- Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân cũng như phục vụ công tác điều tra của cơ quan Công an, UBND huyện Nông Cống đã yêu cầu tất cả các lò vôi trên địa bàn dừng hoạt động, phong tỏa lò vôi nơi xảy ra vụ việc khiến 9 người thương vong chiều 1/1 vừa qua.

Chiều nay, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 lò vôi thủ công, trong đó có 40 lò hoạt động thường xuyên, còn lại 160 lò theo thời vụ. Các lò này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường.

{keywords}

Lò vôi nơi xảy ra sự việc đau lòng

Theo lộ trình, đến năm 2020 tỉnh Thanh Hóa sẽ cơ bản xóa hết các lò vôi thủ công, đồng thời hỗ trợ cho người dân chuyển đổi nghề, tìm công ăn việc làm mới.

UBND tỉnh cũng giao cho Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương quy hoạch xây dựng các lò vôi hiện đại nhằm đảm bảo an toàn lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả sản xuất.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, hiện các lò vôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất vôi để cải tạo đất, bón ruộng, chứ ít được sử dụng vào xây dựng.

“Sau lần này, chúng tôi sẽ giao cho UBND huyện và UBND xã cương quyết phối hợp với các ngành kiểm tra, nếu như lò vôi nào không đảm bảo an toàn thì cương quyết không cho sản xuất, thậm chí dùng cả biện pháp cưỡng chế không cho sản xuất.

Qua đó huyện nào còn để xảy ra tai nạn lao động thì Chủ tịch UBND huyện đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng trong sáng nay, ông Lê Xuân Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết, huyện đã chỉ đạo các lò vôi trên địa bàn phải ngừng hoạt động, chờ đến khi ngành chức năng kiểm tra đủ điều kiện đảm bảo an toàn mới cho hoạt động trở lại. Riêng lò vôi của gia đình ông Lê Văn Thong (nơi xảy ra 8 người chết - PV) đang được phong tỏa để cơ quan điều tra làm việc.

Lê Dương