- Còn một ngày nữa là bước vào kì thi đại học 2011 cũng là lúc các sỹ tử dồn dập đổ về Hà Nội. Không khí tại các bến xe, nhà ga và trên nhiều tuyến phố chính của Hà Nội đang nóng dần lên.

Tất tả  “ứng thí”

Cận ngày thi ĐH, cảnh thí sinh và người nhà tất tả đổ về thành phố tại các bến xe, nhà ga và trên nhiều con đường lớn ở Hà Nội càng nhiều hơn. Hàng trăm gương mặt, hàng trăm tâm trạng. Có không ít sỹ tử đi thi còn mang theo cả một hòm sách vở cho yên tâm. Nhưng cũng không ít em chỉ có vỏn vẹn vài cuốn sách gối đầu giường để tham khảo, còn lại lỉnh kỉnh ba lô gạo, đồ ăn chuẩn bị cho những ngày sắp tới.

  Cả nhà đưa con đi thi
Tay xách nách mang vừa ba lô đồ đạc, sách vở cho con, bác Nguyễn Văn Hoàng - quê Đại Từ - Thái Nguyên cho biết, vì bận việc nhà nên phải hôm nay bác mới đưa con lên Hà Nội được.

“Đáng lẽ tôi phải đưa cháu xuống từ hôm qua, để lo ăn ở cho chu đáo. Hôm nay mới xuống, tôi đang lo không tìm được nhà trọ thuận tiện thì lại vất vả”, bác chia sẻ.

Ở một góc bến xe Mỹ Đình, một sỹ tử được cả bố và mẹ “hộ tống” đi thi, mang theo lỉnh kỉnh đủ thứ từ sách vở, áo quần, chăn màn, thậm chí cả… ấm đun nước.

  Lỉnh kỉnh đồ đạc lên Hà Nội “ứng thí”
Trong khi nhiều sỹ tử được bố mẹ đưa đón chu đáo thì có không ít sỹ tử phải một mình đi “ứng thí”. Em Nguyễn Thị Vân – quê Hải Dương dự thi vào ĐH Giao thông vận tải một mình bắt xe từ quê lên Hà Nội, rồi hỏi thăm ra KTX ĐH Quốc Gia thuê trọ. Em chia sẻ: “Bố mẹ em đều đã lớn tuổi, các anh chị đi làm xa tận Sài Gòn, không thể về đưa em đi thi.

Nhà cũng không có người quen thân nên em tự túc. Trước kí thi một tháng, em cũng đã tự mình lên Hà Nội một buổi để xem đường sá thế nào nên cũng đỡ sợ.”

Em Minh - quê Thanh Hóa, dự thi vào ĐH Thương Mại cũng phải một mình đi xe xuống bến xe Mỹ Đình, rồi hỏi đường, bắt xe bus tới nhà người quen ở gần trường Thủy Lợi. Lần đầu đi xe bus, cậu bé không giấu được nỗi bối rối, xen lẫn lo lắng.

“Em có chỗ ở nhờ nhà người quen là tốt rồi. Nhiều đứa bạn em đi thi, còn phải xuống Hà Nội từ mấy hôm trước, tốn đến cả triệu tiền thuê nhà, lại ăn ở trong mấy hôm thi.”, Minh bộc bạch.

Sinh viên tình nguyện tiếp lửa

Cùng chia sẻ những vất vả ấy, đội ngũ sinh viên tình nguyện hối hả hoạt động hết công suất để đồng hành cùng sỹ tử. Mới bảy giờ ba mươi sáng nhưng bến xe Mỹ Đình đã nườm nượp người. Bất chấp trời nắng , không khí ngột ngạt đông đúc, đội ngũ sinh viên tình nguyện vẫn túc trực 24/24, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ các sỹ tử.

Không chỉ ở các bến xe, màu áo xanh tình nguyện tiếp sức mùa thi đã có mặt trên mọi ngả đường, góc phố, trường học để giúp đỡ các sĩ tử mới lần đầu bỡ ngỡ ra Hà Nội.

Chỉ dẫn giao thông dưới trời nắng nóng
Nhiều nhóm sinh viên tình nguyện phân bố ở các địa điểm tại bến xe tỏa đi khắp nơi để kịp thời hỗ trợ thí sinh dự thi. Vừa hướng dẫn chỉ đường, phát bản đồ, hướng dẫn tìm nhà trọ miễn phí, nhà trọ giá rẻ và xe ôm miễn phí, các sinh viên tình nguyện còn kiêm luôn người “tư vấn mùa thi” cho các sĩ tử.

Sẵn sàng tư vấn 24/ 24 cho các thí sinh
Bạn Nguyễn Linh- SVTN đội TN Đồng Hương Ninh Bình cho biết, mặc dù là ngày cận thi, những lượng sỹ tử đổ về rất đông, không kém gì những ngày trước đó khiến các bạn phải căng mình “tiếp sức”.

“Có những sỹ tử và phụ huynh lớ ngớ vừa xuống xe đã bị móc túi, thậm chí còn bị xe ôm “dỏm” lừa, thương lắm. Bọn mình càng phải nỗ lực hơn để không có những trường hợp đáng tiếc như thế xảy ra”- Linh tâm sự.

Hướng dẫn đường đi cho thí sinh

  Hình ảnh đẹp của SVTN
Bên bàn hướng dẫn sỹ tử tìm nhà trọ và xe ôm miễn phí, nhiều bạn sinh viên nhiệt tình tư vấn, luôn tay quạt mát cho một sĩ tử đăng kí tìm nhà.

“Mình cũng từng được các anh chị sinh viên tình nguyện giúp đỡ rất nhiều vào năm mình đi thi nên càng thấm thía cảm giác được chia sẻ, cảm thông. Một hành động trợ giúp nhỏ lúc này cũng có ý nghĩa rất lớn. Chính vì thế, dù có mệt mấy thì chúng mình càng phải cố gắng và cố gắng hết sức!”- SV Nguyễn Hoàng Linh, trường ĐH Ngoại Ngữ khẳng định.

Với tinh thần ấy,  màu áo xanh sinh viên tình nguyện đã trở thành một hình ảnh rất đẹp trong lòng Hà Nội những ngày nặng không khí thi cử này.

Minh Tâm - Vũ Viết Tuân