đắng, chị chẳng ngờ cuộc đời vẫn dành cho tình thương.
Lau những giọt nước mắt chát mặn, chị Cúc tâm sự về người đàn ông khiến chị thêm tin yêu vào cuộc đời, tình người để giúp chị vượt qua những mặc cảm, giông bão. Khi trở về, chị được phường cho ở nhờ căn nhà cũ của phường để bắt đầu lại cuộc sống mới. “Đoạn tuyệt với những tháng ngày đen tối rồi tôi ra đường vẫn cúi gầm mặt vì xấu hổ, nhưng người ta nói với tôi rằng “đánh kẻ chạy đi chớ không đánh người chạy lại”, niềm tin về tình người, tình đời tưởng như đã nát vụn trong tôi bỗng như được hồi sinh nhanh chóng.”
Cứ thế, sau những tháng ngày tăm tối, trong căn nhà gỗ mượn tạm, xộc xệch với
những thứ đồ chuẩn bị cho buổi tối bán hàng ăn, chị Cúc cùng các con nâng niu
từng ngày sự hồi sinh ấy. Cõi lòng người mẹ ấy như những mảnh vụn đầy hỗn tạp,
nhuốc nhơ bỗng được chắp lại, tuy chẳng vẹn nguyên nhưng cũng đã bớt đau đớn
phần nào...
Theo PLVN