- Còn nhớ, những năm 90, trước khi Nhà nước có chính sách cấm triệt để trồng cây thuốc phiện, cây cần sa, vẫn có những thung lũng thuốc phiện ở Mường Lống (huyện Kỳ Sơn) hay Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An) nở suốt cả mùa. Cây thuốc phiện có thực sự đã 'biến mất', hay chỉ giấu mình rồi chờ cơ hội bùng phát ở mảnh đất biên giới heo hút?

Trung tuần tháng 7/2011, PV VietNamNet đã có nhiều ngày thâm nhập tại nhiều xã được coi là ‘thủ phủ’ ma tuý ở huyện Quế Phong (Nghệ An), nơi được coi là có nhiều quả thuốc phiện chờ ươm.

Lời đồn thổi thuốc phiện là ‘thần dược’

Cách trung tâm TP. Vinh gần 200km về phía Tây Bắc, huyện Quế Phong có trên 70% dân số là đồng bào dân tộc Thái và Mông. Trình độ dân trí thấp, nguồn thu nhập chính chủ yếu của đồn bào là trồng lúa, sắn, ngô... 

Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đang thực hiện chiếc dịch triệt phá những cánh đồng thuốc phiện - Ảnh tư liệu

 

Có rất nhiều bản làng người Mông trước đây từng được coi là “thủ phủ” của cây thuốc phiện như Tri Lễ, Nậm Giải… Như một phong trào, khi đó “nhà nhà trồng thuốc phiện, người người buôn bán thuốc phiện”. Trước khi có chính sách cấm triệt để của nhà nước, từ bao đời nay, người Mông chỉ biết trồng thuốc phiện, lấy đó làm cây chủ lực vì những lời đồn thổi cho rằng loại cây này là một loại ‘thần dược’.

Người Mông ở các xã biên giới thường đi vào trong các thung lũng, sườn núi cheo leo cách xa bản làng nơi có vùng đất mới để trồng cây anh túc. Đặc thù của loài cây chết người này chỉ sinh sôi nảy nở ở những vùng đất có khí hậu trong lành, mát mẻ. Và ở những nơi có mây mù bao phủ quanh năm, người ta ví anh túc như một ‘nàng tiên’ luôn ẩn mình giữa núi rừng.

Một bông hoa Anh Túc màu đỏ ở huyện miền núi Quế Phong.

 

Nhiều người Mông kể rằng, cây thuốc phiện là một loại ‘thần dược’ có thể chữa được nhiều bệnh. Nhất là khi hút vào làm cho người lâng lâng, có thêm nhiều sức khỏe. Trai bản trong những lần lên nương làm rẫy “ăn vào” có sức mạnh để băng rừng vượt suối, phát được nhiều nương rẫy, trồng được nhiều thóc lúa.

Nếu như người Thái chỉ chuyên trồng cây thuốc phiện ở ngay trong vườn, cạnh ngôi nhà sàn, thì người Mông lại chọn cách làm công phu để cho ra những quả anh túc to và nhiều nhựa.

Anh Và Chồng L. - một người Mông kể rằng, trước khi gieo trồng cây thuốc phiện thì phải chuẩn bị hàng tháng trời đi phát cây rừng đốt rẫy lấy mùn, tiếp đó đợi cỏ cây mọc lại và đi phát thêm một lần nữa mới cho gieo hạt.

Cách làm trên cho ra những cây anh túc có quả to nhựa nhiều hơn. Mỗi cây có thể cho ra được nhiều cành hoa và chất lượng nhựa đậm đặc hơn so với trồng trong vườn như người Thái.

Từ những câu chuyện hàng ngày mọi người rỉ tai nhau, đồn thổi cho rằng cây thuốc phiện là một loại 'thần dược' nên trong những năm gần đây, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện cũng xuất hiện nhiều hơn với số lượng ngày càng tăng lên.

Một bó trái thuốc phiện vừa mới được thu hoạch nhựa xong.

 

Riêng tại xã Tri Lễ có 8 bản và nhiều bản tại xã Tiền Phong đồng bào Mông hiện đang coi cây thuốc phiện như là một 'thần dược' chữa được bách bệnh và lén trồng xen kẽ các loài rau khác trong vườn và ở nhiều khe núi.

Cánh đồng anh túc giữa đại ngàn

Theo thống kê chưa đầy đủ, vào những năm 1985 – 1986, cả nước có khoảng 19.000ha trồng cây thuốc phiện. Trong đó, Nghệ An là 1 trong 6 tỉnh trồng cây thuốc phiện lớn nhất cả nước với hơn 3.300ha. Nhưng đến những năm 2005 – 2006, cả nước chỉ mới phát hiện được trên 30ha cây thuốc phiện có chủ và vô chủ.

Hạt giống cây thuốc phiện nhà nào cũng có để chuẩn bị cho một mùa vụ mới.

Một số cán bộ ở huyện Kỳ Sơn nhớ lại những ngày đầu tiên vận động bà con xoá bỏ cây thuốc phiện gặp rất nhiều khó khăn. Từ những năm 1995 bắt đầu thực hiện cuộc vận động trong bà con người Mông, Thái là không nên trồng cây thuốc phiện. Bởi, thuốc phiện là mầm mống gây hậu hoạ tệ nạn nghiện ngập ma tuý. Và phải mất nhiều năm liền bà con mới bỏ được thói quen trồng cây anh túc công khai trên diện tích rộng lớn.

Vận động thì như thế, nhưng ai cũng biết người dân miền núi không dễ dàng từ bỏ cây thuốc phiện.

Liên tiếp trong năm 2010, lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đã phát hiện và triệt phá hàng ngàn m2 cây thuốc phiện tại các xã vùng biên huyện Quế Phong và Kỳ Sơn.

Những bông hoa anh túc tuyệt đẹp nhưng đầy hậu họa..

 

Ngày 5/2/2010, Tổ tuần tra Đồn biên phòng 517 trong quá trình tuần tra đã phát hiện cánh đồng thuốc phiện 1.500.000m2 do người Mông tại xã Tri Lễ trồng xen kẽ với hoa màu.

Ngày 19/2, lực lượng bộ đội biên phòng ở Đồn 523 đã phối hợp với chính quyền xã Nhôn Mai tiến hành kiểm tra tuyến biên giới của xã và phát hiện một cánh đồng thuốc phiện lên đến 400m2.

Qua đấu tranh khai thác, lực lượng chức năng đã xác định được chủ nhân của 400m2 cây thuốc phiện là Moọng Văn Khoa (SN 1959), trú tại bản Thâm Thẩm, xã Nhôn Mai. Tổ tuần tra đã tiến hành lập biên bản, bắt buộc ông Khoa phải nhổ cây thuốc phiện, xử phạt hành chính. Đồng thời tiến hành kiểm điểm trước dân, trước sự chứng kiến của Đồn biên phòng và chính quyền địa phương.

Cùng ngày 19/2, Đồn biên phòng 527 đi tuần tra kiểm soát quá trình thu gom gỗ của Công ty TNHH Tân Long tại xã Mỹ Lý (gần cột mốc số 389, 390) đã phát hiện cánh đồng thuốc phiện 300m2. 

Một cán bộ phòng chống ma tuý thuộc lực lượng biên phòng Nghệ An thông tin, bà con dân tộc miền núi hiện nay chủ yếu trồng cây thuốc phiện xen kẽ với cây cải cúc để làm rau và làm thuốc. Do đó, nên rất khó phát hiện cây anh túc ngay từ đầu, phải nhìn thật kỹ mới thấy.

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2011 của huyện Quế Phong cho thấy, hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều tụ điểm ma tuý phức tạp, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện vẫn diễn ra.

Cơ quan chức năng phát hiện tại khu vực biên giới thuộc xã Tri Lễ có khoảng 2.800m2 diện tích hoa màu trồng xen kẽ với cây thuốc phiện.  

  • Quốc Huy – Lương Quế

 (Còn tiếp)