HTML clipboard

– Đây là thực tế đáng buồn ở các khoa lây nhiễm, bệnh viện chuyên về điều trị bệnh nhân HIV/AIDS hiện nay. Có những gia đình gửi con vào viện, đến khi con chết, được bệnh viện thông báo nhưng chỉ trả lời ngắn gọn: “Trăm sự nhờ bệnh viện!”.

Thời khắc kinh hoàng của người nhận “án tử”
“Hôm nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, em trùm chăn khóc từ chập tối đến sáng hôm sau. Đó là một ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2009. Trời thì mưa lâm thâm, lại rét, em buồn, em tuyệt vọng quá…”.
 
Cuộc sống khủng khiếp của người... chờ chết
Không có cuộc sống nào nặng nề bằng cuộc sống của một người sống để đợi chờ cái chết đang đến gần… Dù được an ủi, khích lệ nhưng những bệnh nhân HIV/AIDS khó có thể có một tâm trạng “bình thường” trong những ngày cuối đời.


“Nhờ bệnh viện”

Bệnh viện 09 (Thanh Trì – Hà Nội) là bệnh viện tuyến cuối nên toàn tiếp nhận những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS rất nặng, việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn, có người vào viện được 2-3 ngày đã chết. Người nào may mắn thì sống thêm được 2-3 năm.

Đã công tác nhiều năm tại đây, bác sỹ Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết có một thực tế đáng buồn là hiện nay, các gia đình có người nhiễm HIV/AIDS thường “phó mặc” người thân cho bệnh viện.

Hiếm hoi lắm bệnh nhân HIV/AIDS ở bệnh viện 09 mới có người nhà đến thăm nom, chăm sóc (Ảnh: N.A)

Theo đánh giá của bác sỹ Chung, có nhiều lý do để các gia đình từ chối chăm sóc người thân mắc căn bệnh này.

Có thể do họ không có kỹ năng, không có khả năng kinh tế hoặc họ đã chăm sóc quá lâu và giờ không thể chịu đựng thêm được nữa. Tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở bệnh viện này được gia đình chăm sóc là rất thấp, phần lớn không được đoái hoài đến, trong đó có nhiều gia đình ở ngay Hà Nội.

Nghĩa tử là nghĩa tận, nhưng bác sỹ Chung cho biết: Có khi bệnh nhân ốm rất nặng rồi, tiên đoán không thể qua khỏi nên bệnh viện gọi điện thông báo cho gia đình biết, nhưng họ nói đã “tin cậy hoàn toàn”, “trăm sự nhờ bệnh viện” nên đến khi thân nhân chết rồi họ mới đến nhận xác và lo hậu sự.

Nhưng đau đớn hơn là có không ít người đã chết, bệnh viện đã tự lo hậu sự cho người quá cố, sau đó thông báo bằng mọi cách đến gia đình để gia đình đến nhận tro cốt, nhưng cuối cùng vẫn bặt vô âm tín.

“Đến nay, còn hơn 30 lọ tro cốt của những bệnh nhân HIV/AIDS không được người thân đến nhận. Chúng tôi đã làm đầy đủ các thủ tục an táng, đồng thời để các lọ tro cốt ở nghĩa trang Văn Điển, cứ 1 năm lại chuyển tro cốt lên nghĩa trang Yên Kỳ (Ba Vì – Hà Nội) một lần để giải phóng diện tích”, bác sỹ Chung nói.

Đại đa số các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS không thể giấu nổi sự hối hận, tiếc nuối vì đã trót lầm đường lạc lối. Nhưng ông Chung cho rằng, để họ vượt qua được giai đoạn khó khăn này, cần phải có gia đình, người thân bên cạnh.

Song thực tế là sự đoạn tuyệt của gia đình khiến họ trở nên tuyệt vọng, buông xuôi, chán nản, không còn thiết tha điều trị hay ăn uống, khiến cái chết đến càng nhanh hơn…

Bạn bè chăm sóc, mai táng cho nhau

Chứng kiến những lần ra đi của bạn bè, anh/chị/em trong bệnh viện 09 này, không ít bệnh nhân đang khỏe mạnh cũng phải suy sụp, sợ hãi… Bởi, đó cũng chính là viễn cảnh tương lai của họ …

Bệnh nhân Phạm Văn Th. thú thật: “Lần đầu thấy đứa bạn cùng phòng “đi” trong im lặng, chẳng có bố mẹ, anh em, em run và khóc thực sự. Bây giờ em còn khỏe mà mỗi tháng họa hoằn lắm bố mẹ em mới lên thăm hoặc gọi điện 1 lần, không biết sau này sẽ ra sao?”.

Cùng cảnh ngộ với Th. là Phương A. (sinh năm 1980 ở Đông Anh, Hà Nội). Phương A. nhiễm HIV đã 4 năm nay nhưng nhờ điều trị sớm và tích cực nên sức khỏe khá tốt. Ngoài nhiễm HIV, Phương A. còn mắc bệnh lao.

Cô luôn nói với Th., nửa đùa nửa thật: “Chị sẽ đi trước em, có thế nào trăm sự nhờ các em. Chị ở bên kia sẽ phù hộ cho những người ở đây”.

Bệnh viện 09 (Thanh Trì - Hà Nội) có lẽ là bệnh viện duy nhất ở Hà Nội không ... quá tải, nhưng bầu không khí ở đây luôn nặng nề, uể oải (Ảnh: N.A)

Mỗi khi có một người bạn đồng cảnh ngộ ra đi, tất cả bệnh nhân ở bệnh viện 09 không ai bảo ai đều im lặng, răm rắp làm những việc như tắm rửa cho người chết, mặc quần áo, chuẩn bị đồ đạc để làm lễ mai táng.

Sau khi hoàn tất các thủ tục này, sẽ có một chiếc xe tang lễ của bệnh viện đến đưa người bệnh đi hỏa táng… Những người ở lại chỉ biết nhìn theo bằng ánh mắt thẫn thờ, nhiều cô gái không cầm được nước mắt vì thương xót, sợ hãi …

Phương A. luôn an ủi Th.: “Dù gì bố mẹ em còn hay lên thăm, chứ như chị đây này, chẳng có ai để ý đến. Cứ vui vẻ lên, chuyện gì đã đến là sẽ đến, chẳng thể thay đổi được đâu”…

Dù chưa bao giờ được gia đình đoái hoài đến kể từ khi mắc bệnh và vào viện, nhưng Phương A. cho biết giờ cô không còn muốn nghĩ đến những điều tiêu cực như “trách móc, hờn giận” nữa.

“Không ai muốn chăm sóc cho một cái cây mà người ta biết là nó sẽ không bao giờ đâm chồi, nảy lộc và ra hoa kết trái”, Phương A. nói, như để tự an ủi mình.

Cô gái sinh năm 1980, từng lao vào đời quá sớm, không có sự giáo dục của cha mẹ, người thân gạt nước mắt nhưng vẫn cười: “Em không trách gia đình. Vì nếu không có bà ngoại, các dì thì em đã chết từ khi mới lọt lòng rồi. Mẹ em bỏ em ngay từ lúc đó… Vì thế, những gì họ cần phải cho em thì họ đã cho rồi, những gì em đáng được nhận thì cũng đã nhận rồi. Giờ em cố gắng sống bình thản để những ngày còn lại không quá nặng nề”…

N.Anh

Thời khắc kinh hoàng của người nhận “án tử”
“Hôm nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, em trùm chăn khóc từ chập tối đến sáng hôm sau. Đó là một ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2009. Trời thì mưa lâm thâm, lại rét, em buồn, em tuyệt vọng quá…”.
 
Cuộc sống khủng khiếp của người... chờ chết
Không có cuộc sống nào nặng nề bằng cuộc sống của một người sống để đợi chờ cái chết đang đến gần… Dù được an ủi, khích lệ nhưng những bệnh nhân HIV/AIDS khó có thể có một tâm trạng “bình thường” trong những ngày cuối đời.