HTML clipboard - Vàng “tặc” ngày càng ngang nhiên hoạt động cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều cái chết được báo trước. Làm sao để chấm dứt được tình trạng này sẽ là một câu hỏi được nhắc đến nhiều nhưng với tình trạng hiện nay thì còn lâu mới trả lời được.

Những đường hầm tử thần


Trở lại khu vực núi Kẽm, để tránh sự truy quét của lực lượng chức năng, các vàng  “tặc” đã đi sâu vào trong lòng núi để khai thác quặng vàng.

Khu vực này hiện có gần 50 đường hầm, mỗi đường hầm có đường kính 1,2m, dài từ 200 – 500 mét tạo nên một mê cung trong lòng đất.

Đây là hệ thống đường hầm mà thực dân Pháp đã cho xây dựng để thực hiện việc khai thác vàng kéo dài từ năm 1898 – 1942. Mặc dù trữ lượng quặng vàng tại đây không còn nhiều nhưng do các đường hầm thông với nhau nên các vàng “tặc” đã sử dụng lại “căn cứ” này để khoét sâu vào lòng đất tìm quặng và nhất là tránh mặt lực lượng chức năng.

Đường hần tử thần của vàng "tặc".

Theo bảo vệ Võ Văn Hùng, mỗi khi có lực lượng chức năng tổ chức truy quét, các vàng “tặc” sẽ trốn sâu vào trong những đường hầm này và ra ở phía bên kia ngọn núi. Tuy nhiên, những đường hầm này thông với nhau, tạo thành một mê cung trong lòng đất mà không có bản đồ hướng dẫn, nếu bị lạc đường thì chỉ còn cách cầu trời cho gặp được... cơ quan chức năng.

Ngoài ra, lợi dụng những đường hầm ăn sâu vào núi này, vàng “tặc” sẽ thoải mái dùng máy khai thác quặng mà âm thanh không bị vang ra ngoài. Ngay khi được khai thác tại chỗ, quặng sẽ được nghiền nát và chảy theo đường ống dẫn nước xuống tại các thoòng chứa quặng. Tại mỗi cửa hầm, có 4 – 7 đường ống dẫn nước và một ống thải khí máy nổ giúp vàng “tặc” không bị ngạt, thiếu ôxy khi ở trong hang sâu.

Theo ông Bùi Quang Minh, việc tận dụng những đường hầm đã cũ để khai thác là rất nguy hiểm đến tính mạng. Bản thân những đường hầm này tồn tại đã hàng trăm năm, lâu nay không không được tu sửa, gia cố.

“Với cách thức khoét núi kiểu hàm ếch như hiện nay rất dễ bị sập, đặc biệt là khi gặp trời mưa, đất bị nhão”, ông Minh cho biết.

Cyanua đầu độc núi rừng

Tuy nhiên trên thực tế vẫn đang có hàng trăm vàng “tặc” quần quật ngày đêm trong những đường hầm tử thần, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng chức năng.

Cyanua đầu độc núi rừng

Không chịu nổi cái nóng như thiêu đốt trên núi Kẽm, một cán bộ trong đoàn định cúi xuống bể nước bên trong căn lều của vàng “tặc” để rửa mặt, giải tỏa cơn khát. Đang xắn tay áo chuẩn bị nhúng vào bể nước thì bất ngờ có một người lao đến, xô ngã cán bộ này đồng thời hét lên: Không được, đụng vào là chết liền đó! Chưa ai hiểu ra chuyện gì thì người này nói ngay: là cyanua đấy!

Cyanua là hóa chất cực độc dùng trong công nghệ khai thác quặng vàng ở giai đoạn ngâm chiết. Chỉ cần 0,15 – 0,2 gram cyanua qua đường miệng là đã đủ giết chết một người khỏe mạnh.

Quặng vàng sau khi được khai thác và xay nhuyễn sẽ được đưa vào bể ngâm chiết. Tại đây, hai hóa chất peroxit và cyanua sẽ được sử dụng để hòa tan vàng. Sau khoảng 8 giờ ngâm chiết, phần lớn vàng trong quặng được hòa tan trong dung dịch cyanua.

Nổi ám ảnh chất Cyanua

Tuy nhiên, do khai thác trái phép nên chất độc hại cyanua không được xử lí an toàn và được xả thẳng ra môi trường thông qua các con suối nhỏ.

Con đường dẫn lên các lán trại của vàng “tặc” là những khe đá lởm chởm. Tại những tảng đá chạy dọc khe suối, một màu xanh phủ lên, bốc mùi hắc, ngạt khi ngửi vào rất mệt mỏi, chóng mặt và buồn nôn.

Đây chính là những hóa chất mà vàng “tặc” sau khi hòa lẫn vào nước để chiết quặng đã xả thẳng ra môi trường.

Chủ tịch Bùi Quang Minh thẳng thắn thừa nhận: “Cyanua có đầy khắp nơi trong nhà dân dưới dạng viên nén giống viên long não. Cứ nhà nào khai thác quặng vàng là nhà đó có cyanua”! Một địa phương có gần 5.000 vàng “tặc” điều đó có nghĩa mỗi ngày có một số lượng lớn cyanua được xả thẳng ra môi trường.

Trong đợt truy quét vàng “tặc” diễn ra từ ngày 11 – 13/7 vừa qua, lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ tại đây 9 thùng hóa chất cyanua, trên 40 tấn quặng và hàng chục máy nổ, máy xay đá dùng để khai thác quặng. Phần lớn vàng “tặc” tại xã Tam Lãnh đều tổ chức ngâm chiết quặng tại nhà nên hóa chất cyanua pha trong nước nhanh chóng hòa tan vào con sông Bồng Miêu, gây ra những hậu quả khó lường.

Một điều đáng lo ngại hơn, hiện nay người dân tại đây không chỉ sử dụng cyanua vào mục đích khai thác quặng vàng nữa. Theo ông Bùi Quang Minh, giới săn cá chình sông rất khoái sử dụng cyanua để bắt loài cá tinh ranh, thịt ngon và rất hiếm này. Sau khi tìm được hang ổ của loài cá này, một thợ lặn sẽ thả vào đó một viên cyanua, loài cá này không chịu được đến nỗi nhảy thẳng lên bờ.

Trên thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển cyanua đem bán cho các địa điểm khai thác vàng, đặc biệt là khai thác vàng trái phép.

Khi mà số lượng vàng “tặc” còn tồn tại ngang nhiên và ngày một đông hơn thì sẽ còn rất nhiều những chất độc hại được xả ra môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống xung quanh.

Phan Nguyễn

Đột nhập lãnh địa vàng “tặc”
Khi giá vàng liên tục lên cao và cơ quan chức năng chưa mạnh tay can thiệp thì hoạt động của vàng tặc lại càng liều lĩnh, manh động hơn.