- Dù đã bị “vạch mặt” ở nhiều địa phương nhưng tại Nghệ An, hoạt động của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (đơn vị tổ chức chương trình Trái tim Việt Nam) vẫn diễn ra bình thường.
Sáng 28/11, PV VietNamNet đã tìm đến Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới chi nhánh ở Nghệ An, có trụ sở tại HTX Phong Toàn, P.Hà Huy Tập (TP.Vinh). Mọi hoạt động của Trung tâm ở thời điểm này vẫn diễn ra bình thường.
Dụ dỗ và gây dựng lòng tin
Trung tâm này hoạt động tại Nghệ An từ giữa 2015, có nhiều thành viên và hiện đã tỏa đến các huyện: Nam Đàn, Nghi Lộc, Thanh Chương, Hưng Nguyên, TP.Vinh.
Chiêu thức “dụ dỗ” người dân Nghệ An tham gia cũng y hệt như cách đã được Trung tâm này sử dụng ở một loạt địa phương khác như Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, …
Riêng tại Nghệ An, do thông tin chưa có nhiều nên người dân vẫn đang tin tưởng vào những lời “đường mật” mà Trung tâm này đưa ra.
Hội viên của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (chi nhánh Nghệ An) vẫn làm việc bình thường trong sáng 28/11. |
Ông Hoàng Khắc Lai (phường Hồng Sơn, TP.Vinh) cho biết ngày 20/7/2015 ông được một người tên Nguyễn Văn Chới giới thiệu tham gia chương trình ''Trái tim Việt Nam''. Bước đầu, ông Lai đóng số tiền 1,2 triệu đồng để được nhận lại 5,250 triệu đồng (trong 19 tháng sau đó).
Ngày 15/8 ông Lai nhận được 50 ngàn đồng đợt 1. Đợt 2 ông nhận được 200 ngàn đồng và đợt 3 (15/10) là 500 ngàn đồng. Cứ thế, Trung tâm hứa mỗi tháng đều đặn, ông Lai sẽ nhận được 300 ngàn đồng. Trong quá trình này, mỗi hội viên nếu giới thiệu thêm được một người tham gia sẽ nhận được 500 ngàn đồng.
''Lúc đầu tôi chưa tin lắm, ngay cả vợ tôi cũng bảo không tham gia. Nhưng càng tìm hiểu tôi càng tin. Đến hết tháng thứ 19 sẽ nhận được 5,7 triệu đồng” - ông Lai tự tin nói.
Ông Hồ Sỹ Thanh (xã Nam Cát, huyện Nam Đàn) cho biết hầu hết người tham gia chương trình ''Trái tim Việt Nam'' ở Nghệ An là những người lớn tuổi, không có việc làm ổn định vì tin là có thể ''thoát nghèo''. Bản thân ông Thanh đã giới thiệu thêm 3 người khác tham gia.
To tiếng mới đòi được tiền
Thực tế không phải ai tham gia chương trình cũng nhận được tiền như đã hứa. Chị Cao Thị H., xóm 10, xã Nghi Kim (TP Vinh) cho biết bản thân chị đã mấy lần to tiếng với Trung tâm. Nhân viên hứa khi chị tham gia sẽ được nhận một hộp thuốc trị giá 350 ngàn đồng hoặc thuốc bơm cho rau quả trị giá 400 ngàn đồng nhưng chị chưa nhận được.
Trụ sở Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (chi nhánh Nghệ An). Ảnh chụp ngày 28/11.
|
Chị này kể tiếp, theo quy định, sau khi đóng 1,2 triệu thì giai đoạn 1 được hỗ trợ 50.000; giai đoạn 2 được 200.000 và giai đoạn 5 thì nhận 3 triệu đồng. Tháng đầu không đi nhận tiền nhưng tháng thứ 2 chị này cũng chỉ được nhận 50 ngàn đồng. Khi hỏi thì chị H. được nhân viên giải thích là lỗi ''do mạng''.
Ngày 19/11, chị H. đến nhận tiền không được nên đã to tiếng với nhân viên. Bị làm căng, một đại diện ở trung tâm đã bỏ tiền cá nhân trả cho 7 người đến nhận tiền hơn 3 triệu đồng.
Sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm hứa những người nghèo sẽ được hỗ trợ tiền xây nhà khoảng 50 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, từ khi trung tâm này xuất hiện ở Nghệ An, chưa có bất kỳ một gia đình nào được hỗ trợ xây dựng số tiền trên để xây nhà.
Cảnh giác bị lừa
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Đinh Thanh Trang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, vào ngày 22/8/2015 có 4 người đến làm việc với lãnh đạo UBND huyện và ông được mời tham dự, trong đó có một người tự xưng là ''nhà báo''.
Nhiều đơn thư phản ánh Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an Nghệ An cho biết, đơn vị này đã nhận nhiều đơn thư của người đân phản ánh về Trung tâm trên. Điều tra ban đầu cho thấy Trung tâm vi phạm trong lĩnh vực hành chính. Hiện tại, công an vẫn tiếp tục điều tra xem Trung tâm có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay không. |
''Họ đưa ra nhiều công văn hỏa tốc cho thấy các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình đã chỉ đạo chương trình xuống cấp cơ sở. Trong buổi làm việc, những người đại diện đã đề nghị xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa ở xã Nghi Lâm về chương trình xây dựng nông thôn mới'' - ông Trang kể.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, người trực tiếp làm việc với những người trong chương trình “Trái tim Việt Nam” cho biết, nghe qua thì chương trình có vẻ mang tính nhân đạo.
''Thời điểm đó không nghĩ là họ sẽ vận động quyên góp tiền đa cấp, nhưng nhận thấy chương trình có điểm không phù hợp nên đã chỉ đạo các phòng chức năng không được phối hợp tuyên truyền vận động'' - ông Hải nói.
Ông Trần Văn Hường (Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An) cho biết thêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Việt Hồng đã chỉ đạo tuyên truyền quán triệt đến các cấp tránh để bị lừa và không được thực hiện khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An.
Nhiều dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạn tài sản” Trao đổi với VietNamNet, LS Nguyễn Trọng Hải - Trưởng VP luật sư Trọng Hải & Cộng sự (Đoàn luật sư Nghệ An) cho biết: Hoạt động ở trung tâm có những điều không bình thường. Việc lấy danh nghĩa hỗ trợ người nghèo nhưng hoat động tín dụng dưới hình thức đa cấp là trái pháp luật. Nghiêm trọng hơn, chương trình còn lợi dụng uy tín của một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước để phù phép, tạo lòng tin cho những người tham gia là không thể chấp nhận. Gần đây nhất, ngày 23/11/2015, Hội nông dân tỉnh Nghệ An đã có văn bản cảnh báo người dân cảnh giác không tham gia chương trình. Có thể khẳng định hoạt động của chương trình này có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự. |
Quốc Huy - Văn Nguyễn