- Hiện tại, các ngân hàng (NH) đang ráo riết giảm dư nợ cho vay phi sản xuất bao gồm bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, trong đó các khoản cho vay đầu tư bất động sản đang được các NH nhắm đến.

Việc Ngân hàng Nhà nước có những biện pháp thắt chặt tín dụng nhằm kiếm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã khiến nhiều doanh nghiệp và cá nhân rơi vào tình cảnh thiếu vốn. Lợi dụng cơ hội này, rất nhiều hình thức cho vay nặng lãi mọc lên. Từ những văn phòng bất động sản, dịch vụ cầm đồ mà còn xuất hiện “cò” vay ngân hàng.

Cho dù những hình thức khác nhau, nhưng có điểm chung tất cả đều cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Chị L.C. làm việc tại một công ty ở Hà Nội và có quê ở Hà Tĩnh cho biết, do gia đình chị đang thực sự có nhu cầu về nhà ở sau khi chị sinh đứa con thứ hai nên chị đã tìm đến văn phòng bất động sản trên đường Lê Văn Lương kéo dài để tìn kiếm một căn nhà phù hợp với túi tiền của mình.
Tràn ngập văn phòng bất động sản trên địa bàn Hà Nội.

Đến đây, chị đã rất ưng căn nhà 40m2 ở Tân Mai nhưng số tiền 1,2 tỷ mà chị cùng chồng chắt góp hơn mười năm trời vẫn chưa thể đủ để có thể mua được căn nhà mong muốn. Và lúc này chị đã nhận được lời mời cho vay của văn phòng tư vấn bất động sản với lãi suất 4.000 đồng/1 triệu/1 ngày với điều kiện là chị phải cầm cố giấy tờ mảnh đất mà chị định mua cho đến khi trả hết nợ.

Do quá nóng vội để được sở hữu căn nhà mà mình hàng mong ước nên chị đã thuyết phục chồng đồng ý vay tiền của văn phòng bất động sản để mua nhà. Tuy nhiên, sau hơn ba tháng kể từ ngày mua nhà, gia đình chị đã không chịu được lãi suất “cắt cổ” 120 triệu/tháng nên chị đành phải xin bố mẹ bán mảnh đất mặt tiền ở quê để đem ra trả nợ.

Để có thể hiểu rõ hơn về hình thức tư vấn kiêm cho vay kiểu “cắt cổ” này, chúng tôi đã có mặt tại văn phòng BĐS Đ.L (trên đường Lê Văn Lương kéo dài). Chưa kịp quan sát, một nhân viên tỏ vẻ khá thông thạo nói: “Anh mua ở đâu? Cần căn khoảng bao nhiêu m2 . Thời điểm này giá đang xuống anh mua để ở là vô cùng hợp lý”.

Chúng tôi đưa ra yêu cầu, một căn hộ tại khu đô thị Văn Khê, diện tích khoảng 60m2 và có thể sử dụng trong tháng này. Sau khi tìm kiếm nhưng không có căn nào phù hợp với tiêu chí đặt ra, một quản lý tên T. đã đưa ra lời khuyên mua căn hộ rộng hơn và có cách giúp đỡ về mặt tài chính.

Vị này đưa ra một căn tại Văn Khê khoảng 100m2, với giá khoảng 2,3 tỷ. Vừa báo giá, nhân viên kinh doanh nói luôn: “Chú có bao nhiêu tiền mặt rồi? Việc mua nhà là việc cả đời nên suy nghĩ kỹ, vay mượn mà mua. Mua được là được!”.

Biết chúng tôi còn thiếu khoảng 1 tỷ. Nhân viên này đon đả: “Anh sẽ giúp chú, quan trọng là chú có gì để thế chấp? Nhưng lãi hơi cao đó, các chú có chịu được không?”.

Dứt lời vị này nói tiếp: “Anh sẽ vay cho các em với mức 4.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Anh vay chỗ này là dạng rẻ rồi. Nhiều chỗ còn lên đến 6 nghìn, 7 nghìn ý chứ”.

T. cũng cho biết, nếu chung tôi đồng ý thì thủ tục vay tiền sẽ rất đơn giản. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không được giữ giấy tờ gốc của căn hộ vừa mua. Chỉ khi nào hoàn trả đủ tiền gốc và lãi lúc đó mới chính thức giao cho sổ đỏ. Với 1 tỷ đồng, thì 1 tháng chúng tôi phải trả 120 triệu đồng/ tháng.

Như vậy, với mức độ lãi suất như thế sẽ tương đương 144%/ năm. Với mức lãi suất “cắt cổ” như vậy, nếu hàng tháng không trả được lãi thì cứ thế nhân lên. Không mấy chốc người mua nhà sẽ mất trắng.

Đến một văn phòng môi giới BĐS khác tại Hà Đông. Chúng tôi vẫn nhận được những lời mời chào vay nặng lãi sau khi thương thảo.

Tại Văn phòng Đ.P nằm trên đường Lê Trọng Tấn (Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội). Vẫn lấy lý do cần nhà gấp. Chúng tôi được các nhân viên “chăm sóc” rất chu đáo. Sau khi lựa chọn, nhân viên tên C. giới thiệu một căn với với giá hơn 2 tỷ.

Biết chúng tôi có ý muốn cầm sổ đỏ để vay thêm cho đủ giá trị căn hộ hơn 2 tỷ. Nhân viên C. trình bày với vẻ phân trần: “Ở đây bọn anh chỉ là những người bán hộ, người ta gửi đến đây. Bọn anh làm gì có tiền mà cầm sổ đỏ của em”.

Tuy nhiên, không muốn mất 'con mồi béo bở', một nhân viên ngồi kế bên nói tiếp: “Nếu anh có thiện chí lấy căn này. Bọn em sẽ có cách vay ngoài cho, nhưng lãi suất cao hơn ngân hàng”.

Như muốn dứt khoát, C. nói tiếp: “Thế này nhé, nếu đồng ý, anh sẽ làm hợp đồng cho vay với lãi suất 2.500 đồng/1 triệu/ngày. Đó là bọn này vay hộ thôi, chứ làm gì có tiền mà cầm sổ của các chú”. Như vậy, theo nhẩm tính, hàng tháng người vay phải trả 75 triệu/1 tỷ. Nếu tháng đầu không có tiền trả lãi thì cứ thế mà tính, lãi mẹ sẽ sinh ra lãi con.

  • K.Bang

(Còn nữa)