- “Nếu không có căn cứ chính xác là hài cốt liệt sĩ hay không, thì rất khó đưa họ vào nghĩa trang liệt sĩ. Bởi, nếu đưa người không phải liệt sĩ vào nghĩa trang liệt sĩ thì sẽ làm chạnh lòng các liệt sĩ đã nằm trong đó. Chúng tôi hoan nghênh việc tìm kiếm bằng ngoại cảm, nhưng có lẽ cũng cần kết hợp với các phương pháp khoa học, để xác định chính xác mối liên hệ liệt sĩ đó với thân nhân gia đình họ”.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp đã có buổi trả lời báo chí vào sáng nay (13/7), bên lề cuộc họp báo chuẩn bị chương trình nhân kỷ niệm 64 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7) của Bộ này.

- Vừa rồi Bộ LĐ TB&XH có tổ chức hội thảo bàn về việc tìm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm, phải chăng đây là lần đầu tiên Bộ công nhận hình thức tìm mộ này?

Tôi không phụ trách mảng chính sách với người có công, nhưng nếu có một hội thảo về việc tìm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm, thì việc tổ chức hội thảo khác với việc công nhận.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp(Ảnh: Vũ Điệp)

Việc xác minh, tìm kiếm các mộ liệt sĩ hiện nay còn thiếu thông tin, chưa chính xác đến gia đình của họ. Hiện nay Bộ đang chỉ đạo xây dựng một đề án, trước hết là ứng dụng phương pháp ADN vào việc xác minh thân nhân liệt sĩ.

Hiện nay có nhiều mộ liệt sĩ chỉ có số ít thông tin để gắn kết với gia đình họ nên khá khó khăn trong quá trình tìm kiếm, xác minh.

Chúng ta rất mong muốn mỗi gia đình tìm được chính xác con em họ, nên bên cạnh những tiến bộ khoa học kỹ thuật, thì cũng phải chắp nối lại các thông tin, làm sao sớm trả lại đúng tên, địa chỉ, gia đình...

- Vậy chúng ta có sử dụng phương pháp ngoại cảm vào việc tìm kiếm không, thưa ông?

Chúng tôi rất hoan nghênh các nhà ngoại cảm tham gia vào công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ, nhưng sau đó có lẽ cần sử dụng đến các phương pháp khoa học khác để xác định lại.

Chúng tôi hoan nghênh chứ không chính thức công nhận đấy là một phương pháp tìm kiếm đảm bảo 100% chính xác,.

- Thời gian gần đây có một số trường hợp sau khi tìm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm, nhưng khi quy tập về thì gia đình lại nảy sinh vấn đề nghi ngờ. Vậy sau những trường hợp như thế Bộ có cần ra quy định bắt buộc là khi tìm bằng ngoại cảm về thì bắt buộc phải xét nghiệm lại bằng ADN.

Tôi có được nghe tới trường hợp này. Thực ra cũng phải nói việc này đang nghiên cứu, cố gắng chắp nối những mộ liệt sĩ hiện nay đang thiếu thông tin. Như chúng ta biết, hiện nay trong nghĩa trang còn rất nhiều mộ vô danh, có rất ít thông tin về gia đình, hoặc những mộ mới quy tập được thì cố gắng xác định chính xác thân nhân.

Cũng đang có một dự án có thể thực hiện kết hợp giữa xét nghiệm ADN với ngoại cảm, để xác định chính xác thông tin liệt sĩ đó với gia đình của họ.

Còn trường hợp ở Thuận Thành, Bắc Ninh thì Bộ cũng mới chỉ biết qua báo chí, cái này thuộc quyền xử lý của cấp địa phương, chúng ta có cả một hệ thống các cơ quan LĐTB&XH từ Trung ưưng tới địa phương, chứ không phải việc gì Bộ cũng phải làm.

- Nhưng lại có trường hợp ở Hòa Bình, tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm về, gia đình có mong muốn được chôn cất hài cốt liệt sĩ đó trong nghĩa trang, nhưng chính quyền địa phương lại không đồng ý, ý kiến của ông về vụ việc này?

Thực ra, nếu không có căn cứ chính xác là hài cốt liệt sĩ hay không, thì rất khó đưa họ vào nghĩa trang liệt sĩ. Bởi vì nếu đưa người không phải liệt sĩ vào nghĩa trang liệt sĩ thì sẽ làm chạnh lòng các liệt sĩ đã nằm trong đó.

Như chúng tôi có nói, hoan nghênh việc tìm kiếm bằng ngoại cảm. Nhưng có lẽ cũng cần kết hợp với các phương pháp khoa học, để xác định chính xác mối liên hệ liệt sĩ đó với thân nhân gia đình họ.

- Thưa ông, nếu xác định bằng ADN, thì chi phí đó sẽ do nhà nước hay gia đình chi trả?

Trách nhiệm với các liệt sĩ trước hết là trách nhiệm của nhà nước, vì các liệt sĩ đã hi sinh xương máu của mình cho độc lập, chủ quyền của đất nước. Hiện nay Bộ LĐTB&XH đang chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu để xây dựng đề án, trong đó có đề cập tới việc áp dụng phương pháp ADN, và xem hiện nay còn bao nhiêu liệt sĩ còn đang thiếu các thông tin gắn kết với gia đình họ.

Trong đề án đó, phần kinh phí chính là của nhà nước, ngoài ra còn huy động của xã hội, để thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa với các gia đình liệt sĩ.

Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, việc xác nhận người có công cũng gặp phải những khó khăn nhất định, đòi hỏi hồ sơ, thủ tục, có những cái phải có xác nhận của người thân, đồng đội, chính quyền địa phương, cơ quan, cộng đồng dân cư ở đó... để xách định chính xác người có công.

Mặt khác tránh trường hợp giả người có công… nên cần phải cẩn trọng, để tạo sự công bằng trong xã hội.

Trao đổi với VietNamNet, một cán bộ Bộ LĐTB&XH cho biết: Hiện nay có rất nhiều người lợi dụng ngoại cảm để đứng ra tìm hài cốt liệt sỹ. Cán bộ này còn cho biết, mới đây nhất các cơ quan chức năng đã bắt quả tang một người ở Quảng Trị đang cầm trong người hàng chục lọ benixilen trong đó có ghi các thông tin về những liệt sỹ chưa tìm thấy.

 
  • Vũ Điệp (ghi)
Bế tắc vụ hài cốt liệt sỹ bị từ chối
Đã có rất nhiều cuộc họp được lãnh đạo xã Gia Đông tổ chức để bàn về cách giải quyết bộ hài cốt liệt sỹ này. Nhưng cuối cùng, “số phận” hài cốt liệt sỹ Nguyễn Xuân Chiến vẫn chưa biết đi đâu về đâu.
 
Chuyện lạ đời: Hài cốt liệt sỹ bị cấm chôn
Phương án mà xã đưa ra là: tạm thời chôn ở bãi tha ma của làng, khi nào có đủ giấy tờ, lại khai quật lên, đưa vào nghĩa trang liệt sỹ xã...