Khi mà "cú sốc" Melamine trong sữa, 3-MCPD trong nước tương, chất tạo đục DEHP trong thạch rau câu chưa dứt, dư luận lại xôn xao chuyện mì ăn liền chứa phẩm màu vàng E102 gây hiếu động thái quá ở trẻ, thậm chí có thể làm yếu "năng lực đàn ông".

Theo thông tin trên một số diễn đàn mạng, E102 (hay phẩm màu vàng Tartrazine) đã bị cấm hoặc hạn chế sử dụng ở nhiều nước do nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, như gây hiếu động thái quá ở trẻ nhỏ, ảnh hưởng xấu đến "năng lực đàn ông" hay gây phản ứng hen, phát ban, phá hủy ADN... Chất phụ gia này được tìm thấy trong nhiều loại sản phẩm như bánh pudding, bánh hỗn hợp, thức uống có ga, mù tạt, sữa chua, kẹo cao su, kem và đặc biệt là mì ăn liền.

Tại Việt Nam, nơi mà mì ăn liền phổ biến như một món "sau cơm" với lượng tiêu thụ lên đến 5 tỷ gói mỗi năm, phần lớn các nhà sản xuất mì ăn liền đều sử dụng E102 như chất tạo màu cho vắt mì bắt mắt.


Thực hư về phẩm màu vàng E102 thế nào? Nếu quả thực E102 gây nhiều nguy hại cho sức khỏe thì nên "ứng phó" thế nào với thực phẩm có chất này?

Trước các thông tin về E102, đa số người tiêu dùng chọn giải pháp ngưng sử dụng để chờ khuyến cáo chính thức của nhà nghiên cứu, cơ quan chức năng.

Từ ngày 1/7/2011, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm và Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng bắt đầu có hiệu lực. Đây được hy vọng là công cụ hữu hiệu bảo vệ người tiêu dùng Việt khỏi cảnh "ngậm bồ hòn làm ngọt", nhất là khi gặp rủi ro về sức khỏe, tính mạng do sản phẩm họ mua dùng.

Nhưng liệu luật có đủ mạnh, cơ quan quản lý nhà nước có đủ "nhiệt tình" để giúp người tiêu dùng "đấu" với tình trạng họ đang phải từng giờ đối mặt với các thực phẩm thiếu an toàn hay sẽ vẫn chỉ là cuộc chiến "châu chấu đá xe"? Hội Bảo vệ người tiêu dùng và báo chí sẽ hỗ trợ ra sao để người Việt Nam tránh được "vết xe đổ" với thực phẩm độc: "Tẩy chay, thời gian sau... ăn tiếp"?

Để đáp ứng nhu cầu thông tin của dư luận, Báo VietNamNet tổ chức Giao lưu trực tuyến: Mối nguy hại của E102: dưới góc nhìn của Luật VSATTP và Luật Bảo vệ Quyền lợi NTD

Thời gian: 9h thứ Ba ngày 5/7/2011
Địa điểm: Tòa soạn báo VietNamNet, số 4 Láng Hạ, Hà Nội

Khách mời:
1. PGS.TS Lê Đức Mạnh - Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm - Bộ Công Thương
2. TS. Nguyễn Am Hiểu - Vụ phó Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế - Bộ Tư pháp.
3. ThS. Đỗ Hữu Tuấn - Trưởng Phòng Quản lý tiêu chuẩn và Kiểm nghiệm (Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y Tế)
4. Ông Lê Hoàng - P.Trưởng Phòng Đăng ký và chứng nhận sản phẩm (Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y Tế)
5. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - P. Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam.

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:



Các khách mời đến dự GLTT tại tòa soạn báo VietNamNet. Ảnh: C.Thanh

E102  trong thực phẩm: Mối nguy hay tin đồn?

Trương Yến Ngọc , Nữ - 24 Tuổi
Ngoài mì ăn liền E102 có trong thực phẩm nào?

PGS.TS Lê Đức Mạnh:
E102 là chất màu tổng hợp có màu vàng chanh và thường được sử dụng nhiều trong các loại thực phẩm khác nhau, ngoài mì ăn liền còn có thể sử dụng trong đồ uống, rượu, nước giải khát, snack được chế biến từ ngũ cốc, kẹo, mứt, quả khô, thức ăn tráng miệng có sữa hoặc nước rau ép thanh trùng, nước chấm và các sản phẩm tương tự...


Mai Huong , Nữ - 27 Tuổi
Phẩm màu E102 có trong mì có đủ để gây tác hại như gây hiếu động thái quá ở trẻ hay làm yếu năng lực đàn ông không ạ? Trên thị trường có quảng cáo mì có màu vàng nhạt không chứa chất gây hại và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng loại mì màu vàng nhạt như thế có chứa E102 không? Người dùng có thể yên tâm sử dụng loại mì đó được không?

PGS.TS Lê Đức Mạnh. Ảnh: C.Thanh

PGS.TS Lê Đức Mạnh: Muốn biết phẩm màu E102 có trong mì có đủ để gây tác hại như gây hiếu động thái quá ở trẻ hay làm yếu năng lực đàn ông không thì phải kiểm tra hàm lượng E102 trong mì và lượng mì. Không thể khẳng định được mì màu vàng nhạt có chứa E102 bằng phương pháp cảm quan. Muốn biết mì có chứa E102 hay không thì phải đưa đến các phòng thí nghiệm chuyên ngành để kiểm tra. Do đó để yên tâm thì phải lấy sản phẩm gửi đến các phòng thí nghiệm chuyên ngành hoặc trao đổi với nhà sản xuất để có đủ thông tin cần thiết.

Lê Vĩnh Đức , Nam - 23 Tuổi
Ăn nhiều mì gói có phải là tác nhân gây ra bệnh ung thư không? Mì gói phải là sản phẩm giàu dinh dưỡng không?

PGS.TS Lê Đức Mạnh:
Không thể nói mì gói là tác nhân gây ung thư được vì nếu mì gói được sản xuất đảm bảo chất lượng thì đó là sản phẩm dinh dưỡng rất tốt cho con người.

Thanh Hằng , Nữ - 36 Tuổi
Tôi là người thường xuyên mua thực phẩm về cho gia đình. Cả nhà tôi thường ăn mì gói khi bận rộn và các cháu cũng rất thích hương vị của mì gói. Tôi thấy hầu hết các loại mì gói ở đều dùng phẩm màu vàng E102. Vậy chuyên gia cho biết nên dùng mức độ như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe?

PGS.TS Lê Đức Mạnh: Thường xuyên ăn mì gói theo tôi là không nên với nhiều lý do chứ không phải chỉ do phẩm màu E102. Tôi không biết là gia đình anh chị sử dụng loại mì gói nào và như thế không thể biết được loại mì gói đó sử dụng E102 với hàm lượng là bao nhiêu. Tốt nhất bạn nên giảm bớt việc ăn mì gói, thay đổi bằng nhiều loại thực phẩm khác.

Phương Uyên , Nữ - 35 Tuổi
Con trai tôi năm nay 3,5 tuổi nhưng đã được mệnh danh là "thần mì". Bản thân gia đình cũng biết là ăn mì nhiều không tốt cho sức khoẻ, cũng tìm cách thay thế bằng mì hàn quốc được quảng cáo là "không translate"...Xin hỏi độ tuổi như con trai tôi, một tuần ăn 4 gói mì, liệu có ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng đến sức khoẻ của cháu ra sao?

PGS.TS Lê Đức Mạnh:
Đối với lứa tuổi của cháu, 1 tuần ăn bốn gói mì là hơi nhiều, bạn nên cho cháu thay đổi các món ăn khác nhau.

Nguyễn Tất Căn, Nam - 34 tuổi
Con tôi được 5 tuổi, cháu nghiện ăn mì. Ngày nào cũng ăn. Tôi có đọc thành phần thấy có chất E102. Vậy nếu tần xuất ăn mì như cháu trong vòng 3 năm, liệu cháu có bị ảnh hưởng gì không? Tôi muốn đi kiểm tra sức khỏe cho cháu thì phải kiểm tra ở đâu?

PGS.TS Lê Đức Mạnh:
Theo chúng tôi biết, với các nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, đặc biệt là các nhà khoa học của Đại học Southampton (Anh) thì ở lứa tuổi 3 tuổi và 8-9 tuổi nếu sử dụng các sản phẩm thực phẩm có chứa E102 liên tục trong một thời gian dài thì sẽ bị ảnh hưởng. Biểu hiện rõ nhất khi trẻ bị ảnh hưởng của E102 là tăng sự hiếu động, dễ cáu gắt, kém tập trung và bị ảnh hưởng đến sinh lý của nam giới.
PGS.TS Lê Đức Mạnh giao lưu trực tuyến với bạn đọc VietNamNet. Ảnh: C.Thanh

Trường hợp của cháu, theo tôi cần kiểm tra xem loại mì cháu ăn có sử dụng E102 không và hàm lượng là bao nhiêu. Nếu loại mì đó có sử dụng E102 và thời gian cháu ăn liên tục trong 3 năm thì rất có thể bị ảnh hưởng. Bạn có thể gửi loại mì đó đến Trung tâm Phân tích và Giám định thực phẩm quốc gia thuộc Viện Công nghiệp thực phẩm để phân tích. Ở đây, chúng tôi có thể phân tích trên các thiết bị hiện đại như HPLC, kết quả phân tích là chính xác.

Địa chỉ liên hệ: Trung tâm Phân tích và Giám định thực phẩm quốc gia - Viện Công nghiệp thực phẩm
ĐC: Số 301 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
ĐT: 043 8582752 hoặc chị Đỗ Thị Lan Hương - PGĐ trung tâm: 0912833283,
Anh Lê Văn Trọng PGĐ trung tâm: 0979781980.

Ngoài ra, bạn có thể đưa con đến các bệnh viện để kiểm tra bệnh lý.

Tống Mai Hương , Nữ - 41 Tuổi
Theo các vị, Việt Nam có nên học tập các nước châu Âu, ghi rõ khuyến cáo về tác hại của chất E102 trên bao bì các sản phẩm có sử dụng chất này hay không?

TS. Nguyễn Am Hiểu:
Tôi cho là rất nên học tập mà không chỉ với E102 mà tất cả những sản phẩm gì đang ở trong giai đoạn nghi ngờ không tốt cho sức khỏe của người sử dụng thì nên được cảnh báo.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng:
Theo Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, thì nhà sản xuất phải ghi trên nhãn những thông tin mang tính cảnh báo cho NTD. Vậy chất E102 cũng không ngoại lệ. Chúng ta không nhất thiết học châu Âu mà tự chúng ta phải ý thức chủ động trong việc đưa các cảnh báo này cho NTD.

Nguyễn Thị Tươi , Nữ - 24 Tuổi
Tôi là một bà mẹ có con nhỏ nên rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vì chúng tôi luôn muốn cho con ăn những thực phẩm an toàn nhất. Vậy có nên cấm chất E102 trong các sản phẩm dành cho trẻ em không? Tôi thấy trong rất nhiều bim bim cho trẻ nhỏ cũng có chất này.

TS. Nguyễn Am Hiểu:
Tôi nghĩ là tất cả những bậc cha mẹ đều ủng hộ việc cấm các chất có độc hại hoặc đang nghi ngờ có độc hại vì cái đấy vừa là đảm bảo sức khỏe, vừa giúp họ yên tâm hơn trong cuộc sống.

E102, bao nhiêu thì an toàn?

Ngô Thị Bích Liên, Nữ - 37 tuổi
Chất E102 thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vậy NTD làm thế nào để có thể nhận biết được chất E102 có trong thực phẩm?

PGS.TS Lê Đức Mạnh:
Về cảm quan thì không thể nhận biết được sản phẩm có sử dụng E102 hay không, còn trong các phòng thí nghiệm chuyên ngành, hoàn toàn có thể xác định được.

Bùi Anh Tuấn , Nam - 31 Tuổi
Phẩm mầu E102 là loại có thể dùng trong thực phẩm hay không? Tại sao phẩm mầu hóa học lại tan được trong nước? Hàm lượng bao nhiêu thì có hại với người sử dụng?

PGS.TS Lê Đức Mạnh: E102 là chất màu tổng hợp có tên khoa học là Tatrazine. Trong quy định Danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm của Cục quản lý chất lượng vệ sinh ATTP - Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 3742/2001/QĐBYT ngày 31/8/2001 của bộ trưởng Bộ Y tế thì Tatrazine được phép sử dụng trong rất nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên quy định này đã ban hành khá lâu (10 năm) do đó mà chưa cập nhật được các thông tin khoa học liên quan đến E102 trong những năm gần đây, các nghiên cứu về E102 gần đây đều khẳng định E102 ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em 3 tuổi và 8-9 tuổi và làm yếu năng lực của đàn ông.

Rất nhiều phẩm màu hoá học tan được trong nước, các chất có tan được trong nước hay không phụ thuộc vào bản chất hoá học của nó. Về hàm lượng bao nhiêu thì có hại đối với người sử dụng hiện nay vẫn chưa có thông tin chính xác. Chúng tôi biết sắp tới Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có quy định cụ thể về việc sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm, hàm lượng tối đa là bao nhiêu sẽ được ghi rõ trong từng loại.

Thanh Thùy, Nữ - 25 tuổi
Ông có thể cho biết, sử dụng chất nhuộm màu vàng E102 trong mì thì có tác dụng và lợi ích gì cho doanh nghiệp? Tôi thấy hầu hết các loại mì có trên thị trường Việt Nam hiện nay, đều có chất E102.

PGS.TS Lê Đức Mạnh:
Trong chế biến thực phẩm, người ta thường sử dụng 2 loại phẩm màu: màu tổng hợp và màu tự nhiên. Màu tự nhiên là màu được chiết tách chủ yếu từ thực vật như nghệ, quả dành dành, gấc, thanh long, lá gừng..., từ vi sinh vật như nấm mốc Monascus... Màu tự nhiên có ưu điểm là an toàn thực phẩm, không độc hại với người dùng nhưng nhược điểm là rất dễ bị đổi màu theo thời gian, đặc biệt là khi chịu ảnh hưởng của nhiệt độ và ánh sáng.

Màu tự nhiên có giá thành cao hơn rất nhiều so với màu tổng hợp, và chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu trong chế biến thực phẩm. Do đó, trong chế biến thực phẩm vẫn phải sử dụng màu tổng hợp. Nhiều doanh nghiệp sử dùng màu tổng hợp để giảm giá thành sản phẩm. Màu tổng hợp là các hợp chất hữu cơ, đa số là dẫn xuất của các hợp chất thơm, mà các hợp chất thơm thường là các tác nhân gây ung thư và nhiều các bệnh khác.

Chỉ sau khi nghiên cứu của các nhà khoa học tại đại học Southampton (Anh) được công bố rộng rãi và được xác nhận là có độ chính xác cao thì nhiều nước mới quy định chặt chẽ hơn về việc sử dụng E102. Ví dụ như châu Âu (năm 2008) đã cảnh báo về việc sử dụng E102 và khuyến cáo phải ghi trên bao bì sản phẩm là có sử dụng E102. Nhật Bản (năm 2003) cũng khuyến cáo không nên sử dụng E102 và cấm dùng trong chế biến mì ăn liền. Mỹ và một số nước khác cũng đã khuyến cáo về việc cần thiết phải ghi trên bao bì sản phẩm về việc có sử dụng E102 để người tiêu dùng có được thông tin cần thiết và tự lựa chọn.

Võ Văn Tâm , Nam - 30 Tuổi
Xin hỏi hiện tại ủy ban Codex vẫn có cho phép sử dụng E102? Mì Tiến Vua vẫn có sử dụng màu nhưng không phải màu E102, họ đang sử dụng màu papkira. Màu này có hại hay không?

PGS.TS Lê Đức Mạnh: Cho đến nay vẫn có rất nhiều nước sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm, chỉ có một số nước là khuyến cáo cần phải ghi rõ trên bao bì nhãn mác để người tiêu dùng có sự lựa chọn. Nhật Bản là nước cấm không được sử dụng E102 trong chế biến mì. Thông tin về màu papkira mà mì Tiến Vua sử dụng hiện nay chúng tôi vẫn chưa có thông tin đầy đủ, bạn có thể hỏi nhà sản xuất hoặc các cơ quan quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hoàng Mai Hải , Nam - 22 Tuổi
Người tiêu dùng cần biết chính xác tên mì, công ty sản xuất loại mì đang sử dụng E102 để tránh không sử dụng.Các cơ quan chức năng có thể trả lời?

Lê Hoàng:
Theo quy định của pháp luật về ghi nhãn sản phẩm hàng hóa, doanh nghiệp phải công bố trên nhãn thành phần cấu tạo của sản phẩm. Do vậy, để biết sản phẩm có sử dụng phẩm màu Tartrazine hay không, bạn có thể xem thông tin trên nhãn sản phẩm.

  Giao lưu trực tuyến "Ảnh hưởng của chất tạo màu trong thực phẩm". Ảnh: C.Thanh
Thu hong , Nữ - 33 Tuổi
Hiện nay có một số báo đã cung cấp thông tin về chất E102 cho bạn đọc, tuy nhiên các thông tin này chưa đủ. Vậy cơ quan chức năng nào có trách nhiệm trả lời về tính nguy hại của phẩm màu E102 và đưa ra lời khuyên với người tiêu dùng cũng như cảnh báo các doanh nghiệp về việc sử dụng E102 trong thực phẩm?

PGS. TS. Lê Đức Mạnh:
Cơ quan có chức năng trả lời bạn đọc về nguy cơ sử dụng trong thực phẩm là Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế.

Bùi Hồng Hà , Nam - 30 Tuổi
Theo tôi được biết, đã có rất nhiều hội thảo bàn về sự nguy hiểm của phẩm màu trong thực phẩm. Đã có rất nhiều kiến nghị, đề xuất về việc hạn chế sử dụng các phẩm màu hóa học… Nhưng rồi đâu lại hoàn đấy, người tiêu dùng vẫn đang sử dụng các thực phẩm không an toàn. Vậy theo các vị, chúng ta phải làm gì để vụ việc E102 này không đi vào lối mòn như VietNamNet nêu là “Tẩy chay, sau một thời gian lại ăn tiếp”?

PGS. TS. Lê Đức Mạnh:
Theo tôi thì đây là trách nhiệm thuộc về Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế. Cơ quan này cần phải ban hành những quy định chi tiết và khuyến cáo cho NTD.

Cục ATVSTP: E102 là phụ gia "được phép"

Mai Chi , Nữ - 22 Tuổi
Tại sao E102 đã bị nhiều nước trên thế giới cấm hoặc hạn chế sử dụng mà Bộ Y tế Việt Nam vẫn cho phép lưu hành, không hề có quy định về cảnh báo đối với NTD

Ông Đỗ Hữu Tuấn: Phẩm màu Tartrazine đã được Ủy ban chuyên gia hỗn hợp FAO/WHO về phụ gia thực phẩm đánh giá, nghiên cứu về độc tính từ những năm 1965-1966. Sau đó, chất này tiếp tục được Ủy ban Khoa học châu Âu về thực phẩm EU Scientific Committee for Food - SCF nghiên cứu, đánh giá vào 1975 và 1984. Cả 2 cơ quan này đều thống nhất đưa ra mức ăn vào hàng ngày chấp nhận được ADI (Acceptable Daily Intake): 0 - 7,5mg/kg thể trọng/ ngày.
Ông Đỗ Hữu Tuấn - Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm trả lời bạn đọc. Ảnh: C.Thanh

Trước các thông tin về kết quả nghiên cứu đơn lẻ liên quan đến Tartrazine. Năm 2009, cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (Euro Safe Food Authority -EFSA) đã giao cho Ban chuyên gia về phụ gia thực phẩm và các nguồn dinh dưỡng bổ sung vào thực phẩm (ANS) tiến hành đánh giá lại đối với phẩm màu Tartrazine. ANS đã có văn bản chính thức đưa ra ý kiến khoa học, văn bản này được đăng toàn văn trên EFSA Journal 2009; 7(11): 1331: "Các dữ liệu hiện thời chưa đủ lý do để sửa đổi mức ADI: 0- 7,5mg/kg thể trọng/ ngày."

Về quy định của các quốc gia trên thế giới về sử dụng Tartrazine trong thực phẩm: hiện nay, đa số các quốc gia vẫn cho phép sử dụng (các nước EU, Canada, Mỹ, Úc, Singapore, Malaysia, ....), tuy nhiên, tùy vào tình hình thực tế của mỗi quốc gia, phạm vi cho phép có khác nhau.

nguyen minh chau, Nữ -37 tuổi

Tartrazine có được Bộ Y Tế cho phép sử dụng không? Nếu có, hàm lượng cho phép sử dụng là bao nhiêu?

Ông Đỗ Hữu Tuấn:
Hiện nay theo quyết định 3742/2001/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành "quy định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm", phẩm màu Tartrazine có chỉ số phụ gia thực phẩm 102 (theo hệ thống đánh số phụ gia thực phẩm quốc tế); E102 (theo hệ thống đánh số phụ gia của EU) được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến một số loại thực phẩm nhất định. Cũng theo quyết định này, Bộ Y tế đã quy định giới hạn liều lượng tối đa được phép sử dụng trong các loại sản phẩm thực phẩm cụ thể. Chi tiết quyết định này bạn có thể truy cập tại trang web của Cụ VSAT Thực phẩm (vfa.gov.vn).

Minh, Nam - 52 tuổi
Mấy ngày nay tôi thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin rất nhiều về hóa chất trong mì ăn liền, và chất E102 trong mì ăn liền vậy tôi hỏi: Cục ATVSTP là cơ quan quản lý có biết điều này không? T
hông tin đó có đúng không?

Ông Lê Hoàng - Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: C.Thanh

Ông Lê Hoàng: Chất tạo màu E102 được phép sử dụng trong thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Doanh nghiệp được phép sử dụng các chất phụ gia nói chung và chất tạo màu E102 nói riêng theo quy định của Bộ Y tế. Do vậy, khi doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trong nước hay nhập khẩu trước khi lưu thông hàng hóa trên thị trường phải thực hiện công bố tiêu chuẩn sản phẩm với cơ quan có thẩm quyền. Căn cứ vào các quy định hiện hành, quy định của quốc tế trong trường hợp VN chưa có quy định, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đủ điều kiện để lưu thông.

nguyen phuong linh , Nữ - 26 Tuổi
Gia đình tôi thường xuyên sử dụng các sản phẩm như kẹo bánh và đồ uống có ga. Vậy cho tôi hỏi các cơ quan chức năng đã và đang làm gì để bảo vệ người tiêu dùng?

Ông Lê Hoàng:
Hiện nay theo quy định của pháp luật, tất cả các sản phẩm thực phẩm trước khi lưu thông trên thị trường đều phải thực hiện công bố tiêu chuẩn sản phẩm với cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền xem xét hồ sơ công bố sản phẩm dựa trên quy định của pháp luật về ATTP và kết quả xét nghiệm sản phẩm do các đơn vị kiểm nghiệm đủ năng lực được chỉ định để cho phép sản phẩm đó được lưu thông hay không. Hơn nữa doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải thực hiện chế độ kiểm tra định kì theo quy định của Bộ Y tế. Để đảm bảo sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường theo đúng với công bố của doanh nghiệp, Bộ Y tế đã có kế hoạch kiểm tra đột xuất, định kì việc thực hiện pháp luật về ATTP của các doanh nghiệp.

Hội Bảo vệ NTD: Hãy tẩy chay thực phẩm "bẩn"

Nguyễn Trà My , Nữ - 25 Tuổi
Vậy với vụ việc chất E102 nguy hại mà vẫn được sử dụng trong nhiều sản phẩm thực phẩm trên thị trường Việt Nam hiện nay, thì Hội bảo vệ người tiêu dùng với công cụ là Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có những động thái như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng:
Nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi NTD của tổ chức xã hội đã được Luật quy định rất cụ thể tại điều 28, chúng tôi sẽ sử dụng những nội dung nêu trên để đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NTD, cụ thể:
- Hướng dẫn giúp đỡ tư vấn cho NTD
- Đại diện cho NTD khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng
- Tổ chức khảo sát, thử nghiệm, công bố kết quả khảo sát thử nghiệm chất lượng hàng hóa, thông tin, cảnh báo cho NTD, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý
Tôi cho rằng, một công cụ rất hiệu quả của NTD là tẩy chay mặt hàng, doanh nghiệp không đứng trên quyền lợi của NTD. Vì trong quan hệ mua bán, giữa người mua và người bán thì NTD ở vào thế yếu. Nhưng lợi thế của NTD là số đông, khi chúng ta biết sử dụng lợi thế này thì NTD trở thành thế mạnh, thậm chí rất mạnh. Một DN có thể đứng trên bờ phá sản nếu coi thường tính mạng của NTD.

Nguyễn Mạnh Hà , Nam - 54 Tuổi
Kính gửi ông Hùng, thời gian vừa qua dư luận rất xôn xao về chuyện rất nhiều doanh nghiệp sản xuất biết là có hại nhưng vẫn cho các chất phụ gia vào sản phẩm, như vụ DEHP trong thạch rau câu và bây giờ là phẩm màu vàng E102 trong mì ăn liền. Vậy cụ thể Hội Bảo Vệ Người Tiêu Dùng sẽ làm gì để thực sự “bảo vệ người tiêu dùng”?


Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Hội bảo vệ người tiêu dùng. Ảnh: C.Thanh

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết xin cảm ơn bạn đã có câu hỏi. Với tư cách tổ chức Bảo vệ Quyền lợi NTD, tôi rất chia sẻ những băn khoăn, lo ngại, thậm chí bức xúc của NTD trong vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay. Chúng ta đều biết những việc như xôi gấc, bánh gato được nhuộm từ phẩm màu công nghiệp, rồi kem có chứa keo PVA - là chất bả matiz trong xây dựng để làm đặc, rồi formaldehyde - loại hóa chất dùng để ướp sinh phẩm nhưng lại được sử dụng để chế biến bánh phở, đến sữa nhiễm melamine…

Thông qua người khiếu nại, Hội đã phát hiện và đưa thông tin lên báo chí. Cơ quan Nhà nước đã vào cuộc thu giữ hàng ngàn tấn sữa có nhiễm melamine. Qua khảo sát của Hội, đã phát hiện nước tương chứa độc chất 3-MCPD vượt quá 3.000 lần mức cho phép; có công văn gửi Bộ Y tế, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM kiểm tra xử. Gần đây vụ thạch rau câu Hương vị khoai môn nhãn hiệu Taro chứa chất DEHP (phụ gia tạo đục), cơ quan nhà nước đã chỉ đạo thu hồi sản phẩm.

Hiện nay, vấn đề đang xôn xao dư luận là phụ gia phẩm màu vàng E102 sử dụng trong mì ăn liền. Ở đây cũng phải nói thêm, theo 1 tài liệu của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, tháng 4/2011, ở VN năm 2010 đã tiêu thụ khoảng 5 tỷ gói mì ăn liền, đứng vị trí thứ 4 trên thế giới trong tiêu thụ mì ăn liền, thấy rằng nhu cầu và thực tế tiêu thụ mì ăn liền ở VN rất lớn.

Trong khi đó, từ trước tháng 3/2011, được biết hầu hết DN sản xuất mì ăn liền đều sử dụng phẩm màu tổng hợp E102 để tiết kiệm chi phí sản xuất từ 50-100 VND/gói mì so với việc sử dụng màu chiết xuất từ tự nhiên. Nếu nhân với 5 tỷ gói mì ăn liền thì các nhà sản xuất kinh doanh đã thu được 1 khoản lợi nhuận rất lớn.

Trước vấn đề an toàn sức khỏe, tính mạng NTD, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD VN đã và đang có những hành động cụ thể. Trong vụ việc chất phẩm màu E102 chúng tôi cũng đang theo dõi rất chặt chẽ việc xử lý của các cơ quan chức năng. Chúng tôi sẽ có công văn chính thức kiến nghị Bộ Y tế đưa chất E102 ra khỏi danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm theo Quyết định 3742/QD BYT ngày 31/8/2001 của Bộ Y tế.

"Công cụ" mới: Luật VSATTP và Luật Bảo vệ Quyền lợi NTD

Hoàng Giang , Nữ - 29 Tuổi
Xin ông cho biết, điểm khác biệt giữa Luật bảo vệ NTD với Pháp lệnh bảo vệ NTD ra năm 1999 có điểm gì khác biệt?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng:
Theo tôi có mấy khác biệt sau:

Về quyền của NTD, Pháp lệnh do UB Thường vụ QH ban hành năm 1999 có đưa ra các quyền, nhưng các quyền này chưa đủ và chưa tương thích với 8 quyền, được Tổ chức Quốc tế NTD đã đưa ra năm 1985 mà LHQ đã thông qua bản hướng dẫn, sau đó năm 1999 đã bổ sung thêm. Nhưng Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã quy định đủ 8 quyền, như vậy đã tương thích với luật pháp quốc tế.

Về trách nhiệm của tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ, thì trong pháp lệnh mới quy định 4 điều nhưng Luật đã quy định tới 13 điều, trong đó có những nội dung rất cụ thể VD như trách nhiệm của bên thứ 3 trong việc cung cấp thông tin, rồi hợp đồng giao kết, hợp đồng theo mẫu, trong đó hàng thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà mục đích chính là bảo vệ quyền lợi cho NTD để tránh những điều khoản bất lợi cho mình. Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật, trách nhiệm bồi thường thiệt hại…

Về trách nhiệm của tổ chức xã hội, thì Pháp lệnh không có quy định nhưng Luật đã có 1 chương riêng, gồm 3 điều quy định rõ trách nhiệm của tổ chức xã hội.

Điểm khác biệt thứ 4 là trong việc giải quyết tranh chấp giữa NTD với tổ chức cá nhân kinh doanh, thì trong Luật đã quy định rõ 4 phương thức, 1 là thương lượng, 2 là hòa giải, 3 là trọng tài, 4 là tòa án.

Khác thứ 5 về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD thì trong Pháp lệnh giao cho Chính phủ nhưng không quy định rõ cơ quan nào giúp cho Chính phủ, còn Luật ngoài việc giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm chung lĩnh vực quản lý nhà nước trong bảo vệ NTD thì đã ghi rõ Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ NTD; các bộ ngành khác phối hợp với Bộ Công Thương theo lĩnh vực mình phụ trách; các địa phương do UBND các cấp, tùy sự việc xảy ra trên địa bàn của mình.

Phạm Hương Giang , Nữ - 35 Tuổi
Ngày 1/7, Luật bảo vệ NTD đã được đưa vào thực thi, xin được biết, NTD sẽ được lợi gì từ Luật này?
TS Nguyễn Am Hiểu tại tòa soạn VietNamNet. Ảnh: C.Thanh

TS. Nguyễn Am Hiểu:
Những điều này đã được quy định rõ trong luật tại điều 8, tuy nhiên theo tôi, vấn đề quan trọng nhất là việc thông tin về hàng hóa để NTD lựa chọn. Hiện nay thị trường VN, những hàng hóa sản xuất theo 1 dây chuyền công nghiệp thường có thông tin khá đầy đủ. Còn những loại hàng hóa khai thác như tôm, cá, rau quả… thì rất thiếu thông tin, kinh nghiệm của rất nhiều nước khi đánh 1 con cá thường ghi rất rõ là đánh ở vùng biển nào, đánh bằng phương pháp nào bằng chất nổ hay chất gây mê? Nếu chưa có những hướng dẫn như vậy thì các cơ quan có thẩm quyền phải có hướng dẫn để NTD lựa chọn đúng sản phẩm mình cần.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng:
Theo Luật Bảo vệ Quyền lợi NTD, thì NTD có 8 quyền:
1. Được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ cung cấp.
2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh và hàng hóa dịch vụ.
3. Được lựa chọn hàng hóa dịch vụ và tổ chức cá nhân kinh doanh
4. Được góp ý kiến đến tổ chức, cá nhân kinh doanh về giá cả, chất lượng hàng hóa, phong cách phục vụ…
5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách về bảo vệ quyền lợi NTD
6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng, số lượng, tính năng cộng dụng, giá cả và những nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã công bố niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
7. Được quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho mình theo quy định của pháp luật.
8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Khôi Nguyên , Nam - 26 Tuổi
Doanh nghiệp mì sản xuất sản phẩm trên nước Nhật và xuất hàng sang các nước tiên tiến thì theo tiêu chuẩn của nước đó là không có E102, vậy Doanh nghiệp đó chắc chắn nhận thức rõ về tính nguy hại E102. Khi sang thị trường Việt Nam, vì danh sách các chất cấm của Bộ Y tế Việt Nam chưa được cập nhật, nên doanh nghiệp đó vẫn sử dụng chất nhuộm màu này vì mục đích kiếm lời. Vậy có phải là vi phạm đạo đức kinh doanh và coi thường tính mạng NTD Việt Nam hay không? Trong trường hợp NTD Việt Nam muốn kiện, chúng tôi có đủ cơ sở pháp lý để khởi kiện doanh nghiệp này được không?

TS. Nguyễn Am Hiểu:
Theo tôi nếu bạn kiện, về cơ sở pháp lý là không chắc chắn, vì vậy bạn nên có 1 giải pháp khác. Theo Luật Bảo vệ Quyền lợi NTD, bạn có quyền được thông tin về sản phẩm và sản phẩm có chứa chất E102 hiện nay có rất nhiều nước cấm, khuyến nghị không nên dùng, vì thế bạn nên yêu cầu cơ quan có trách nhiệm phải công bố thông tin những nước nào đang cấm. Bạn có thể thông qua Hội Bảo vệ NTD tôi cho là tốt. Bạn cũng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải trả lời rõ, tại sao VN chưa cấm sử dụng chất này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng:
Tôi cho rằng dù chất E102 hiện nay vẫn nằm trong danh mục được phép sử dụng ở VN nhưng nếu đặt lợi ích, quyền lợi NTD lên trên, đặc biệt là vấn đề sức khỏe thì DN phải chủ động trong việc tìm 1 thứ phẩm màu an toàn khác thay thế. Như vậy mới được coi là đạo đức kinh doanh và có trách nhiệm với NTD. Bởi sự độc hại của chất này, chúng ta đã biết thế giới đã công bố những nghiên cứu, gần đây nhất, tháng 3/2011, ở VN đã có 1 cuộc hội thảo về phụ gia phẩm màu thực phẩm, thì việc này đã được công khai hóa. Một câu hỏi đặt ra là những DN này đã đặt quyền lợi của NTD lên hàng đầu hay chưa?

Hồng Ninh , Nữ - 30 Tuổi
Nghe nói Cục VSATTP sắp ra văn bản ban hành quy định sử dụng E102 trong thực phẩm, điều này có đúng không, thời gian là khi nào?

Ông Đỗ Hữu Tuấn: Hiện nay, Bộ Y tế đã có văn bản quy định việc sử dụng E102 trong thực phẩm. Với vai trò là cơ quan được Bộ Y tế giao đảm nhận công tác quản lý Nhà nước về ATVS thực phẩm, Cục ATVSTP luôn theo dõi sát và xử lý kịp thời các cảnh báo về an toàn thực phẩm trên thế giới và trong nước. Cục đặc biệt quan tâm theo dõi các kết quả nghiên cứu về các lĩnh vực có liên quan đến an toàn thực phẩm, phương hướng tiếp cận và xử lý thông tin, các biện pháp quản lý được đưa ra bởi cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của các quốc gia và khu vực trên thế giới; tham vấn ý kiến chuyên môn của tổ chức Y tế thế giới, tổ chức Nông lương thế giới, Ủy ban CODEX quốc tế để đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền những biện pháp quản lý, truyền thông phù hợp, để đạt mục đích cuối cùng là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển.

Triệu Thị Hường , Nữ - 28 Tuổi
Có vẻ Việt Nam luôn đi sau các nước trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Vậy Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm mới có hiệu lực hứa hẹn sẽ cải thiện tình trạng này như thế nào?

TS. Nguyễn Am Hiểu:
Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã tăng cường các chức năng của các cơ quan nhà nước để bảo vệ NTD, tuy nhiên theo tôi vấn đề quan trọng nhất là bản thân NTD phải chủ động bảo vệ mình vì luật pháp đã cho mình cái quyền để tự bảo vệ mình.

Ở đây, quyền được cung cấp thông tin, tôi cho là quyền rất quan trọng để bảo vệ NTD. Ngoài ra, NTD cũng có thể thông qua các hội, để có các biện pháp bảo vệ mình, ví dụ tạo ra một phong trào tẩy chay một sản phẩm nào đó, như việc các siêu thị đã tẩy chay bán sản phẩm của Vedan để phản đối việc Vedan đã gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng:
Một cái trùng hợp chưa rõ là ngẫu nhiên hay chủ ý là Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và Luật VSATTP, mặc dù thời điểm ban hành khác nhau nhưng đều có hiệu lực vào thời điểm 1/7/2011. Rõ ràng trong hoạt động bảo vệ NTD nói chung mà đặc biệt trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, NTD đã có trong tay 2 công cụ pháp luật rất quan trọng. Như vậy chúng ta có quyền hy vọng tình hình bảo vệ quyền lợi NTD nói chung trong đó có việc bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ được cải thiện, bởi lý do các cơ quan thực thi Nhà nước phải làm mạnh hơn, hiệu quả hơn. Những tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ lâu nay đã có những hành vi vi phạm thì nay không thể tiếp tục những hành vi như vậy.

Phía tổ chức xã hội trong đó có Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD cũng đã được luật quy định những chức năng cụ thể, sẽ có điều kiện phát huy hơn vai trò của tổ chức mình. Về phía NTD, đã có công cụ pháp lý trong tay để tự đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình, cũng như biết cách gõ cửa các đơn vị, tổ chức giúp đỡ mình trong bảo vệ quyền lợi của mình.

Tuy nhiên, hai luật trên đi vào cuộc sống đến đâu cũng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, ngay từ pháp luật, bởi dưới luật còn rất nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Nếu các nghị định, các thông tư không quy định cụ thể những hành vi vi phạm, những chế tài xử phạt nghiêm minh thì Luật đi vào cuộc sống sẽ ở 1 chừng mực nhất định thôi.

Phuong Ly , Nữ - 22 Tuổi
Thưa TS. Nguyễn Am Hiểu - Vụ phó Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế - Bộ Tư pháp, tôi muốn biết trong trường hợp Bộ Y tế xác nhận là E102 độc hại, có thể gây những tác động như chúng ta đã biết thì chúng tôi có thể làm gì để đòi lại quyền lợi của mình?

TS. Nguyễn Am Hiểu:
Hiện tại VN chưa đưa E102 vào chất độc hại, vì thế chưa có cơ sở pháp lý để NTD đòi quyền lợi của mình. Nếu sau này VN thừa nhận đó là chất độc hại thì pháp luật không có nguyên tắc hồi tố thì không thể đòi lại quyền lợi. Vì thế tốt nhất hiện nay phải yêu cầu Nhà nước cung cấp đầy đủ thông tin về chất này để NTD tự có lựa chọn cho mình.


Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi của bạn đọc gửi đến quá lớn, nên nhiều câu hỏi chưa được các khách mời giải đáp. VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị bạn đọc đến các chuyên gia. Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn!

  • VietNamNet