- Một trong những điểm mới gây nhiều chú ý nhất trong dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý giá thuốc dùng cho người do Liên Bộ Y tế, Tài chính và Công Thương soạn thảo là sẽ có quy định về thặng số bán buôn tối đa toàn chặng đối với tất cả các loại thuốc do ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Nhưng cách làm này có làm giá thuốc giảm?

 

Khống chế tối đa chênh lệch giá mua – bán


Tháng 10/2010, thông tư liên tịch sửa đổi hướng dẫn quản lý giá thuốc dùng cho người đã ra đời, với mục đích phải kiểm soát và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng “mua 1 bán 5” đối với một số mặt hàng thuốc đấu thầu trong các bệnh viện và thuốc do BHYT chi trả.

Điểm gây chú ý và được đánh giá là điểm mấu chốt trong thông tư quản lý giá thuốc là quy định về thặng số bán buôn tối đa toàn chặng. Theo đó, điểm đầu của toàn chặng lưu thông đối với thuốc nhập khẩu được tính từ giá nhập khẩu thực tế về đến Việt Nam (giá CIF), điểm cuối là giá trúng thầu tại bệnh viện. Đối với thuốc sản xuất trong nước, điểm đầu được tính từ giá thành sản xuất, điểm cuối là giá trúng thầu tại bệnh viện.

Theo đó, Ban soạn thảo đã thống nhất chia thuốc ra thành 10 nhóm (theo các khoảng giá trị của giá CIF hoặc giá thành), tương ứng với từng nhóm là tỷ lệ % thặng số tối đa được phép cụ thể như bảng dưới đây:

STT Khoảng trị giá (tính trên một đơn vị đóng gói nhỏ nhất: viên/gói/chai) Tỷ lệ thặng dư tối đa cho phép
1 0-1.000 VND 90%
2 > 1.000 đến 5.000 VND 80%
3 > 5.000 đến 20.000 VND 70%
4 > 20.000 đến 50.000 VND 60%
5 > 50.000 đến 100.000 VND 50%
6 > 100.000 đến 250.000 VND 40%
7 > 250.000 đến 500.000 VND 35%
8 > 500.000 đến 1.000.000 VND 30%
9 > 1.000.000 đến 2.000.000 VND 25%
10 > 2.000.000 VND 20%

Đối với các loại thuốc có tuổi thọ dưới 1 năm; thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm, thuốc gây nghiện và hướng tâm thần; thuốc phải bảo quản trong điều kiện nhiệt độ đặc biệt dưới 15oC và các loại huyết thanh, dịch truyền có dung tích từ 100ml trở lên mức thặng số được tính bằng 1,1 lần so với thặng số được tính theo công thức tính thặng số trên.

Lý giải về cách tính để đưa ra tỷ lệ % này, đại diện Ban soạn thảo cho biết căn cứ tính lấy đầu vào là dữ liệu về mức thặng số giá kê khai của các doanh nghiệp Dược đã được Tổ công tác liên ngành (Y tế, tài chính, công thương) xem xét tính hợp lý trong vòng 3 năm theo mức giá trị.

Giá thuốc sẽ không còn chuyện “mua 1 bán 5”? - Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược kiêm Trưởng phòng quản lý giá thuốc, thì quy định về thặng số bán buôn tối đa toàn chặng được kỳ vọng “sẽ đảm bảo ngăn chặn hiện tượng mua bán lòng vòng, nâng giá cao đối với các thuốc đấu thầu cung ứng cho các bệnh viện. Nếu áp dụng quy định này, chỉ các thuốc có giá bán nằm trong mức thặng số bán buôn toàn chặng theo quy định mới được các bệnh viện xem xét lựa chọn thông qua quá trình đấu thầu”.

Doanh nghiệp Dược sẽ nâng đầu vào để tăng giá thuốc?

Một trong những hệ lụy đầu tiên mà ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đặt ra là các doanh nghiệp dược phẩm có thể sẽ tìm cách để nâng giá đầu vào nếu như quy định về thặng số bán buôn tối đa toàn chặng được thông qua.

Lý do các công ty phải làm như trên là khá rõ ràng: Trong khi bị khống chế giá bán thì những chi phí khác (như “chạy thầu”, “hoa hồng” cho bác sỹ, …) không thay đổi, vì thế tất yếu phải nâng giá nguyên liệu/giá nhập khẩu.

“Nếu là thuốc nhập khẩu, có thể nâng giá nhập khẩu khi về đến Việt Nam. Còn với thuốc sản xuất trong nước, để tránh gây áp lực lên nhà phân phối, với tình trạng hơn 90% nguyên liệu cũng là nhập khẩu, thì doanh nghiệp cũng có thể nâng giá nguyên liệu dẫn tới giá thành sản xuất cao”, ông Ánh nói.

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho rằng, việc nâng giá đầu vào là không dễ thực hiện với lý do: “Khi nâng giá đầu vào, doanh nghiệp phải tiến hành kê khai lại giá bán và giá này sẽ được xem xét trước khi phê duyệt, chứ không phải cứ nâng giá rồi kê khai bao nhiêu là được duyệt bấy nhiêu".

Tuy nhiên, ông Ánh lại khẳng định việc nâng giá là dễ thực hiện. Trên thực tế, nghiên cứu về các hành vi phản cạnh tranh trên thị trường dược phẩm cho thấy đang tồn tại một thực trạng có một số mối liên kết dọc vững chắc giữa các tập đoàn dược phẩm nước ngoài với các văn phòng đại diện hoặc ủy thác nhập khẩu tại Việt Nam để cấu kết đẩy giá thuốc lên cao nhưng cơ quan quản lý không dễ dàng can thiệp.

Còn PGS.TS Ngô Trí Long, Viện Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) thì căn vặn: “Cơ quan quản lý có đủ năng lực, nhân lực, thời gian để biết và thẩm định giá tất cả các loại thuốc bao nhiêu là hợp lý? Đó là chưa kể đến chuyện hệ thống thông tin về giá thuốc để trợ giúp việc quản lý hiện nay rất nghèo nàn. Còn đối với giá CIF, đó hầu hết không phải giá thực chất”.

Ông Ánh nhấn mạnh rằng, điểm mắc nhất là công cụ để ngăn chặn và xử lý việc nâng giá này thì chúng ta hầu như không có: "Luật pháp cho phép anh bán mỗi nơi mỗi giá. Không thể thắc mắc tại sao anh bán cho Campuchia giá 1 đồng mà lại bán ở Việt Nam giá 2 đồng. Thị trường cho phép họ bán hàng ở những nơi khác nhau theo các chính sách giá khác nhau”.

Thuốc nội sẽ teo tóp thêm?

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho rằng, thặng số bán buôn tối đa chỉ là điều kiện tiên quyết để được tham dự thầu, ngoài ra còn có quy định đánh giá, xét thầu theo khu vực (trong đó có thuốc sản xuất tại Việt Nam). Theo đánh giá của ông Cường, điều này sẽ góp phần tăng tỷ trọng thuốc sản xuất trong nước trúng thầu vào bệnh viện. Nhưng thực tế các doanh nghiệp lại đang rất băn khoăn ...

"Luật pháp cho phép anh bán mỗi nơi mỗi giá. Không thể thắc mắc tại sao anh bán cho Campuchia giá 1 đồng mà lại bán ở Việt Nam giá 2 đồng. Thị trường cho phép họ bán hàng ở những nơi khác nhau theo các chính sách giá khác nhau”. - Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Hiện nay, hơn 90% nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam đều phải nhập khẩu. Theo lãnh đạo các doanh nghiệp được hỏi thì nguyên liệu chiếm khoảng 90% giá thành sản xuất. Và vì thế đối với các doanh nghiệp sản xuất thuôc trong nước, đứng trước sức ép của các nhà phân phối, có thể họ sẽ phải nâng giá nguyên liệu để không rơi vào tình trạng lỗ (như đã nói ở trên).

Các loại thuốc có tỷ lệ giá nguyên liệu cao trong tổng giá thành sản xuất thường là nhóm kháng sinh, thuốc đặc trị. Nhưng cũng có những loại thuốc giá nguyên liệu chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng giá thành sản xuất. Lúc này nâng giá nguyên liệu cũng không cải thiện được nhiều giá thành sản xuất, doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm các chi phí khác (nhân công, kho bãi, ….) để không gây áp lực lên nhà phân phối.

“Trong điều kiện hiện nay, khi giá sinh hoạt tăng nhanh, việc cắt giảm lương của người lao động là điều rất khó thực hiện. Chưa hết, nếu cần cắt giảm chi phí thì cần đặt trong bối cảnh Bộ Y tế luôn yêu cầu, đòi hỏi các nhà máy đầu tư để đạt GMP. Như vậy là các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó khăn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ “khó thở”. Mà Bộ Y tế thì đang khuyến khích sử dụng thuốc nội, thậm chí còn phát động chiến dịch “Người Việt dùng thuốc Việt”. Điều này có mâu thuẫn không?”, lãnh đạo một doanh nghiệp dược phẩm tại TP. HCM thắc mắc.  

  • Cẩm Quyên

(còn nữa)