BS Dương Đức Hùng, BV Bạch Mai: Thật sự chúng tôi không thích Tết. Chúng tôi mong người dân sẽ đón một cái Tết yên bình.

Ngày đầu nghỉ Tết 20 người chết vì TNGT

Chiều 30 Tết, trong khi tất cả các thành viên trong gia đình đang tất bật chuẩn bị cho bữa cơm tất niên - bữa cơm cuối cùng của năm thì những bác sĩ vẫn đang lặng thầm, hy sinh niềm vui để làm nhiệm vụ cao cả đó là chăm sóc bệnh nhân.

Dù là ngày tết nhưng các bác sĩ vẫn làm việc như ngày thường, vẫn ân cần chăm sóc và khám chữa bệnh cho từng bệnh nhân – những người không may gặp sự cố về sức khỏe trong ngày lễ.

{keywords}

Lãnh đạo BV Bạch Mai thăm và tặng quà tết cho bệnh nhân

Tết năm nay là cái tết 23 đón giao thừa tại bệnh viện của thầy thuốc ưu tú, tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Tổng hợp, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch Bạch Mai – người có trên 22 năm là bác sĩ phẫu thuật tim, đã mang lại sự sống cho hàng nghìn người bệnh.

Bác sĩ Dương Đức Hùng tâm sự: “Chúng tôi – những người làm trong ngành y thật sự chẳng ai thích Tết. Không phải vì chúng tôi sợ vất vả mà không muốn những người dân phải vào viện trong ngày Tết. Ngày Tết chúng tôi vẫn phải đi làm như ngày thường. Trực tết theo quy định của Nhà nước chứ không được tăng thêm người và đi trực không phải vì tiền mà vì nhiệm vụ. Như ở bệnh viện Bạch Mai, cứ 6 ngày lại trực 1 lần. Ngày 23/12, Phòng Kế hoạch Tổng hợp chốt lịch trực và không được thay đổi, không được đổi và trong 3 ngày tết, Ban Giám đốc thay nhau trực nửa ngày để xử lý những vấn đề phát sinh. Chúng tôi làm như vậy để tránh trường hợp, ngày mồng 1 tết bác sĩ điện thoại cho lãnh đạo nói anh ơi có bệnh nhân chết phải làm thế nào?

Lại một cái Tết phải xa gia đình

TS. Dương Đức Hùng, sinh năm 1966 tại quê hương Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú ngoại khoa năm 1992, đã đi thực tập về Phẫu thuật Tim người lớn và trẻ em tại Pháp các năm 1995, 1999 và 2004. Năm 1983, ông bắt đầu vào học tại trường Đại học Y Hà Nội. Tính đến nay, đã có hơn 23 năm đi trực tết tại bệnh viện.

{keywords}

Bác sĩ Dương Đức Hùng (trái) khám bệnh cho bệnh nhân sau phẫu thuật

Bác sĩ Hùng tâm sự: “Không chỉ riêng tôi đi trực tết ở bệnh viện mà ngay cả các thày, các anh, dù nhiều tuổi hơn tôi vẫn đi trực. Ở Bệnh viện Bạch Mai, có những người sang năm nghỉ hưu, giờ vẫn đi trực. Ít có thời gian dành cho gia đình, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Nếu vợ, con không thông cảm dễ dẫn đến chuyện vợ chồng bỏ nhau. Có những ngày hẹn vợ đón con nhưng đến sát giờ, có ca mổ đột xuất không kịp gọi điện thoại báo cho vợ nên đành để con bơ vơ ở trường học”.

Hơn 20 năm đi trực tết, cái tết nhiều kỷ niệm nhất đối với bác sĩ Hùng là khi ông còn là bác sĩ nội trú đi trực ở bệnh viện. Bác sĩ Hùng kể: “Lần đầu tiên tôi trực bác sĩ nội trú. Thời đó chúng tôi đi trực vẫn còn tục lệ đốt pháo nên có rất nhiều người tự chế tạo pháo nên dẫn đến tình trạng bị thương đồng loạt, bị bỏng, mù mắt và gặp các chấn thương khác. Khi vào bệnh viện họ vô cùng đau đớn. Lần đầu tôi tham gia ca trực, được trực tiếp mổ bệnh nhân, chúng tôi ở phong phòng mổ mười mấy tiếng. Suốt từ 16h chiều hôm trước đến 6h sáng hôm sau, liên tục bệnh nhân vào bệnh, chúng tôi mổ hết ca này sang ca khác, không kịp ăn, không nghỉ. Đây cũng là kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên trong đời làm nghề y và cũng là cái tết nhớ nhất”.

Bác sĩ Hùng tâm sự: “Không chỉ riêng tôi mà tất cả các bác sĩ đều mong muốn tết càng ít việc càng tốt và không muốn đầu năm mới, người dân lại phải vào bệnh viện. Tôi nói thế không có nghĩa là chúng tôi thoái thác việc. Chúng tôi muốn bệnh nhân lâu ngày gặp bác sĩ càng tốt. Chúng tôi khuyên người dân dù ăn uống, sinh hoạt trong dịp tết bị đảo lộn nhưng cố gắng giữ gìn sức khỏe. Đặc biệt, chúng ta phải chú ý về vấn đề ăn uống, không lạm dụng rượu bia vì đã có nhiều bài học đáng tiếc đã xảy ra gắn với việc dùng rượu bia. Bác sĩ không mong gặp lại bệnh nhân trong bệnh viện. Và chúng ta hãy gặp nhau ở những nơi khác vui vẻ hơn”.

{keywords}

Thầy thuốc nhân dân, GS Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc BV thăm hỏi bệnh nhân

“Ngày xưa họ thường nói nghề thày thuốc, nghề công an, nhà báo là những chiến sĩ thầm lặng. Đúng là thầm lặng thật. Là người Việt Nam, ai cũng mong muốn có một cái tết đầm ấm, quây quần bên gia đình.

Công việc này nó cứ lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng khác, tết này sang tết khác. Khi mọi người ngồi xem chương trình táo quân cuối năm, vẫn còn nhiều người đang phải trực ở bệnh viện và phải xa gia đình phục vụ bệnh nhân. Chúng tôi cũng không kêu ca, phàn nàn gì nhưng một khi đã vào nghiệp này phải xác định đó là nghề, cái nghiệp của mình và phải theo đuổi suốt đời. Tôi biết, cho đến nay, không có một bác sĩ nào mà tôi biết than thở hoặc có ý định xin không trực hay đổi nghề vì những vất vả đó”, BS Hùng nói.

Phục vụ người dân 24/24h

Theo bác sĩ Dương Đức Hùng, Bệnh viện vẫn mở cửa khám chữa bệnh như ngày thường, phục vụ người dân 24/24h. Mỗi ngày Tết có 350 cán bộ y tế trực tại bệnh viện. Vấn đề vệ sinh, an ninh, trật tự cũng được tăng cường để người dân có một cái tết ổn định, yên bình.

Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, số lượng người người khám cấp cứu trong 9 ngày Tết hàng năm là hơn 3.500 bệnh nhân. Bác sĩ Hùng cho biết: “Năm nay, chúng tôi mong lượng bệnh nhân đến khám bệnh ít hơn. Dù là ngày tết nhưng chúng tôi vẫn làm việc như ngày bình thường, không thể để cho 1 bệnh nhân nào không được khám và không được từ chối bất cứ trường hợp nào. Thông thường người dân đến viện trong ngày tết do bị tai nạn giao thông, viêm tụy cấp do ăn uống, cao huyết áp, đột quỵ...

“Năm nào cũng dẫn đến tình trạng quá tải ở khoa thần kinh, bệnh nhân ở mọi lứa tuổi kể cả người già, người trẻ và trẻ em. Số bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai là do bệnh lý như cao huyết áp, đứt mạch máu não, nhồi máu cơ tim, có 3.500 bệnh nhân tới khám cấp cứu có 170 trường hợp liên quan tới thần kinh, đau bụng, sinh đẻ”. Bác sĩ Hùng hy vọng tất cả mọi việc vẫn êm ả và người dân sẽ đón một cái tết yên bình.

Theo Thu Thủy/VOV