- “Quyền lợi giữa bị can Minh và Tân Hiệp Phát là đối lập nhau, không thể lý giải rằng “luật không cấm”. Việc cho luật sư của Tân Hiệp Phát dự cung sẽ dẫn đến tiết lộ bí mật điều tra và không khách quan”.

Sau khi đăng tải bài viết “Vụ Number 1 có ruồi: Vi phạm tố tụng nghiêm trọng”, VietNamNet nhận được ý kiến rất đáng chú ý của TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch - Đoàn luật sư TP.HCM.

Để rộng đường dư luận, VietNamNet xin đăng tải bài viết của LS Trạch:

Luật sư của Tân Hiệp Phát có những quyền gì?

Tại tòa, bào chữa cho anh Võ Văn Minh, luật sư của bị cáo đã đặt ra câu hỏi tại sao luật sư của công ty Tân Hiệp Phát được dự cung? Có quan điểm cho rằng có sự thiên vị khi để luật sư của Tân Hiệp Phát dự cung trong khi không có mặt luật sư của bị cáo.

Vậy việc làm trên của cơ quan điều tra đúng hay sai?

Trước hết, chúng ta cần căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) để giải thích vấn đề này.

{keywords}

Bà Trần Ngọc Bích - Giám đốc Tân Hiệp Phát (trái) và luật sư của Tân Hiệp Phát (phải) tại phiên tòa ngày 18/12. Ảnh: Mai Phượng

Căn cứ theo điều 59 BLTTHS, công ty Tân Hiệp Phát tham gia với tư cách là một nguyên đơn dân sự và việc họ có quyền mời luật sư để bảo vệ quyền lợi cho mình là chính đáng.

Tuy nhiên, luật sư của Tân Hiệp Phát có những quyền gì trong quá trình tố tụng?

Tại điểm b khoản 3 Điều 59 BLTTHS quy định về quyền của Người bảo vệ quyền lợi (NBVQL) của đương sự là: Được đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của đương sự sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật.

Vậy, trong trường hợp này nếu luật sư Tân Hiệp Phát được sao chụp ‘Biên bản hỏi cung bị can sau khi kết thúc điều tra’ cũng không sai.

Quyền lợi đối lập, không thể nói “luật không cấm”

Thế nhưng việc cơ quan điều tra cho luật sư của Tân Hiệp Phát dự cung trong các buổi lấy cung bị can Minh có đúng không?

Điều này chắc chắn là không, thậm chí có thể nói là vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự.

{keywords}
Bị cáo Võ Văn Minh tại phiên tòa. Ảnh: Hoài Thanh

Bởi lẽ, vị luật sư này tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền lợi của đương sự - đương sự ở đây là công ty Tân Hiệp Phát – nguyên đơn dân sự trong vụ án. Luật sư này chỉ được tham gia tố tụng trong những trường hợp BLTTHS quy định, đó là: tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa, có quyền có mặt khi cơ quan điều tra lấy lời khai của người mà mình bảo vệ trong trường hợp đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Tôi cho rằng ở đây chưa thể nói về “tính thiên vị” của cơ quan điều tra nhưng cần phải làm rõ mục đích của việc cơ quan điều tra cho luật sư của Tân Hiệp Phát tham dự buổi lấy cung bị can Minh là gì?

Do vậy, VKS không thể cho rằng pháp luật không cấm điều tra viên cho luật sư khác dự cung được. Bởi việc làm này sẽ dẫn đến tiết lộ bí mật điều tra và không khách quan. Quyền lợi giữa bị can Minh và Tân Hiệp Phát là đối lập nhau, không thể lý giải rằng “Luật không cấm”.

Hoạt động lấy lời khai của bị can (hay lấy cung) là một hoạt động tố tụng nằm trong giai đoạn điều tra, theo quy định phải đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối.

Luật sư của công ty Tân Hiệp Phát không phải là người bào chữa cho bị can Minh nên nhất định không được phép tham dự các buổi lấy cung. Đây là một sự tùy tiện của cơ quan điều tra trong vụ án này.

Anh Minh 'không phải người tiêu dùng': Ngạc nhiên với Viện kiểm sát!

Viện kiểm sát cho rằng ông Minh không phải là "người tiêu dùng". Nhận thức cho rằng ông Minh không phải là “người tiêu dùng” của VKS là chưa chính xác.

{keywords}

Đại diện VKSND tỉnh Tiền Giang tranh luận tại tòa. Luật sư Trạch cho biết ông "khá ngạc nhiên trước quan điểm của VKS tại phiên tòa". Ảnh: Mai Phượng

Tại tòa, VKS cho rằng người tiêu dùng là người sử dụng sản phẩm, ông Minh chỉ là khách hàng mua sản phẩm của Tân Hiệp Phát rồi bán lại cho người sử dụng. Vậy ông Minh không phải là người tiêu dùng, mối quan hệ giữa ông Minh và Tân Hiệp Phát không bị điều chỉnh bởi Luật bảo vệ người tiêu dùng.

Tôi khá ngạc nhiên trước quan điểm trên của VKS!

Ông Minh tuy là người bán bún riêu và kèm giải khát, nhưng trong trường hợp ông Minh dự định khui chai nước Number 1 để uống thì ông Minh đã trở thành một “người tiêu dùng”.

Không có quy định nào cấm người bán không được uống sản phẩm do mình mua cả! Bên cạnh đó, nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị can, bị cáo cần phải được áp dụng xuyên suốt trong quá trình tố tụng của một vụ án hình sự cụ thể.

Tôi thiết nghĩ, vụ án còn nhiều điều cần phải xem xét.

TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch

(Đoàn luật sư TP.HCM)