- Khi anh Minh vừa nhận xong 500 triệu đồng và giao lại chai nước có ruồi cho nhân viên Tân Hiệp Phát, cơ quan CSĐT ập vào bắt quả tang. Tại tòa, đại diện Tân Hiệp Phát nói “không biết” vì sao cơ quan điều tra lại có mặt kịp thời vào lúc đưa tiền.
Những câu hỏi bỏ ngỏ
13h30p, phiên tòa xét xử vụ “chai nước Number 1 có ruồi” tiếp tục phần thẩm vấn. Trả lời câu hỏi của vị Hội thẩm về việc lúc gặp nhân viên công ty Tân Hiệp Phát, anh Minh đề nghị Tân Hiệp Phát mua lại chai nước hay như thế nào? Bị cáo Minh khai: “Bị cáo đã bảo họ mua lại chai nước đó”.
“Tại cuộc gặp cuối cùng ở quán cà phê, khi bị cáo nhận tiền từ anh Long bỏ vào cốp xe rồi bị công an bắt thì chai nước ai giữ?” Bị cáo Minh khai lúc này nhân viên Tân Hiệp Phát đã nhận lại chai nước. “Vậy khi lập biên bản thu chai nước cơ quan điều tra có niêm phong không?” – “Không. Về đến cơ quan điều tra rồi bị cáo mới ký niêm phong” – bị cáo Minh trả lời.
Bị cáo Võ Văn Minh tại phiên tòa |
Vị Hội thẩm đặt nghi vấn: “Chai nước đã thu giữ suốt thời gian dài rồi, làm sao bị cáo biết là có đúng chai nước của bị cáo không mà lại ký niêm phong? Đó là chính bị cáo hại bị cáo. Niêm phong tang vật theo quy định là niêm phong tại chỗ. Bị cáo nhớ lại đi có chắc chắn vậy không?” – “Dạ chắc”, anh Minh trả lời.
Sau phần hỏi anh Minh, vị Hội thẩm quay sang hỏi bà Trần Ngọc Bích – Giám đốc Tân Hiệp Phát. Hội thẩm hỏi người đại diện Tân Hiệp Phát rằng: Ngày 21/1 bà viết đơn tố cáo ông Minh, ngày 23 đơn tố cáo đó được gửi đến cơ quan điều tra. Vậy ngày xảy ra việc đưa 500 triệu đồng, Tân Hiệp Phát có báo cơ quan điều tra không? Bà Bích trả lời: “Theo tôi biết thì không”. –“Vậy sao cơ quan điều tra có mặt kịp thời được?” – “Cái đó tôi không biết”, bà Bích nói.
Đại diện Tân Hiệp Phát nói “không biết” vì sao cơ quan điều tra lại có mặt kịp thời vào lúc đưa tiền. |
Trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Tấn Thi về việc chủ trương của công ty Tân Hiệp Phát là không bao giờ giải quyết khiếu nại của khách hàng bằng tiền. Vậy tại sao bà Bích lại duyệt chi 500 triệu đồng để làm gì? Bà Bích lý giải “do chúng tôi không còn cách nào khác, ông Minh liên tục điện thoại thúc ép quá nhiều”.
Về thiệt hại của công ty, luật sư Nguyễn Tấn Thi đặt câu hỏi với bà Trần Ngọc Bích về số tiền thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng mà người đại diện công ty này đưa ra. Thiệt hại trên từ đâu mà có, đâu là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại này?
“Thiệt hại trực tiếp là chúng tôi đã đưa 500 triệu đồng còn gián tiếp là ảnh hưởng đến thương hiệu của chúng tôi, làm giảm doanh số” – bà Bích nói. “Nhưng anh Minh chưa hề phát tán tờ rơi hay có hành động nào, sao gây thiệt hại?” – luật sư Thi hỏi nhưng nữ giám đốc Tân Hiệp Phát không trả lời.
Để luật sư của Tân Hiệp Phát tham dự buổi hỏi cung!
15h, phiên tòa kết thúc phần xét hỏi. Đại diện VKSND tỉnh Tiền Giang phát biểu quan điểm về vụ án.
Theo VKS, trong biên bản bắt quả tang, bị cáo Minh khai rằng “sau khi phát hiện chai nước có ruồi, tôi nghĩ là lỗi của nhà sản xuất nên điện thoại đến công ty để uy hiếp đòi tiền”.
Bị cáo Minh cũng đã có biên bản tự khai về cách thức gây áp lực buộc Tân Hiệp Phát chi tiền. “Tôi sẽ in ra 5.000 tờ rơi có hình ảnh về chai nước có ruồi của công ty để khách hàng biết sự việc...” kèm theo là chữ ký của Võ Văn Minh. Cơ quan điều tra đã giám định chữ viết và chữ ký đúng là của bị cáo.
Lời khai của bị cáo tại tòa phù hợp với vật chứng vụ án, lời khai của các nhân chứng, biên bản bắt người phạm tội quả tang...Do đó, cáo trạng truy tố bị cáo về tội cưỡng đoạt tài sản là đúng người, đúng tội.
Chỉ vì lòng tham khi phát hiện lỗi sản phẩm nên bị cáo đã uy hiếp, đe dọa phát tán thông tin gây ảnh hưởng đến hình ảnh công ty để đòi tiền. Hành vi của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản của công ty, mất trật tự trị an địa phương nên cần xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, xét thấy bị cáo có một số tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, tài sản đã được thu hồi trả cho bị hại, hoàn cảnh bị cáo đặc biệt khó khăn nên cần xem xét giảm nhẹ. Từ đó, VKS đề nghị tuyên phạt Võ Văn Minh từ 12 đến 13 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”.
Bào chữa cho thân chủ, luật sư của anh Minh cho rằng trong vụ án, giữa anh Minh và Tân Hiệp Phát đã thương lượng, nhận tiền và giao lại chai nước, đây là giao dịch dân sự.
Ngoài ra, việc cơ quan điều tra cho phép luật sư của Tân Hiệp Phát tham dự buổi hỏi cung giữa cơ quan điều tra và bị cáo là vi phạm nghiêm trọng quy định tố tụng, không khách quan.
Sau quan điểm trên, các luật sư tiếp tục đưa ra hàng loạt lập luận khác và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội.
Sáng mai (18/12) phiên tòa sẽ tiếp tục.
Mai Phượng