- Bịt kín mũi, nín thở, thậm chí phải “úp mặt vào tường” để “trút bầu tâm sự” là lựa chọn của không ít người khi phải đối mặt với nhà vệ sinh công cộng quá mất vệ sinh ở Hà Nội.
Vừa thiếu, vừa bẩn
Trước đây, cuối tuần nào chị Thu Trang (Định Công, Hoàng Mai) cũng cho hai con đi chơi ở bờ Hồ. Nhưng nay chị cho các con vào rạp chiếu phim.
Lý do nghe có vẻ đơn giản: “Tôi sợ lúc con đang chơi mà cần “giải quyết” lại phải đưa cháu về nhà. Lần trước cháu vào một nhà vệ sinh khu vực bờ Hồ nhưng trả tiền xong vừa bước vào cửa, một mùi nồng nặc xộc vào mũi làm tôi rùng mình. Con tôi lắc đầu nguầy nguậy không chịu vào, phải sang đường xin ‘đi’ nhờ. Không rõ nếu là khách du lịch thì họ sẽ làm như thế nào?”.
Một nhà vệ sinh công cộng trên phố Khâm Thiên |
Phố cổ Hà Nội là khu vực thu hút đông đảo du khách nhưng kì lạ là hầu như vắng bóng nhà vệ sinh công cộng. Dọc các tuyến phố Hàng Bạc, Hàng Bông, Hàng Gai... tuyệt nhiên không thấy một nhà vệ sinh công cộng nào.
Tại khu vực từ Yên Phụ đến Trần Nhật Duật có 4 nhà vệ sinh công cộng nhưng hầu hết đều “cố thủ” tại những nơi có mật độ xe cộ dày đặc hoặc nằm ngay trên các đoạn đê, khiến người muốn sử dụng cũng ngại! Nhiều người đi đường đang 'bí bách' thấy nhà vệ sinh công cộng thì ‘mừng húm’ nhưng đến nơi lại chưng hửng vì dù được thiết kế 3 buồng nhưng 2 buồng bị khóa cửa, 1 buồng mở thì hỏng!
Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết toàn bộ các điểm có mật độ dân cư - du khách lớn trên địa bàn Hà Nội đều có tình trạng nhà vệ sinh công cộng ‘vừa thiếu - vừa bẩn’. Nhiều hộ dân sống cạnh các công trình này cũng bị ám ảnh những ngày mưa, rác thải và nước bẩn từ khu vệ sinh này chảy tràn ra đường, còn ngày nắng mùi hôi thối lại bốc lên nồng nặc.
Người đi đường phải 'trút bầu tâm sự' vào "Con đường gốm sứ" trên đê Nguyễn Khoái |
Tại các điểm vui chơi thu hút nhiều trẻ em thì nhà vệ sinh công cộng cũng là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Nhà vệ sinh ở công viên Cầu Giấy, Thống Nhất, Thủ Lệ xuống cấp trầm trọng. Người dân đi vệ sinh nhưng không có giấy, ‘giải quyết’ xong phải múc nước để dội rửa. Nhiều nơi thậm chí còn không trang bị giấy vệ sinh, bể nước cạn kiệt, đen ngòm khiến khách ‘trút bầu tâm sự’ xong không biết phải làm thế nào để ‘xả’ đi cho sạch!
Bị lấn chiếm không thương tiếcCó lợi thế là nơi đông người, nhiều khu vực nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội như nhà ga, bến xe, công viên đã bị “tận dụng” triệt để, biến thành địa điểm buôn bán. Điều lạ là những mặt hàng được bày bán hầu hết là thực phẩm, đồ uống, giải khát, từ ăn sẵn đến chế biến tại chỗ nhưng quán nào cũng rất đông người.
Tại khu vực trước bến xe Mỹ Đình có rất nhiều quán nước trà “bủa vây” vào nhà vệ sinh công cộng, nhưng lúc nào khách cũng hồn nhiên uống nước, hút thuốc và ăn bánh kẹo.
Không chỉ được tận dụng làm quán hàng, nhiều nhà vệ sinh còn được cơi nới để phục vụ kinh doanh, điển hình như nhà vệ sinh ở trước Trường ĐH Công đoàn được cơi nới để mở dịch vụ photocopy, nhà vệ sinh gần chân cầu Long Biên nằm ở vị trí thuận lợi nhưng từ lâu đã biến thành nơi để xe.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn TP có 340 nhà vệ sinh công cộng, trong đó 263 điểm cố định (phân bố chủ yếu ở các ngõ xóm, phục vụ nhân dân trong các khu tập thể) và 104 lắp ghép bằng thép (phân bố chủ yếu tại khu công cộng, vui chơi, giải trí, điểm chờ xe buýt trên địa bàn 10 quận và thị xã Sơn Tây). Tuy nhiên, nhà vệ sinh bố trí chưa đều và thiếu nên chưa đáp ứng nhu cầu của khách vãng lai và du khách.
Nhà vệ sinh: Nỗi ám ảnh Anh Jan Sie. - một du khách đến từ Ba Lan chia sẻ ấn tượng đầu tiên của anh khi đến Hà Nội là việc tìm nhà vệ sinh... hơi khó! “Hình như là rất thiếu, từ điểm vui chơi công cộng tới khu du lịch. Tôi phải căng mắt để tìm. Mà chất lượng thì hơi tệ” - anh lịch sự nói và cho biết ‘trải nghiệm đặc biệt’ này trở thành ‘kinh nghiệm bỏ túi’ để anh trao đổi với bạn bè trước khi đi du lịch. Tuy nhiên, sau đó anh phát hiện có nhà vệ sinh công cộng trên phố Hàng Giầy, rất sạch sẽ và rộng rãi. Tỏ ra hài lòng nhưng anh hơi băn khoăn về khoản phí 3.000 đồng/lần bởi ở nhiều nước khác không thu phí nhà vệ sinh công cộng. Theo ghi nhận, nhiều điểm đông người như nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội cũng … không có nhà vệ sinh! Khi được hỏi, chủ quán ‘cười xòa mong khách thông cảm vì diện tích chật quá’. Có quán ăn khá rộng nhưng nhà vệ sinh chỉ đủ cho… 2 bàn chân, cúi xuống cũng khó khăn chứ đừng nói đến chuyện ‘xả hơi vui vẻ’! Hoài An |
Nguyễn Chắt