- Mỗi dịp Tết đến xuân về, làng nghề tranh kiếng (kính) Bà Vệ lại náo nức cho ra đời những bức tranh mới phục vụ nhu cầu sắm Tết. Thế nhưng, nghề vẽ tranh kiếng tồn tại hàng trăm năm đang bước vào giai đoạn thoái trào và có nguy cơ thất truyền.
Trăm năm tranh kiếng Bà Vệ
Đối với người dân miền Tây Nam Bộ, tranh kiếng Bà Vệ là một loại hình trang trí không thể thiếu trong dịp Tết. Những năm về trước, cứ mỗi độ xuân về làng nghề tranh kiếng Bà Vệ lại hối hả cho ra đời những sản phẩm mới.
Bà Tám thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình làm tranh kiếng nổi tiếng |
Ngày cuối năm tất bật với bao bộn bề lo toan, nhưng người dân vẫn luôn “ưu ái” dành ra một khoảng thời gian nhất định tìm về Cù lao Ông Chưởng (xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, An Giang) để chọn cho mình bức tranh ưng ý nhất. Bởi lẽ xưa nay, người dân vẫn quan niệm treo tranh kiếng trong nhà dịp năm mới sẽ giúp gia đình phát tài phát lộc, cuộc sống bình an, mọi sự cát tường như ý.
Tranh kiếng thuộc thể loại tranh được vẽ trên một tấm kính, so về màu sắc, thể loại thì không hề kém cạnh với trường phái hiện đại. Thậm chí còn sắc nét và tinh tế hơn.
Tranh kiếng bắt nguồn từ chợ Bà Vệ nằm trên cù lao Ông Chưởng. Cho đến nay, nghề làm tranh kiếng đã tồn tại hơn một thế kỷ.
Tiêu biểu là xưởng tranh Thanh Hòa, làm tranh kiếng lớn nhất nhì trong vùng. Bà Lê Thị Tám (51 tuổi, chủ xưởng tranh) là thế hệ thứ ba trong gia đình gắn bó với nghề truyền thống làm tranh kiếng.
Đưa chúng tôi đi tham quan xưởng tranh, bà kể: “Tranh kiếng Bà Vệ thịnh hành nhất là vào những năm 1978. Cứ tới dịp Tết là không ngớt người đến mua tranh, không khí tấp nập, nhộn nhịp lắm”.
Gắn bó với nghề đã gần 40 năm, bà Tám cho biết, trước đây tranh được làm thủ công bằng tay, từ vẽ phác họa hình đến tô màu. Thế nhưng, mấy năm gần đây công nghệ phát triển, những bức tranh kiếng được tạo ra nhờ máy móc từ công đoạn tô màu, in nhũ, đóng khung...nhằm rút ngắn thời gian hoàn thiện bức tranh.
Mặc thời thế thay đổi, cơ sở của bà Tám vẫn duy trì lối vẽ bằng tay. “Tranh vẽ bằng tay mới đẹp và toát lên cái hồn. Hiện nay, tôi là người tự tay vẽ tranh, sau đó thợ phối màu, dán nhũ để hoàn thành bức tranh.
Khâu vẽ là quan trọng nhất, không phải ai cũng làm được. Phải thật sự khéo léo và tinh tế mới cho ra một sản phẩm chất lượng”. Theo bà, một bức tranh được xem đạt tới độ hoàn mỹ thì phải có hồn và thu hút được những người yêu nghệ thuật.
Xưởng tranh bà Tám hiện đào tạo nhiều bạn trẻ |
Tranh kiếng được vẽ theo nhiều đề tài, nhưng chủ yếu là để phục vụ cho việc tâm linh, thờ cúng như cửu quyền Đức Phật, long, lân, quy, phụng…Ngoài ra còn có tranh phong cảnh phục vụ trang trí nhà cửa thêm phần sang trọng. Nếu khách hàng yêu cầu nội dung tranh vẽ, những người thợ khéo tay cũng sẵn sàng làm theo.
Trăn trở tìm hướng đi mới
Như mọi năm, ngày trước Tết, bà Tám và những người thợ luôn bận bịu với các tác phẩm tranh kiếng. Vẫn còn người say mê thưởng thức tranh thì bà vẫn miệt mài sáng tạo. Tuy nhiên, bà thừa nhận, hiện nay nghề làm tranh kiếng Bà Vệ đang dần bị mai một, người theo nghề không còn nhiều.
Nhưng với bà Tám, tranh kiếng không chỉ là kế sinh nhai mà còn là truyền thống gia đình, là di sản cần được bảo tồn. Bà quyết tâm bám nghề và không ngừng sáng tạo để duy trì loại hình nghệ thuật dân gian này.
Bà bùi ngùi: “Tôi đến với nghệ thuật vẽ tranh kiếng lúc mới 10 tuổi. Những năm 1980, xưởng tranh này chật ních người đến mua. Vào ngày Tết, người dân miền Tây nhất định phải sắm một bức tranh kiếng để trang hoàng nhà cửa, hoặc không thì biếu bạn bè, người thân.
Mặc cho các thể loại tranh khác lên ngôi, tranh kiếng vẫn được coi là trào lưu trong hàng chục năm. Chúng tôi là những người làm nghề lâu năm, cố gắng duy trì, gìn giữ, nhưng không phủ nhận được nguy cơ thất truyền”.
Bà Tám giới thiệu tranh kiếng |
Bà Tám cho biết, từ khoảng năm 2000, thợ vẽ trong vùng bắt đầu bỏ nghề đi tìm công việc mới. Trước đây, người dân không ngần ngại chi tiền mua một bức tranh kiếng ưng ý để treo trong nhà. Còn bây giờ, thị hiếu của họ là thể loại tranh đá, tranh thêu, tranh sơn dầu. Xu hướng thay đổi khiến những bức tranh kiếng dần bị quên lãng.
Năm nay Tết đến, bà Tám lại nặng trĩu âu lo. Bởi số lượng tranh tồn bày la liệt trong xưởng. Tranh bán ế ẩm, một số thợ tâm huyết với nghề dần chán nản, bỏ nghề. Nhắc tới đây, bà Tám lại rơi nước mắt.
Nghệ nhân yêu nghề như bà, vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm. Bà có thể truyền nghề cho thế hệ trẻ, nhưng liệu họ có thể kiên trì và đam mê để duy trì nghề tranh kiếng truyền thống?!
Theo bà Tám, công nghệ được ứng dụng vào làm tranh kiếng là một con dao hai lưỡi. Bởi lẽ, áp dụng máy móc quá nhiều nên người dân không còn coi trọng tranh kiếng nữa. Trước đây, người thợ phải tự tay tỉ mẩn qua các công đoạn, thì nay chỉ cần một chiếc máy in là một ngày có thể cho ra đời vài bức tranh.
Việc tranh kiếng ra đời quá dễ dàng, đồng nghĩa với giá trị tranh...đi xuống. Thực tế ở xưởng tranh bà Tám, hiện tại còn rất ít thợ có thể vẽ thủ công và biết về các công đoạn làm tranh. Thợ trong xưởng chủ yếu là đóng khung gỗ, cắt kiếng, hoàn toàn không có kiến thức về làm tranh kiếng.
Đi dạo một vòng quanh ấp Long Tân (xã Long Điền, Chợ Mới), nếu không giới thiệu từ trước, du khách khó lòng hình dung nơi đây từng là một làng nghề truyền thống nổi tiếng hàng trăm năm. Ông Lê Văn Ghi, trưởng ấp Long Tân buồn bã nói: “Hiện nay trong ấp chỉ còn ba nhà làm nghề tranh kiếng truyền thống. Trước đây, tấp nập người đi mua tranh. Giờ thì may ra dịp Tết mới có người tìm mua. Ngày thường dường như chẳng có khách nào”.
Bản thân ông Ghi được sinh ra trong một gia đình làm tranh kiếng, nhưng ông cho biết tranh làm ra không có người mua, nên từ thế hệ của ông đã chuyển sang nghề mưu sinh khác. Nhiều năm nay, trong lòng ông luôn day dứt vì nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của gia đình mà không thể duy trì được nghề truyền thống...
Đông Tuyền