Hà Nội cần lập hội đồng nghiên cứu để có thể có cụ rùa khác sống ở Hồ Gươm thay thế cụ rùa vừa qua đời", PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ với Góc nhìn thẳng.

Không biết cụ rùa Hồ Gươm bao nhiêu tuổi
Mời xem thêm các đối thoại khác tại Góc nhìn thẳng

Có rất nhiều câu chuyện đẹp, nhiều truyền thuyết lịch sử gắn với hình tượng "cụ" rùa Hồ Gươm. Người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, trong ký ức đều lưu giữ hình bóng vừa thiêng liêng nhưng cũng đầy gần gũi này.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet đã trò chuyện với PGS.TS Hà Đình Đức, người đã dành nhiều tâm huyết, thời gian nghiên cứu và góp phần bảo tồn cụ Rùa – linh vật của Thủ đô Hà Nội, của Việt Nam.

Mời bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa PGS, ông có thể chia sẻ về cảm xúc cũng như tâm trạng của người dân nói chung, cá nhân ông nói riêng khi Hồ Gươm không còn hình bóng cụ rùa?

PGS.TS Hà Đình Đức: Rùa Hồ Gươm liên quan đến truyền thống trả gươm cụ Lê Lợi thế kỷ thứ 15. Mỗi lần cụ Rùa xuất hiện là người ta lại nhớ ngay đến cuộc chiến tranh giữ nước của Lê Lợi.

Về truyền thuyết Hồ Gươm, rồi cụ Rùa xuất hiện và tồn tại đến 600 năm, đây là một bài học lịch sử cực kỳ quý giá và sinh động của lịch sử Việt Nam. Một bài học tồn tại gần 600 năm, từ đời này truyền qua đời khác, rất nhẹ nhàng, đi vào trong lịch sử của dân tộc mình.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa PGS, sau khi cụ rùa vừa ra đi, ông đề nghị trưng bày tiêu bản cụ rùa này tại Trung tâm văn hóa Hồ Gươm trong khi nhiều ý kiến cho rằng, chúng đã có có 1 tiêu bản cụ rùa ở đền Ngọc Sơn gần đó. Xin ông ý giải vì sao?

PGS.TS Hà Đình Đức: Thông tin cụ rùa ra đi vừa rồi, tôi nhận được từ Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử Hồ Gươm nên cho là thông tin đáng tin cậy. Ngay sau đó, tôi ra ngay hiện trường, gặp ngay Chủ tịch Tp Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Tại đây, chúng tôi đã trao đổi với anh Chung và những người có trách nhiệm của Hà Nội rồi đi đến quyết định đưa cụ tạm lên trên đền Ngọc Sơn.

Sau đó, thành phố Hà Nội đã quyết định họp khẩn cấp lúc 8h30 tối dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Nguyễn Thị Thanh Hằng dự cùng các vị Phó Chủ tịch và giám đốc các sở ban ngành cùng dự.

{keywords}
PGS.TS Hà Đình Đức

 

Sau khi Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thông báo qua tình hình và mời tôi phát biểu, tôi đã đề nghị làm thế nào, thành phố ra một thông báo ngắn gọn về chuyện ra đi của cụ rùa, sau đó, thành phố sẽ làm tiêu bản giữ lại giống như tiêu bản cụ rùa trong đền Ngọc Sơn.

Sau đó, thành phố mời Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên đến trao đổi và đưa cụ rùa về bảo quản tại bảo tàng nơi có nhà lạnh.

Cuối buổi họp, tôi có chốt một câu, đây là tài sản của Hà Nội. Cho nên, Hà Nội chỉ gửi và nhờ Bảo tàng lịch sử tự nhiên làm tiêu bản này chứ không phải là tài sản của Bảo tàng lịch sử tự nhiên.

Cũng là tài sản của Nhà nước, nhưng đưa cụ rùa về đó trưng bày thì sẽ làm giảm đi giá trị vì đã có bộ xương rùa ở Bảo tàng Hà Nội rồi nhưng rất ít người quan tâm như cụ rùa ở đền Ngọc Sơn.

Vì vậy, ngay khi làm xong tiêu bản, cần đưa cụ rùa về khu vực Hồ Gươm, này trong đền Ngọc Sơn đã có một tiêu bản cụ rùa thì đưa vào Trung tâm văn hoá Hồ Gươm là hợp lý nhất. Ở đó, sẽ luôn có các thông báo, thông tin liên quan đến văn hoá Hồ Gươm, vì mục tiêu của trung tâm đó là hoạt động như vậy.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa PGS, có rất nhiều ý kiến cũng như giải pháp đưa ra để có một cụ rùa khác trong tương lai tại Hồ Gươm, cá nhân ông có ủng hộ cách làm thế nào và vì sao?

PGS.TS Hà Đình Đức: Hiện tại, cụ rùa này ra đi thì ở Hồ Gươm không còn cụ rùa nào khác. Tôi theo dõi từ năm 1991 đến giờ, phải nói rằng, có hàng nghìn bức ảnh, hàng trăm phút, băng, clip, video thì chỉ có cụ này là duy nhất. Hiện nay, không có cụ rùa nào nhưng tương lai, tôi nghĩ là phải có một cụ rùa khác ở Hồ Gươm thay thế cụ đã ra đi để Hồ Gươm luôn luôn gắn với hình ảnh cụ rùa, cụ rùa gắn với Hồ Gươm. Đó là cách để duy trì được truyền thuyết Hồ Gươm để truyền lại cho các đời sau. Đó là trách nhiệm Tp Hà Nội nên làm và phải làm.

Còn làm như thế nào, chắc chắn, Hà Nội cần phải có hội đồng để nêu ra hướng giải quyết.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn PGS về những chia sẻ bổ ích!

Vài nét về Rùa Hồ Gươm

Rùa Hồ Gươm gắn liền với truyền thuyết Lê Lợi (1418-1427) được Long Quân cho mượn gươm thần đánh thắng giặc Minh. Một năm sau đại thắng, rùa vàng theo lệnh của Long Quân đã nổi lên ở hồ Tả Vọng (tên cũ của Hồ Gươm) đòi Lê Lợi hoàn gươm.

Trong tâm khảm người dân, rùa thần 600 năm qua, vẫn đang âm thầm canh giữ Gươm Thần dưới lòng hồ xanh thẳm. Vì thế, mỗi lần Rùa Hồ Gươm nổi, mọi người dân thủ đô đều náo nức đến xem. Ai cũng tôn kính gọi là "cụ Rùa", như một chứng nhận lịch sử sống động cho truyền thống đấu tranh giữ nước và dựng nước của dân tộc.

Từ 2005-2016: cụ rùa có hơn 136 lần nổi lên mặt nước. Riêng năm 2010, nổi 136 lần.

Năm 2011: cụ rùa được lai dắt lên bờ điều trị vết thương do bệnh trong 100 ngày.

Ngày 19/1/2016: cụ rùa Hồ Gươm chết do quá già yếu, ước tính tuổi thọ hơn 100 năm trở lên.

Xét ở khía cạnh khoa học, rùa Hồ Gươm là loài rùa quý hiếm và cả thế giới chỉ còn có 4 cá thể. Trong đó, 2 cá thể ở Việt Nam, 1 ở Đồng Mô và 1 ở Hồ Gươm. Tuổi thọ của rùa lâu nhất 300 năm tuổi và nhiều ý kiến cho rằng, cụ rùa Hồ Gươm vừa qua đời phải trên 100 tuổi trở lên.

VietNamNet