- Cầu phao qua sông Thạch Hãn nối liền xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong với TP Đông Hà (Quảng Trị) được làm từ năm 2002 đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân phải đối mặt với hiểm nguy hàng ngày khi qua đây.
"Dự án BOT" của 5 hộ dân
Để thuận tiện cho việc đi lại, giao thương của người dân các thôn Giáo Liêm, An Lợi, Trung Yên (xã Triệu Độ, Triệu Phong) với TP Đông Hà và các địa phương khác của tỉnh Quảng Trị, gần 15 năm về trước, một số người dân xã Triệu Độ đã góp tiền làm cầu phao dân sinh phục vụ bà con trong vùng.
Thế nhưng, sau thời gian dài sử dụng, chiếc cầu phao qua sông Thạch Hãn đang có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Mặt cầu bằng gỗ và tấm thép đã bị mục nát, hoen gỉ cục bộ tại nhiều điểm.
Đường dẫn vào cầu bị nứt nẻ, xuống cấp nghiêm trọng. Các mảng bê tông bị sụt lún, đổ vỡ |
Đặc biệt hơn, tại các hạng mục như lan can cầu, đường dẫn vào cầu, các thanh sắt nhỏ hoen gỉ, mặt đường bê tông bị gãy đổ, sụt lún. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng của người dân mỗi lần lưu thông qua cầu.
Tìm hiểu được biết, cây cầu phao này do các ông Lê Đình Uynh, Trương Đăng Duệ, Lê Văn Quý, Lê Văn Khanh, Phan Khắc Minh (cùng trú xã Triệu Độ) góp vốn xây dựng với tổng số tiền hơn 850 triệu đồng, để phục vụ bà con trong vùng đi lại.
Mặt cầu bằng tấm thép bị bung đinh, hoen gỉ |
Để “thu hồi vốn”, ngay đầu cầu được “chủ đầu tư” xây dựng một “trạm thu phí” để thu tiền các phương tiện qua lại.
Theo bảng giá, mỗi lần người dân qua về bằng xe đạp phải đóng tiền phí 1.000 đồng/lượt; xe máy 2.000 đồng/lượt, chở theo 1 người là 5.000 đồng cả đi lẫn về; xe ba gác là 6.000 đồng/lượt. Đặc biệt, giáo viên và học sinh được giảm 50% phí.
Nguy hiểm rình rập
Bà Trần Thị Tú (57 tuổi, một người dân địa phương) cho biết, sự xuống cấp nghiêm trọng của cây cầu phao khiến nhiều người lo sợ khi qua cầu, đặc biệt với những người lớn tuổi và các em học sinh.
Theo quan sát của PV, hầu như xung quanh các lan can cầu, các điểm đầu cầu đều không được cắm biển cảnh báo, gắn phao cứu hộ để ứng cứu các trường hợp tai nạn xảy ra.
Các lỗ hổng do sàn gỗ gãy nát gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại |
Nhiều người dân cũng cho rằng, “chủ đầu tư” chỉ biết thu phí mà không quan tâm đến việc duy tu, sửa chữa. Hàng ngày có hàng trăm lượt phương tiện qua lại, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cầu nên vấn đề xảy ra tai nạn là điều khó tránh khỏi.
Mặc dù cây cầu đang bị mục nát, xuống cấp nghiêm trọng nhưng lượng người và phương tiện tham gia qua lại rất đông, đặc biệt vào sáng sớm và buổi trưa.
Đặc biệt, một số người dân khi qua cầu, bất chấp những mối nguy hiểm đang rình rập vẫn phóng xe với tốc độ cao như trêu đùa với tử thần. Mỗi lần như vậy, những tấm ván gỗ trên mặt cầu bị bong khỏi đinh, kêu lộp cộp kèm với đó là hình ảnh chiếc cầu bị rung lắc, chao đảo.
Mỗi lần xe máy đi qua, cầu lại rung lắc, những tấm ván long đinh kêu lộp cộp. |
Chị Lê Thị Sương (trú thôn An Lợi) nhân viên thu phí cầu, cho rằng: “Vì kinh phí hạn hẹp nên việc duy tu, sửa chữa thường xuyên là rất khó”?!
“Nhìn cầu bị hư hại, xuống cấp như vậy nhưng rất an toàn. Các cơ quan chức năng cũng về kiểm tra thường xuyên đó chứ” - chị Sương nói thêm.
Tuy nhiên theo tiết lộ của đại diện các hộ dân đóng góp xây dựng cầu, trung bình mỗi ngày có khoảng 300-400 lượt xe máy, 500-600 lượt xe đạp qua lại cầu. Theo đó, mỗi ngày “chủ đầu tư” thu về khoảng 800-900 ngàn đồng tiền phí.
“Chỉ sau 8 năm đầu hoạt động chúng tôi đã hoàn vốn nhưng vì để có kinh phí duy tu, sửa chữa, chúng tôi tiếp tục thu phí. Điều đáng nói, lệ phí qua cầu từ năm 2002 đến giờ vẫn không thay đổi và chúng tôi cũng không có kế hoạch tăng giá vì sợ bà con tốn kém…” - một vị đại diện cho biết.
Vị đại diện cũng cho biết thêm, các hộ đầu tư đã cùng nhau góp 200 triệu đồng mua mới một số trang thiết bị, thay mới các tấm thép để bảo đảm an toàn cho người dân lưu thông qua cầu, đặc biệt khi mùa mưa bão sắp đến.
Trả lời PV VietNamNet, ông Lê Đức Tiến, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết, sẽ cho cán bộ xuống hiện trường để nắm bắt thông tin, ghi nhận các phản ánh của PV.
Quang Thành