- Nuôi tôm khắc phục hạn, mặn tưởng chừng là giải pháp cứu người dân ở ĐBSCL. Nhưng nuôi tự phát, không khoa học đã phá vỡ hệ sinh thái. Cùng với hạn, mặn, việc này trở thành mối đe dọa kép với ĐBSCL.

Một hộ được lời, cả vựa lúa chết

Ở Cà Mau, trong khi tất cả đều đang tập trung ngăn nước mặn xâm nhập thì một số hộ dân lại tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm khiến đồng ruộng càng nhiễm mặn nặng, lúa chết hàng loạt.

Hơn 1 tháng nay, hàng chục người dân sản xuất lúa 2 vụ ở ấp 3 (xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình) đã gửi đơn đến cơ quan chức năng kêu cứu bởi việc làm này đang có nguy cơ lan rộng, đe dọa xoá sổ cánh đồng mẫu của xã.

{keywords}
Nước mặn từ hộ nuôi tôm sẽ gây thiệt hại nặng cho những hộ trồng lúa bên cạnh

Bà Hồ Thị Nga chỉ tay ra 18 công ruộng cho chưa được 50 bao lúa rồi chua chát: “Lúa toàn hạt lép, bán thương hái không mua, vịt ăn nó còn chê. Tất cả là do ông anh bà con nuôi tôm bên cạnh “tặng” cho tôi đó”.

Ruộng lúa của bà Nga nằm ngay cạnh vuông tôm của ông Đặng Hoàng Nam, người tự ý lấy nước mặn vào nuôi tôm khiến nước mặn rỉ qua, gây thiệt hại gần như toàn bộ diện tích trồng lúa của các hộ bên cạnh.

Chịu ảnh hưởng của việc này, vụ đông xuân lúa nhà bà Nga mất trắng nên giờ gia đình phải gánh khoản nợ cả trăm triệu đồng chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu, công cán thuê mướn... "Giờ không biết lấy tiền đâu ra trả cho người ta”, bà Nga than thở.

{keywords}
Bà Nga cho rằng nguyên nhân lúa chết và lép là do nước mặn từ hộ nuôi tôm bên cạnh tràn qua

Đờ đẫn đứng dưới 4 ruộng lúa chết khô, chị Hồ Út Y nói như mếu: “Hộ bên cạnh nuôi tôm, nước nhiễm mặn đến cỏ mọc không nổi, nói chi đến lúa?"

Không chỉ mình chị mà 20 hộ khác cũng bị tương tự. Theo chị, hộ nuôi tôm chỉ biết hưởng lợi còn hại thì cả xóm này chịu.

{keywords}
Lúa nhà chị Y chết không thu hoạch được 1 hạt

Tuy đất không rộng nhưng nhờ làm hai vụ nên mấy năm trước trung bình một năm gia đình chị Y thu hoạch hơn 100 giạ lúa, trừ hết chi phí vẫn đủ ăn và có tiền đóng học phí cho con. Nhưng từ khi ao tôm xuất hiện, 4 công ruộng của chị thu hoạch không nổi 10 giạ lúa/vụ.

"Kiểu này nhà tôi phải bán đất để nuôi con ăn học vì chẳng biết đào đâu ra tiền trên mảnh ruộng quanh năm tràn ngập nước mặn" - chị nói.

Chính vì không trồng được lúa cũng chẳng dám xuống giống hoa màu nên các hộ dân ở ấp 3 và ấp 5 của xã Tân Lộc Mỹ phải bỏ đất hoang.

{keywords}
Chị Hồ Út Y đi trên ruộng lúa chết khô do nhiễm mặn từ vuông nuôi tôm bên cạnh

Nuôi tôm tự phát phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên

Việc lén bơm nước mặn vào ruộng để nuôi tôm ở Cà Mau thực ra đã diễn ra hơn 10 năm nay và trở thành “phong trào”.

Ban đầu 1-2 hộ tự ý tháo nước mặn vào thả nuôi tôm. Thấy lợi nhuận cao hơn trồng lúa, nhiều hộ khác cũng làm theo. Việc nuôi tôm tự phát như thế này đã phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên.

“Cánh đồng này trước khi kia làm lúa trúng nhất huyện nhưng nay liên tiếp mất mùa. Một hộ vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả để nuôi tôm, ảnh hưởng tới hàng chục hộ khác với gần 100 công ruộng bỏ hoang. Cả cánh đồng này mất ít nhất là 6.000 giạ lúa mỗi năm”, ông Hồ Quốc Hùng có diện tích lúa bị thiệt hại nặng do nước mặn từ ruộng nuôi tôm nói.

{keywords}
Ông Hồ Quốc Hùng có diện tích lúa bị thiệt hại nặng do nước mặn từ ruộng nuôi tôm

68 ha cánh đồng mẫu của xã Tân Lộc Bắc (huyện Thới Bình) trước đây cho năng suất tốt. Nhưng thấy con tôm mang lại lợi nhuận cao hơn nên một số hộ “tham” đưa nước mặn vào nuôi tôm khiến vỡ quy hoạch.

Chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động, tuyên truyền, xử phạt hành chính song những hộ này vẫn thản nhiên tiếp tục nuôi tôm trên ruộng lúa.

{keywords}
Việc người dân tự ý bơm nước mặn vào nuôi tôm ở vùng ngọt hóa đang diễn ra rất nhiều nơi ở Cà Mau

Thậm chí những hộ bơm nước mặn vào nuôi tôm có cả lãnh đạo của địa phương. Điển hình như ông Đặng Hoàng Nam, từng là cán bộ của huyện Thới Bình. Ông Nam từng bị xử phạt hành chính 2 lần nhưng đến nay vẫn bơm nước mặn vào nuôi tôm.

Ông này còn kết hợp với cháu mình đưa nước mặn cặp ranh với ông để nuôi tôm khiến nhiều người bức xúc phải gửi đơn cầu cứu đến UBND tỉnh.

Tại các buổi hòa giải, ông Nam cho rằng do thời tiết, đất của mình lại bị nhiễm phèn không trồng lúa được nên buộc phải nuôi tôm. "Giải thích như thế không thể chấp nhận được. Nếu anh ấy tiếp tục vi phạm thì phải đền bù thiệt hại cho chúng tôi”, bà Hồ Thị Nga bức xúc.

Còn một hộ “lén” bơm nước mặn vào cánh đồng nuôi tôm cho biết, làm lúa mấy chục năm mà chưa bao giờ có lãi, nhưng từ khi nuôi tôm thì thu nhập rất tốt, đời sống gia đình được cải thiện rõ rệt.

Nhưng việc bơm nước mặn vào ruộng nuôi tôm không phải ai cũng thành công. Nhiều hộ trắng tay vì tôm chết liên miên do dịch bệnh, ảnh hưởng môi trường nước, thuốc bảo vệ thực vật. 

{keywords}
Tình trạng cây lúa kiện con tôm ở Cà Mau chắc chắn sẽ còn dài

Trước vấn nạn này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Nguyễn Tiến Hải đã ký công văn, yêu cầu lãnh đạo địa phương và cơ quan chức năng các huyện ngăn chặn tình trạng người dân đưa nước mặn vào vùng quy hoạch ngọt hóa để nuôi tôm.

Cơ quan chức năng ra công văn đưa ra là một chuyện, người dân có thực hiện hay không là chuyện khác. Bởi chính quyền đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng rồi đâu lại hoàn đó.

Hoài Thanh - Đinh Tuấn

LOẠT BÀI HẠN, MẶN LỊCH SỬ Ở ĐBSCL: