- Chủ các phương tiện lưu thông qua đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tiếp tục bày tỏ bức xúc về việc: Đường chỉ được nâng cấp nhưng thu với mức phí như với đường mới.

Thu phí như đường làm mới

Gân đây, nhiều nhà xe liên tiếp phản ánh bức xúc về mức phí đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ  được thu 1.500 đồng/km (tính cho loại xe tiêu chuẩn dưới 12 chỗ) là quá cao.

Cụ thể, hiện nay xe dưới 9 chỗ đi qua đoạn đường dài 29 km này, chủ phương tiện phải trả mức phí 45.000 đồng/lượt, xe từ 9 chỗ trở lên là 75.000 đồng/lượt...

Đại diện nhà xe khách Văn Minh cho rằng, mức phí này là quá cao, bởi chủ đầu tư (Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ)  chỉ nâng cấp trên nền đường cũ.

“Chúng tôi có phản ánh thì được giải thích là mức phí này được thu cho cả giai đoạn 2 mở rộng thành 6 làn xe. Giải thích thì chúng tôi biết vậy, nhưng đường chỉ được nâng cấp mà thu như đường mới là quá sức chịu đựng đối với người thường xuyên đi như chúng tôi”, đại diện nhà xe Văn Minh nói.

Cũng theo nhà xe Văn Minh, để giảm giá phí đi lại công ty đã mua vé tháng với mức hơn 2 triệu đồng/xe/tháng. Tuy nhiên, so với các tuyến đường được làm mới thì mức phí này vẫn khá cao.

{keywords}

Chủ phương tiện phản ánh mức phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thu 1.500 đồng/km là quá cao.

Trong khi đó, anh Ngô Văn Du (Hà Nội) - người thường xuyên đi lại đường này cho rằng: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thu phí ngang cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhưng so sánh về chất lượng và tốc độ lưu thông an toàn thì… kém xa.

“Cũng là đường cao tốc nhưng xe của tôi đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 120km/h thấy bình thường, nhưng ở đây đi tốc độ 90km/h đã thấy xe rung lắc không thể tăng tốc thêm”, anh Du so sánh thêm.

Chậm tiến độ giai đoạn 2?

Ông Hiếu cho biết: Việc thi công gian đoạn 2 cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đang bị chậm tiến độ do công tác GPMB trên địa bàn Hà Nội hết sức khó khăn. Hiện mới chỉ có 2 gói thầu cầu Vạn Điển (gói thầu 17) và đoạn vào Cảng Hồng Vân (gói thầu 13) có mặt bằng đang được chủ đầu tư cho thi công, còn lại tất cả đang vướng về mặt bằng.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó phòng kỹ thuật Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho rằng, nhiều chủ phương tiện hiểu nâng cấp chỉ là cải tạo “vá” ổ gà.

Nhưng ở cao tốc này, các gói thầu phải làm mới toàn bộ, trong đó có cả tôn sóng, đường điện, cây xanh, biển báo, sơn đường... và tính cả cho giai đoạn 2 mở rộng theo tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn.

“Việc nâng cấp tuyến đường chạy tốc độ chỉ từ 60 -80 km/h thành cao tốc 100 km/h là cả một quá trình đầu tư. Thậm chí có đoạn phải nâng cấp lên 60 - 70 cm thảm bê tông nhựa độ dốc", ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, chất lượng mặt đường đã được Bộ GTVT nghiệm thu chi tiết, thấy đảm bảo mới cho chạy tốc độ 100km/h.

Mặc dù vậy, ông Hiếu thừa nhận chất lượng mặt đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa bằng Cầu Giẽ - Ninh Bình là do đường Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được thảm lớp tạo nhám 3cm. Lớp tạo nhám này cũng sẽ được chủ đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2 ở cao tốc Pháp Vân.

Về phản ánh mức phí quá cao, ông Hiếu nói rõ, mức phí không phải chủ đầu tư tự đưa ra mà do liên Bộ KH-ĐT, Tài chính, GTVT và Xây dựng tính toán đưa ra mức giá.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, có hai loại phí đường bộ là thu phí trên hệ thống đường cao tốc từ 1.000-1.500đồng/km và phí trên tuyến đường BOT không phải cao tốc. Riêng đường Pháp Vân - Cầu Giẽ trước đây là đường bình thường, nay nâng cấp thành cao tốc thì được phép thu phí như đường cao tốc với mức 1.500 đồng/ km...

Hơn 100km có 3 trạm thu phí

Nhiều nhà xe cũng phản ánh, khi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đưa vào thu phí đã khiến cho trạm thu phí trên đường từ Hà Nội về Thái Bình thêm dày đặc.

Anh Thắng - người thường xuyên lái xe con từ Hà Nội về Thái Bình cho hay: “Tôi không hiểu vì sao đoạn đường chỉ hơn 100km từ Nam Định lên tới Hà Nội lại có tới 3 trạm thu phí và mức phí hơn 100 ngàn đồng lá quá đắt".

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Từ Hà Nội đi Thái Bình có rất nhiều lựa chọn. Nếu đi trên QL1, rồi vào đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, đi vào đường của Tasco đầu tư về Thái Bình thì phí là 125.000 đồng. Tuy nhiên, nếu đi đường cũ thì mức phí chỉ là 30.000 đồng.

Theo tính toán của nhà tư vấn, khi xây dựng một dự án đường bao giờ cũng phải tính lợi ích của người dân cũng như doanh nghiệp.

“Trước đi Hà Nội về Thái Bình phải mất 4 tiếng thì nay chỉ còn 2 tiếng, xăng cũng giảm được một nửa. Đó là chưa kể còn khấu hao phương tiện, giảm TNGT, giảm ô nhiễm môi trường. Như vậy, lợi ích mang lại bao giờ cũng lớn hơn mức phí phải bỏ ra”, ông Thi lý giải.

Gia Văn