– Không có cuộc sống nào
nặng nề bằng cuộc sống của một người sống để đợi chờ cái chết đang ngày càng
tiến đến gần… Dù được an ủi, động viên, khích lệ nhưng những bệnh nhân HIV/AIDS
khó có thể có một tâm trạng “bình thường” trong những ngày cuối đời.
Thời khắc kinh hoàng của người nhận “án tử”
“Hôm nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, em trùm chăn
khóc từ chập tối đến sáng hôm sau. Đó là một ngày cuối tháng 9, đầu
tháng 10/2009. Trời thì mưa lâm thâm, lại rét, em buồn, em tuyệt vọng
quá…”.
|
Trầm cảm nặng nề
Trước khi trở về bệnh viện 09 (Thanh Trì, Hà Nội) để điều trị HIV/AIDS giai đoạn cuối, bệnh nhân T. đã có một quãng thời gian dài sống ở các trung tâm cai nghiện.
T. nhận xét rằng, bệnh viện 09 này tốt hơn nhiều so với các trung tâm cai nghiện, bảo trợ xã hội vì không đông người, bệnh nhân lại được điều trị đều đặn, chu đáo, thuốc thang có đầy đủ và các bác sỹ cũng rất tốt. Có thể nói ai mà có “H” đều muốn được về đây chữa trị để kéo dài cuộc sống.
“Nhưng cũng mâu thuẫn lắm, bởi bệnh viện này chỉ dành cho những người có HIV và AIDS giai đoạn cuối thôi. Nghĩa là lúc đó bệnh đã nặng lắm rồi. Vì thế, nếu được chuyển về đây, cũng chả biết là nên vui hay nên buồn nữa…”, T. tùi ngùi tâm sự.
Những ngày cuối đời của bệnh nhân HIV/AIDS rất nặng nề. Trong giai đoạn cuối, việc điều trị bệnh không còn được ưu tiền bằng điều trị tinh thần, tâm lý (Ảnh minh họa: VietNamNet) |
T. được đưa về bệnh viện 09 từ tháng 8/2010 sau một thời gian điều trị ở Trung tâm bảo trợ xã hội 1 (Ba Vì – Hà Nội). Kể từ khi được về đây ở, cuộc sống của T. diễn ra vỏn vẹn trong khuôn viên nhỏ bé của bệnh viện, khác hẳn với thời “tung hoành” ngang dọc khi xưa.
Bệnh viện không cấm chuyện bệnh nhân ra ngoài mua sắm đồ dùng cá nhân, nhưng T. chẳng bao giờ bước chân ra khỏi cổng, cần gì T. đã nhờ người mua hộ.
“Ở các chỗ khác người ta còn sợ bệnh nhân trốn trại, bỏ đi chứ ở đây chẳng ai làm thế. Vì bệnh nặng lắm rồi, trốn ra ngoài là chết”, T. nói.
Mỗi ngày, T. chỉ quanh quẩn trong căn phòng nhỏ có 4 người ở nhưng hiện 3 người bạn cùng phòng đã “ra đi” nên T. làm quen, bắt bạn với những người ở phòng bên cạnh.
Tại đây, mỗi người một quê, mỗi người một con đường dẫn đến ma túy, HIV/AIDS nhưng đã vào bệnh viện này là tất cả đều xác định làm bạn với nhau. Ở đây, ai may mắn lắm thì có người nhà đến thăm, còn lại đại đa số đều tự mình chịu đựng và vượt qua những ngày tháng cuối.
“Đợt trước em bị trầm cảm khủng khiếp. Nhiều anh chị em ở đây cũng bị tương tự. Vì chán. Bệnh tật đã như vậy, cuộc sống cũng chẳng có lấy một điều vui vẻ. Suốt ngày quanh quẩn ở hành lang rồi lại quay vào nằm dài trong phòng. Thấy tiếng xe tải chạy ào ào ngoài đường và nghĩ cuộc sống ngoài kia đang sôi động lắm khiến em thèm muốn khủng khiếp…”, T. nghẹn ngào nói.
Bệnh viện 09 nằm ngay mặt đường 70 (quận Hà Đông, Hà Nội) nên xe cộ chạy qua ồn ào từ sáng đến đêm. Đây có lẽ là âm thanh sống động duy nhất có thể phá vỡ cái bầu không khí ủ dột của tất cả các bệnh nhân ở nơi này…
Vì cùng cảnh ngộ với nhau nên tất cả các bệnh nhân ở bệnh viện 09 đều coi nhau như anh em một nhà.
“Có những đứa là con gái, bằng tuổi em (26 tuổi) nhưng nó ốm quá mà chẳng có người thân nào chăm sóc nên em cũng xắn tay thay bỉm cho nó mà chẳng chút ngại ngần. Rồi sẽ đến ngày em cũng sẽ như vậy thôi, ở đây ai còn khỏe thì chăm sóc cho người yếu”, T. thở dài ngao ngán khi nói về viễn cảnh trước mắt.
“Trở về dòng sông tuổi thơ”
Quãng thời gian sống trong bệnh viện 09 những ngày cuối đời, nhiều bệnh nhân vẫn ăn uống, sinh hoạt đều đặn nhưng hay có những việc làm hồi tưởng về quá khứ, hoặc có những mong muốn hết sức … trẻ thơ!
Nhiều người bệnh có "H" tiếc
nuối và khao khát cuộc sống, nhưng tất cả đều đã quá muộn. Cộng với
sự "đoạn tuyệt" của gia đình và người thân, nhiều người đã buông
xuôi, không muốn điều trị (Ảnh: N.A) |
Các bệnh nhân khá khép kín với bác sỹ về đời sống, hoàn cảnh riêng tư song lại khá cởi mở với nhau. Nhiều người rất hay tâm sự với bạn về quãng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc sống của họ - khi họ chưa dính vào ma túy, nghiện ngập rồi sau đó là HIV/AIDS.
Quãng thời gian đó là những ngày tháng được sống cùng bố mẹ, được đi học, có những người bạn tốt từ thời ấu thơ mà giờ đây họ không còn dám liên lạc hay thông báo tin tức vì xấu hổ, vì muốn được đoạn tuyệt để sau này sẽ được ra đi trong lặng lẽ…
Có những bệnh nhân biết mình không còn sống được bao lâu. Họ cảm nhận được điều đó và thường xuyên nhờ bạn bè, các bác sỹ mua cho mình những món ăn mình thích thuở còn nhỏ.
Bác sỹ Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện 09 kể lại: “Trước đây, có bệnh nhân nhờ bác sỹ mua cho mình một quả chuối để ăn vì đây là loại quả anh ta hay ăn lúc còn bé. Lại có người nhờ bác sỹ mua hộ một quả dưa chuột. Khi nhận được những thứ này, họ hạnh phúc lắm. Ngay ngày hôm sau, họ ra đi …”.
Theo ông Chung, những bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối có thể có biểu hiện cực đoan về tinh thần, tình cảm, có người còn nói “không cần ai đến thăm hết” nhưng đó chỉ là vỏ bọc của họ.
Sau vỏ bọc ấy vẫn là những tình cảm yếu đuối rất con người. “Có người miệng thì nói thế nhưng nếu được trò chuyện, an ủi, động viên khiến họ mủi lòng thì lại khóc như trẻ con. Họ nói họ nhớ nhà, muốn được gặp bố mẹ, anh chị em”, bác sỹ Chung nói.
Trên thực tế, đối với những bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối, bác sỹ Chung cho biết những chăm sóc y tế có thể không còn được ưu tiên bằng biện pháp chăm sóc tinh thần để giải quyết những bức bối, khó chịu. “Họ khao khát được chia sẻ, quan tâm. Nhưng không phải ai cũng may mắn có được điều đó”, bác sỹ Chung nói.
N.Anh
(còn nữa)