Trung tâm hỗ trợ người nghèo, đứng đầu là ông Trần Đức Trung, dùng một phần tiền của người sau trả cho người trước mà không phải dùng số tiền gọi là “ủng hộ” vào giúp đỡ người nghèo một cách thực sự.

Đáng chú ý, người bày ra trò này lại sử dụng thẻ nhà báo không có giá trị để gây ảnh hưởng, đồng thời cũng “leo” lên “Phó Tổng biên tập Phụ trách” một ấn phẩm khác.

Bên lề kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, ngày 26/11, PV có cuộc phỏng vấn Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng về vấn đề này.

{keywords}

Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh, Hải Phòng. (Ảnh: Hồng Chuyên/Infonet)

Thưa ông, mới đây, báo chí đã phanh phui rất nhiều hoạt động lợi dụng danh nghĩa hỗ trợ người nghèo để thu hút tiền của ông Trần Đức Trung. Đáng nói hơn, ông Trần Đức Trung đã dùng thẻ nhà báo không có giá trị để gây ảnh hưởng. Điều này, sáng 26/11, thảo luận về Luật Báo chí sửa đổi, có đại biểu phát biểu tại nghị trường như một bài học chua xót. Xin ông cho biết đánh giá của mình về sự việc này?

Đầu tiên, tôi luôn đánh giá cao hoạt động báo chí và các nhà báo nói chung. Các nhà báo rất trọng danh dự, giữ gìn đạo đức làm báo. Trong khi đó, đây là số ít lợi dụng thẻ nhà báo để mưu cầu mục đích cá nhân. Điều này cũng ảnh hưởng đến uy tín của nhà báo. Đây là một sự đáng tiếc, nhưng nó chỉ là một phần rất nhỏ.

Theo tôi, trước hết, là việc làm, hành vi và đạo đức cá nhân.

Thứ 2, điều này cũng đặt ra vấn đề cần quản lý thẻ nhà báo như thế nào.

Thứ 3, cần phải tuyên truyền cho nhân dân và các tổ chức khắc phục tình trạng “quá tin tưởng” vào những tấm thẻ mà không để ý đến hoạt động của nhà báo vì việc công hay việc riêng. Điều này dễ khiến đối tượng lợi dụng.

Vậy theo ông, cơ quan chức năng nên vào cuộc như thế nào để “loại bỏ những con sâu làm rầu nồi canh” như ông nói?

Theo tôi, mọi người sống và làm việc theo pháp luật. Người làm báo nắm pháp luật rất tốt nhưng lại vi phạm. Bất kỳ là ai, nếu vi phạm đều phải xử theo pháp luật. Cần làm rõ vi phạm để tùy từng chế tài xử lý phù hợp. Theo tôi, trường hợp này phải làm rõ, nếu sai phải xử lý cương quyết để làm gương và răn đe.

Việc làm mạnh, làm cương quyết với những trường hợp lợi dụng danh nghĩa báo chí để vi phạm pháp luật sẽ làm trong sạch đội ngũ báo chí, đồng thời cũng không làm xấu hình ảnh người làm báo nói chung. Chúng ta sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, ai có tội phải xét xử, trừng phạt.

Về phía cơ quan quản lý, ông có kiến nghị gì để việc quản lý thẻ nhà báo tốt hơn?

Tôi đề nghị cơ quan quản lý cần phải tuyển chọn và có tiêu chuẩn chặt chẽ để chọn những người xứng đáng để cấp thẻ. Nếu dễ dãi sẽ lọt những người không tốt. Cần nghe ngóng, đánh giá nhà báo từ Hội Nhà báo trước khi cấp thẻ.

Khi nhà báo đã rời khỏi cơ quan, không hành nghề nữa cũng nên thu lại thẻ nhà báo. Nếu không thu lại thì phải đóng dấu vào để thẻ nhà báo không còn giá trị sử dụng. Ví dụ, hộ chiếu, chứng minh thư các cơ quan quản lý cắt góc. Như vậy, theo tôi, chúng ta cũng chỉ cần đóng dấu hoặc cắt góc thẻ nhà báo hết giá trị.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Hồng Chuyên / Infonet)