- Những chiếc quan tài độc mộc đổ vỡ, chồng lên nhau ở hang Pó Cúng nằm trên dãy núi Pha Hang thuộc huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) không khỏi làm du khách rùng mình.

Theo các nhà khảo cổ học, động táng là cách thức an táng người đã khuất bằng cách đưa quan tài vào các hang động trên núi cao thay vì chôn. Động táng đã phổ biến từ thời văn hóa Đông Sơn và là truyền thống an táng của nhiều tộc người ở khu vực Đông Nam Á.

Cho đến nay, hang Pó Cúng được xem là một trong những khu động táng lớn nhất tại Việt Nam. Nhờ sự dẫn đường của anh Do, một người dân địa phương, chúng tôi đã có cuộc hành trình khám phá “bảo tàng” quan tài của người xưa.

Nước sông Luồng mùa này khá cạn nên chúng tôi bắt đầu hành trình bằng việc lội qua dòng sông đục ngàu.
Hang Pó Cúng (vị trí đánh dấu đỏ), theo tiếng Thái có nghĩa là “vũng tôm” nằm chót vót trên dãy núi Pha Hang.
Đường từ chân núi lên hang khá hiểm trở, cheo leo.
Phải bám vào vách đá tai mèo dựng đứng lần lên từng bước một.
Có những đoạn đường mòn mất dấu giữa cấy cối rậm rạp.
Các nhà khảo cổ học đã sơn đỏ trên những phiến đá để đánh dấu đường đi.
Hang sâu khoảng 30m, cao hơn 10m, được chia làm ba ngăn, được thông gió qua hai cửa ra vào cao 5m nên luôn khô ráo. Sau khi được phát hiện, hang đã được đưa vào diện bảo vệ.
Hang động Pó Cúng có thể được xem là rộng lớn và quy mô nhất trong số những khu động táng đã được phát hiện ở nước ta.
Có những tấm gỗ ghé lên miệng hang. Từ đây có thể nhìn thấy dòng sông Luồng lững lờ trôi bên dưới và những đỉnh núi cao vời vợi.
Có đến gần trăm bộ quan tài cổ được đục từ nguyên thân gỗ lớn xếp đầy trong hang.
Các quan tài được xếp ở ba tầng hang động, có một số đã bị thời gian hủy hoại, nằm ngổn ngang, lộn xộn giữa hang đá.
Chúng được xếp đặt trên những giá gỗ chắc chắn. Nhiều quan tài không chứa xương, thậm chí chưa có dấu tích mai táng, phải chăng là dành sẵn cho những nhân vật khi qua đời?
Đầu mỗi quan tài đều có chốt giữ.
Nén hương được người đi trước thắp trong hang làm cho không khí thêm rùng rợn. Cho đến nay, vẫn còn nhiều bí ẩn như: bằng cách nào người xưa có thể đưa những quan tài vào các hang núi cao có độ dốc lớn như vậy? Những quan tài này là của tộc người nào?

Hoàng Giang