- Từ khi nhận kết quả ADN, không một ngày nào chị Lê Thanh Hiền và chồng ngơi tìm kiếm thông tin về mẹ đẻ của mình.

Mò kim đáy bể

Sau khi làm xét nghiệm vì nghi ngờ, ngày 8/5/2013, Trung tâm Giám định sinh học pháp lý - Viện Khoa học hình sự gọi chị Hiền đến nhận kết quả giám định ADN. Dòng chữ phũ phàng đã khiến chị ngã gục ngay lúc vừa lướt qua tờ giấy với kết luận bà Phan Thị Tuyết Hoa không phải mẹ đẻ chị.

Lúc đó, như người mất hồn, chị Hiền phóng xe máy vừa đi vừa khóc lang thang khắp Hà Nội.

"Tôi không nhớ mình đã đi những đâu, chỉ nhớ khi đến cầu Chương Dương thì đã nửa đêm. Chồng tôi tìm khắp nơi và mãi sau mới thấy tôi đang đứng trên cầu, tôi ôm chồng rồi bật khóc”, chị Hiền kể lại.

Trước sự thật đau đớn, chị Hiền lăn ra ốm một tuần trời.

{keywords}
Chị Lê Thanh Hiền vẫn đang tìm kiếm thông tin về người mẹ đẻ của mình

Từ khi nhận kết quả, không một ngày nào chị Hiền và chồng không tìm kiếm thông tin về người mẹ đẻ của mình.

Chị đã nhờ sự giúp đỡ của luật sư để xin được thông tin những ca sinh tại nhà hộ sinh quận Đống Đa vào ngày 12/12/1987.

Từ những thông tin đó, hai vợ chồng tìm đến địa chỉ nơi họ ở hiện nay. Thế nhưng, cuộc tìm kiếm như mò kim đáy bể.

Thông tin từ nhà hộ sinh quận Đống Đa cung cấp cho luật sư của chị Hiền cho biết, có tổng cộng 6 trường hợp sinh tại nhà hộ sinh này trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến 12/12/1987 (tính cả ca sinh của bà Hoa). Có một ca sinh gần nhất với thời gian chị Lê Thanh Hiền chào đời (vào khoảng 4 giờ 20 phút), cũng vào ngày 12/12/1987. Tuy nhiên, địa chỉ của các sản phụ ghi trong sổ sinh nay đều đã thay đổi.

Hai người mà chị Hiền tìm được từ manh mối trong cuốn sổ sinh đã từ chối thẳng thừng.

“Tôi nói chuyện điện thoại được với một người và gặp được một cô gái ngang tuổi tôi, có thể sinh cùng nhà hộ sinh. Cả hai đều từ chối giúp và không muốn tôi làm phiền đến cuộc sống hiện tại của họ”, chị Hiền bất lực.

“Tôi chỉ muốn tìm được mẹ đẻ của tôi để biết mẹ là ai, mẹ đang sống ra sao. Mẹ có biết là tôi đang ngóng trông mẹ lắm không? Tôi cũng muốn tìm con đẻ cho mẹ Hoa. Mẹ Hoa đang đau khổ lắm. Bà dằn vặt rằng con đẻ của bà nơi đâu, có được được nuôi dưỡng, yêu thương như tôi không”, chị Hiền nức nở.

{keywords}
Chị Hiền lúc còn nhỏ

Chị Hiền cho biết, chị không hề oán trách nữ hộ sinh đã trao nhầm mình. Theo chị, đó cũng là cơ duyên để chị được làm con cha mẹ của mình hiện tại, ở đó chị có tình thương của gia đình dành cho mình.

“Hiện tại tôi mong muốn mọi người, các cơ quan chức năng, cơ quan công an giúp gia đình tôi tìm kiếm được người thân thực sự của mình”, chị nói thêm.

Cú sốc cuộc đời

Bà Phan Thị Tuyết Hoa (53 tuổi, ở phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) xúc động kể lại về ngày sinh con gái: “Tôi tới nhà hộ sinh quận Đống Đa, ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên vào lúc khoảng 1 giờ sáng ngày 12/12/1987. Đến 4 giờ 35 phút sáng, tôi sinh con. Cô y tá đỡ đẻ nói với tôi là tôi sinh con gái. Thế nhưng, tôi chưa được nhìn con lúc đó. Em bé sau đó được trao cho chồng tôi, phải đến khoảng 8 giờ sáng cùng ngày tôi mới được ôm con”.

Nhớ lại cảm giác khi nhận con từ tay chồng bà Hoa nói: “Tôi không thể quên được khoảnh khắc ấy. Em bé rất xinh, da trắng, môi đỏ. Chỉ có điều, khi tôi kiểm tra trên người con thì thấy số trên đùi em bé rất mờ. Tôi hỏi thì chồng tôi nói là cháu vừa mới được tắm xong nên mờ là chuyện bình thường. Từ đó đến giờ cháu lớn lên trong vòng tay của tôi”.

Cuộc sống cứ thế trôi đi trong êm ả, chị Hiền lập gia đình và sinh được hai con kháu khỉnh. Các cháu thường xuyên qua lại thăm ông bà.

"Hôm đó là ngày rất nóng, cách đây 3 năm, Hiền cùng chồng con sang nhà ông bà chơi. Sau bữa cơm tối, Hiền đưa tôi đi chơi hóng mát. Tối hôm đó, Hiền đã kể cho tôi hết mọi chuyện. Tôi không tin đó là sự thật cho đến khi con bé đưa cho tôi toàn bộ giấy tờ. Tôi ốm mất mấy ngày sau đó” - bà Hoa nhớ lại ngày định mệnh.

{keywords}
Giấy khai sinh và kết luận giám định ADN của chị Hiền

Từ những giấy tờ đó mọi người trong gia đình phải chấp nhận sự thật và cùng nhau tìm kiếm mẹ đẻ cho Hiền, cũng là tìm lại người con, người chị, người em của gia đình mình đang sinh sống ở đâu.

Chị Hiền cho biết, điều khiến mọi người nghi ngờ nhất là thời điểm bà Hoa sinh con cũng có một người phụ nữ khác sinh cách đó 15 phút, ở cùng trong phòng.

“Cả hai đều sinh con gái và cùng cân nặng 3kg. Vì không được nhìn thấy mặt con, mãi sau khi nhận con thì mẹ mới được nhìn khuôn mặt nên có thể đã bị trao nhầm”, chị Hiền đặt ra nghi vấn.

Theo chị Hiền, đến giờ phút này sau 3 năm biết sự thật mới dám nói ra bởi chị sợ mọi người trong họ hàng sẽ bị sốc và mất đi tình cảm yêu thương của mọi người.

“Trong thâm tâm, tôi vẫn luôn xem bố mẹ là người yêu thương mình nhất. Tôi càng thương bố mẹ hơn vì biết chuyện này bố mẹ sẽ sốc. Sau câu chuyện bị trao nhầm con ở nhà hộ sinh Ba Đình cách đây 42 năm tôi mới đủ can đảm nói ra sự thật. Tôi mong muốn tìm được người thân của tôi, còn mẹ tôi cũng mong muốn tìm được người con thất lạc của mình bao năm qua”, chị Hiền tâm sự.

Nhị Tiến