HTML clipboard
- Ông T đang ấp ủ kế hoạch tuyển một loạt mẫu chân dài đứng cạnh các cổ vật của mình để chụp một bộ ảnh “để đời”. Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị nhiều bạn bè cho là “nhố nhăng” vì sợ những đồ quý giá ấy bị... hỏng hoặc vỡ. Tâm linh hơn, có người còn cho rằng, cho... gái chạm vào là “đen”, là hỏng đồ.

Tập tành “bập” vào cổ vật

Đại gia T., nhà ở khu đô thị ven hồ đẹp nhất Hà Nội vốn nổi tiếng với các thú ăn chơi kiểu “địa chủ”: nhà gỗ 3 gian cổ xưa bê từ tận quê lên dựng giữa Hà Nội, lợn rừng đem từ Sơn La mang về cho chạy tung tăng trong vườn nhà. Có vợ cả, vợ hai, nhưng đến lúc buồn thì cưới thêm cô vợ ba gặp trong lần đi chơi cùng đám bạn già…

Thế nhưng, có một điều đại gia T. vẫn hằng mong mỏi là làm sao để... nổi hẳn lên so với đám khác, khỏi bị đánh đồng là “trọc phú”, “có tiền mà không có não”.

Suy nghĩ mãi, đại gia T. nhận ra một thú chơi không phải ai cũng có thể theo được, ấy là thú chơi cổ vật. Ông nổi lên trong giới chơi cổ vật với phong cách: mua những món đồ nổi tiếng nhất, đắt nhất mà nhiều người ham mê cổ vật khác không dám mua. Để tiện cho việc chơi, đại gia nhờ Lam – một người trong giới buôn bán, giới thiệu cổ vật, giỏi nghề để tư vấn và mua đồ, trả lương cao, mua được đồ “xịn” có tiền thưởng riêng.

Để mua được cổ vật thật không phải là điều dễ dàng

Vậy là hàng ngày, ngoài việc điều hành kinh doanh, cho người thân cận kiểm tra tài chính của hệ thống khách sạn mình làm chủ, đại gia T. chỉ đi ngao du khắp nơi xem cổ vật, chơi cổ vật.

Lâu dần, ông thành ra đam mê cái thú này. Khách sạn nào do ông làm chủ cũng bày đủ các loại cổ vật. Hoành tráng hơn, ông còn mở riêng một nhà hàng để trưng bày các loại đồ mà ông cất công sưu tầm được.

Đại gia T. tâm sự, sở dĩ phải thuê thêm người trung gian đi xem đồ, tìm đồ giúp là rút kinh nghiệm của một số người đi trước, vì giấu dốt, tham rẻ nên nhiều phen phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Nhờ thế mà sưu tập chỉ mới 2 năm nhưng ông đã mua được nhiều đồ quý có ”danh” từ những gia đình chơi cổ vật lâu năm, tưởng không bao giờ bán.

Đại gia T còn “trội” hẳn lên trong giới cổ vật vì sở hữu những đồ đắt tiền vượt giá thị trường mà dân chơi cổ vật lâu năm còn phải e dè.

Thời gian sắp tới, ông T đang ấp ủ kế hoạch tuyển một loạt mẫu chân dài đứng cạnh các cổ vật của mình để chụp một bộ ảnh “để đời”. Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị nhiều bạn bè cho là “nhố nhăng” vì sợ những đồ quý giá ấy bị... hỏng hoặc vỡ. Tâm linh hơn, có người còn cho rằng, cho... gái chạm vào là “đen”, là hỏng đồ.

Không thuê giúp việc vì lo cho cổ vật

Người viết đã có lần đến nhà một đại gia cổ vật ở khu vực Cầu Giấy. Người này nổi tiếng trong giới về nghề chơi cổ vật Bát Tràng. Khoảng 20 năm trước, khi loại cổ vật này chưa được chuộng, giới chơi đồ vẫn còn quan tâm đến đồ đồng, gốm men cổ, đá cổ, gốm kí kiểu của Trung Quốc thì vị đại gia này đã cặm cụi đi thu gom những cổ vật của làng gốm Bát Tràng.

Khi ấy, cổ vật Bát Tràng được bán với giá rất rẻ. Đại gia này cho biết, có khi, may mắn, ông còn xin được chứ không cần mua.

Những bình gốm cổ trông bề ngoài thì vẫn nguyên vẹn nhưng một số đã được phục chế lại các vết rạn nứt. Vì thế, nếu không biết giữ đúng cách sẽ rất dễ bị vỡ
 

Thế nhưng, bây giờ làng chơi cổ vật đang phát ghen với vị đại gia này về lượng đồ cổ lên đến hàng nghìn. Kèm với khối lượng giá trị tài sản quá khổng lồ, đại gia cũng phải nâng cấp hệ thống an ninh, xây cổng nhà kín đáo như lô cốt để đề phòng kẻ xấu.

Ở trong nhà vị đại gia này, từ chiếc quạt chạy hàng ngày cũng là cổ vật. Vì thế, mặc dù gia đình rất khá giả nhưng tuyệt nhiên ông không cho vợ con thuê người giúp việc vì sợ những người lạ vào nhà sẽ lỡ tay làm rơi vỡ món đồ nào đó, rẻ nhất cũng tiền vài chục triệu ra đi.

Một đại gia cổ vật khác có dinh thự tại Hồ Tây chơi đồ cổ vật Trung Hoa cũng phải huy động vợ nghỉ làm ở nhà để chăm lo cho cổ vật cùng người cháu đã được huấn luyện kĩ, hàng ngày chỉ ngồi lau dọn đống đồ sao cho không bị thời tiết làm hư hỏng.

Một vị họa sĩ có tiếng trong giới lại chọn cách bảo vệ đồ cổ của mình bằng cách xây một dinh thự thật to ở gần sông Hồng, nuôi chục chú chó bẹc giê trông coi và chỉ có vị này mới có chìa khóa để vào dinh thự.

Hàng ngày, vị họa sĩ đi lại, kiểm tra hệ thống camera an ninh và dặn dò người làm trông nhà cho kĩ. Còn đồ cổ thì tất nhiên, chỉ có một mình ông được sờ vào…

  • Thu Lý

(còn nữa)