- Ở làng biển này, người ta không bắt đầu câu hát ru bằng “à ơi” mà bằng “hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông”. Và điều đặc biệt hơn đó là đàn ông hát ru không kém gì đàn bà con gái.
Có lịch sử hình thành gần 400 năm, làng biển Cảnh Dương thuộc xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch là một trong bát danh hương của tỉnh Quảng Bình.
Điệu hát ru có một không hai
Cũng như bao làng biển khác, văn hóa múa bông, chèo cạn, lễ hội cầu ngư thờ cá voi.. đã tạo nên một Cảnh Dương độc đáo về giá trị tinh thần, phong phú về văn hóa.
Không ai còn nhớ điệu hát ru làng biển có từ bao giờ, chỉ biết từ khi có làng, đã có hát ru.
Ông Phạm Ngọc Thức đang kể về việc đàn ông Cảnh Dương hát ru |
Từ lâu, hát ru đã đi vào tâm thức của người Việt Nam, đó là những bài hát nhẹ nhàng được lấy từ ca dao, đồng dao, trích từ các loại thơ… để giúp trẻ nhỏ dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Hát ru ở Cảnh Dương không chỉ là những câu chuyện mộc mạc, đời thường mà còn có cả những lời tỏ tình của đôi lứa yêu nhau. Và một nét đặc sắc không nơi nào có được đó là ngoài mẹ ru con, chị ru em thì ở đây còn có ông ru cháu, cha ru con, bạn bè ru nhau và tự ru mình trước biển trời rộng lớn.
Không chỉ hát ru con, những người đàn ông Cảnh Dương còn hát ru mỗi khi đi biển lâu ngày |
Không à ơi như hát ru miền Bắc, miền Trung nói chung, không ầu ơ… ví dầu như người miền Nam, hát ru ở Cảnh Dương bắt đầu bằng điệu “hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông”…
Lý giải về điều này, nghệ nhân Phạm Ngọc Thức (80 tuổi) cho hay: “Trước đây phần lớn chúng tôi sống trên những con thuyền nên tiếng hát ru cũng lắc lư như con sóng đánh vào mạn thuyền. Mặt khác hát như thế cũng để át được tiếng sóng thì đứa trẻ thơ mới có thể nghe rõ từng lời hát để đi vào giấc ngủ.
Nói rồi ông lấy dẫn chứng luôn bằng hai câu ru: “Đi ra thì khổ mình ta; ở nhà thì đói cả bà liền con; bôồng bôổng bôông bôông bôồng bôổng; ru em cho théc cho muồi; để mẹ đi chợ mua thuồi luồi em ăn; bôồng bôổng bôông bôông bôồng bôổng…”
Ngôi làng duy nhất có đàn ông hát ru
Chỉ có hát ru mới giúp những đứa trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ. Đây là làng biển, người đàn ông trong nhà thường đi biển dài ngày, lúc về phải ở nhà dỗ con thì người vợ mới đi bán cá được. Để dỗ con ngủ, người đàn ông cũng phải tập hát ru, cũng từ đó, tiếng hát của đàn ông ru con bắt đầu.
Theo cụ Thức, hát ru của Cảnh Dương xuất phát từ cuộc sống lao động nên hầu như các mối quan hệ trong cuộc sống đều được người Cảnh Dương “ghi lại” bằng những lời hát ru.
Xem clip đàn ông làng biển hát ru độc đáo:
Mặc dù ở giữa miền Trung nhưng người Cảnh Dương lại nói giống giọng Bắc nên những câu hát ru mang nét đặc biệt không nơi nào có được.
Hát ru ở đây tập trung nhiều vào tình cảm gia đình, mẫu tử, về những mối quan hệ trong cuộc sống, về tâm tình của những đôi trai gái yêu nhau và về cả kinh nghiệm đánh bắt cá, một nét đặc thù của làng biển.
Vừa cùng nhau kéo thuyền vào, anh Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Anh Tuấn ở thôn Trung Vũ vừa hát: “Một mình anh chống liền chèo; Lấy ai tát nước sang lèo cho anh; Lấy anh thấy đói đừng lo; Lấy anh tát nước miệng hò kéo neo; bôồng bôổng bôồng bôồng, hò hẻ hò he”.
Không chỉ là những câu hát tự ru mình, những người đàn ông ở đây còn hát ru nhớ người yêu khi đi đánh cá lâu ngày: “Đêm qua anh gối tay nàng; ngày nay ra biển, anh gối đàng dây neo; hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông…”
Nay, người Cảnh Dương còn hát thêm nhưng câu hát vui tươi, động viên nhắc nhớ nhau chăm chỉ làm ăn: “Ai về đất Cảnh hôm nay; ra khơi vào lộng sóng reo sớm chiều; thuyền anh chở nặng cá tôm: trên bờ em đón trái tim rộn ràng, bôồng bôổng bôồng bôồng, hò hẻ hò he…”
Hiện nay đội tàu cá của làng là một trong những đội tàu mạnh nhất tỉnh Quảng Bình đủ sức vươn khơi, vươn xa đến tận Hoàng Sa, Trường Sa.
Những lời ru đặc biệt không chỉ theo trẻ con đi vào giấc ngủ mà còn theo cả những người đàn ông làng biển ra khơi vững tay lái, tay chèo, đưa con tàu vươn xa bám biển, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Hải Sâm