Sau khi tán tỉnh và chiếm được lòng tin, trai Tây cùng đồng bọn đã yêu cầu các quý bà nộp tiền để nhận quà tặng.
Thông thường các đối tượng da đen thường mốc nối với đồng bọn ở Việt Nam thực hiện hành vi lừa đảo này.
Tiền mất mà tình không
Theo đó, các đối tượng lấy ảnh các chàng trai da trắng trẻ đẹp làm quen với phụ nữ Việt Nam. Sau một thời gian nói chuyện qua lại, các đối tượng này hứa hẹn sẽ tặng quà, mua nhà để cùng “se duyên kết tóc”.
Tuy nhiên muốn nhận quà, nhận nhà thì các phụ nữ phải chuyển một số tiền có khi lên đến hàng tỉ để làm thủ tục hải quan. Khi “con mồi” cắn câu, các đối tượng lừa đảo trốn biệt tâm.
Okoye Uchenna (SN 1977, quốc tịch Nigeria) đã từng lừa hàng loạt quý bà Sài Gòn với hình thức “tặng quà” |
Sau khi bị lừa, các nạn nhân nộp đơn tố cáo. Thông thường việc truy tìm gặp nhiều khó khăn, nếu các đối tượng bị bắt cũng chưa chắc gì đã lấy lại tiền.
Bên cạnh đó, theo VKSND TP.HCM, ngoài các đối tượng lừa đảo ở nước ngoài, đôi khi nhân viên ngân hàng là những người móc nối để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Có trường hợp nhân viên ngân hàng lợi dụng việc tiếp nhận thông tin đã ăn cắp thông tin của khách chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Nhiều đối tượng sau khi có thông tin của các công ty đã đột nhập vào hộp thư điện tử sau đó tạo email giống hệt với email các công ty này để giao dịch với đối tác rồi thông báo vào tài khoản chỉ định để chiếm đoạt. Nhiều công ty bị chiếm đoạt hàng ngàn USD do bị hacker hòm thư điện tử.
Phá án khó khăn
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM nhấn mạnh: “Việc điều tra phá án gặp không ít khó khăn do thiếu sự phối hợp giữa một số cơ quan liên quan. Sau đó, việc xác định bị hại, giải quyết tang vật vụ án cũng gặp không ít trở ngại.
Trong quá trình điều tra và truy tố có ít bị hại đến trình báo nhưng khi ra tòa thì nạn nhân ồ ạt tố cáo vì vậy tòa án phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Một băng nhóm lừa đảo công nghệ cao bị Công an TP.HCM bắt |
Song song đó, đối với các bị can bị cáo là người nước ngoài thì việc ủy thác tư pháp, tương trợ tư pháp quá gian nan. Do đó trong thời gian tới, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phối hợp chặt chẽ với nhau, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng người dân để họ hiểu cách thức hoạt động của tội phạm mà phòng ngừa”.
Theo ông Dương Ngọc Hải, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM, mặc dù số vụ tội phạm công nghệ cao rất ít so với mặt bằng chung của tội phạm trên địa bàn TP.HCM nhưng hậu quả gây ra rất nặng nề và thiệt hại vô cùng to lớn.
Theo thống kê của VKSND TP.HCM, trong vòng 3 năm từ năm 2013 đến 2015, TP.HCM đã khởi tố 127 vụ án liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao. So với mặt bằng chung của tội phạm là 11.000 vụ mỗi năm thì tội phạm công nghệ cao rất ít nhưng hậu quả vô cùng to lớn.
Bên cạnh đó công nghệ ngày càng phát triển nhưng nhân sự của các cơ quan tố tụng như công an, tòa án và viện kiểm sát còn hạn chế. Do vậy dự báo trong thời gian tới việc tội phạm công nghệ cao bùng phát là điều không thể tránh khỏi.
“Việc thành lập Phòng CSĐT Tội phạm Công nghệ cao là rất cần thiết vì tốc độ phát triển công nghệ thông tin rất nhanh, tội phạm có thể thâm nhập vào hệ thống ngân hàng, hệ thống các cơ quan nhà nước, các cơ quan an ninh, thủy điện nên phải rất cảnh giác. Việc đầu tư về nhân sự, cơ sở vật chất để đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này là điều nên làm. Ngoài ra còn phải có chiến lược thu hút nhân tài công nghệ phục vụ trong ngành công an”, Đại tá Nguyễn Minh Thông, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM lưu ý.
(Theo Công an TP.HCM)