- Ông Huỳnh Văn Nén vừa có đơn yêu cầu bồi thường oan sai trong 2 vụ án oan. 18 tỷ đồng là số tiền không nhỏ, nhưng sau 2 vụ án oan thì tiền bạc nào cũng không thể bù đắp.

Vì sao 18 tỷ đồng?

Ông Nguyễn Thận - một trong hai người được ông Huỳnh Văn Nén ủy quyền trợ giúp pháp lý trong quá trình yêu cầu bồi thường oan sai cho biết, sáng 11/4 ông Nén đã đến gửi đơn, yêu cầu bồi thường tại TAND tỉnh Bình Thuận. Bà Trần Thị Thiên Hương - thẩm phán tòa đã nhận đơn của ông.

{keywords}

Những người trợ giúp pháp lý cho ông Huỳnh Văn Nén cho rằng, bồi thường oan sai 18 tỷ đồng cho ông Nén là con số hợp lý

Dư luận đang quan tâm, vì sao ông Nén yêu cầu bồi thường oan sai qua 2 vụ án với số tiền lên đến 18 tỷ đồng. Hiện nội dung lá đơn yêu cầu bồi thường, theo ông Nguyễn Thận, chưa thể thông tin chi tiết, nhằm đảm bảo các quyền lợi cho ông Nén trong quá trình thương lượng, bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, thông tin cơ bản trong đơn ông Nén là yêu cầu bồi thường về các khoản thu nhập bị mất trong suốt 17 năm 6 tháng 11 ngày ngồi tù oan sai; thiệt hại về tài sản, thiệt hại về tinh thần, sức khỏe.

{keywords}

Đơn đề nghị bồi thường ông Nén có nói rõ về từng khoản

Ông Nguyễn Thận cho rằng: “Con số 18 tỷ đồng đưa ra trên cơ sở sự thống nhất của Nén, những người trong gia đình, những người được Nén ủy quyền, nhóm luật sư trợ giúp pháp lý. Bản thân Nén ngồi tù oan sai chừng ấy thời gian, biết bao khổ cực, ngoài ra 3 thế hệ trong gia đình phải gánh những huệ lụy khủng khiếp…”

“Tôi mong muốn chuyện của Nén nhanh chóng được giải quyết để Nén và gia đình ổn định cuộc sống. Không ai có thể bắt buộc Nén phải kê khai chi tiết, từng khoản mục, từng thời gian hoặc bằng những chứng từ cụ thể.

Nếu điều đó xảy ra, đó là sự bất công của công lý, là sự đánh đố với người tù bị 2 bản án oan sai. Sự mất mát của Nén là vô giá, không có gì có thể bù đắp được”, thầy giáo Nguyễn Thận khẳng định.

“18 tỷ đồng là tạm chấp nhận được, ở đây không trả treo”

Đó là khẳng định của luật sư Phạm Công Út - một trong những luật sư trợ giúp pháp lý cho ông Nén trong việc đề nghị bồi thường oan sai.

Ông Út nói: “Nếu tính toán máy móc, có hóa đơn chứng từ, thử hỏi có ai tính toán được không? Ai cấp "hóa đơn" cho biết bao khổ cực của ông Nén, của những người thân trong quá trình gần 18 năm nay. Gia đình họ đã thiệt hại quá khủng khiếp. Phương pháp tính toán số học là không thể nào được và không công bằng”.

{keywords}

17 năm 6 tháng 11 ngày ngồi tù oan trong 2 bản án, đối với ông Nén và gia đình là sự mất mát khủng khiếp, không tiền bạc nào bù đắp được

Theo luật sư Út, ông Nén bị đến 2 bản án oan; ngoài ra ông Nén còn buộc khai những người trong gia đình bên vợ trong 1 vụ giết người, cướp tài sản. Như thế tội càng chồng tội.

“18 tỷ đồng là lớn hay nhỏ? Ai dám đánh đổi những mất mát khủng khiếp như thế để đến nay đòi bồi thường chứng ấy tiền. Gia đình ông Nén thiệt hại như thế nào, bây giờ nói bao nhiêu cũng được. Ông Nén ngồi tù oan, bị đòn roi như thế nào? Ai chứng minh được? Rồi cha ông, thầy giáo Nguyễn Thận và gia đình bán tất cả tài sản, khánh kiệt trong hành trình xuôi ngược khắp nơi kêu oan, làm gì có hóa đơn ?

Và còn rất nhiều chuyện khác, những thiệt hại vô hình khác không thể đong đếm được. Bây giờ đặt ra con số bồi thường như thế nào cũng hợp lý. 18 tỷ đồng so với chừng ấy thiệt hại có hợp lý hay không ?”, luật sư Út nêu quan điểm.

Luật sư Phạm Hoài Nam (hãng luật Bến Nghé - Sài Gòn) cho rằng, thiệt hại về thu nhập, công việc bị mất của ông Nén trong thời gian dài ngồi tù oan sai thì theo quy định của luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước tính toán, một ngày tù bằng ba ngày lương tối thiểu, khoản này sẽ được tính tương ứng với khoảng thời gian 17 năm 6 tháng tù.

Thiệt hại về tài sản có thể tạm tính, chính là vợ con cha ruột ông Nén, các người thân đã ròng rã đi kêu oan trong nhiều năm, tốn kém rất nhiều chi phí, thời gian và tiền bạc để tìm đến các cơ quan tố tụng từ Bắc chí Nam và thăm nuôi ông Nén, gia đình ông đã phải bán nhà, đất và nhiều tài sản khác, con cái không được học hành, thất nghiệp.

Luật sư Nam nêu ý kiến: “Không phải tất cả các khoản chi phí gia đình họ đều còn lưu chứng từ, hoá đơn để nay yêu cầu cơ quan Nhà nước bồi thường được. Bởi suy cho cùng họ chỉ có niềm tin nội tâm là ông Nén bị oan, chứ làm sao biết được khi nào được giải oan để lưu giấy tờ chứng minh thiệt hại”.

Về tổn thất sức khỏe, tinh thần, luật sư Nam giải thích thêm: Không thể tính toán được bởi trong khoảng thời gian dài đằng đẵng ông Nén phải chịu bao cay đắng, tủi nhục…ông Nén biết bao nhiêu lần đứng trước vành móng ngựa, chịu cảnh ở trong tù quá dài. Ngoài ra ông bị kết án oan, gia đình ông bị người dân xa lánh, người đời chê trách, miệt thị.

Luật sư Phạm Hoài Nam nêu quan điểm “Các cơ quan liên quan cần giải quyết đề nghị bồi thường của ông Nén dựa trên tinh thần trách nhiệm chia sẻ nỗi đau, chịu cảnh tù oan của ông Nén mà quyết định về số tiền bồi thường hợp lý…Thực sự mà nói chẳng ai muốn đi tù oan để đòi tiền bồi thường”.

Anh Sinh