- “Nếu tui làm vì tiền thì nhà lầu từ lâu. Vì tiền thì các anh (liệt sỹ - PV) sẽ không chỉ chỗ cho tui tìm thấy mà rồi thì gia đình rối ren, thậm chí mạt hạn đến ba đời”, thương binh Mai Xuân Lụa, 33 năm tìm kiếm đồng chí, đồng đội nói như vậy.
33 năm tìm liệt sĩ
Ông Mai Xuân Lụa, 64 tuổi, thương binh 3/4, ở thôn Phú Ổ, xã Hương Chữ huyện Hương Trà (TT-Huế) kể rằng, trong các trận đánh Tết Mậu Thân 1968, xã Hương Thái (Hương Chữ) là một trong những nơi giao tranh khốc liệt nhất giữa ta và địch.
Là du kích dẫn đường đánh trận, ông chứng kiến nhiều đồng đội, đồng chí đã ngã xuống trong các hàng tre, gốc khế, bờ mương, trên rừng thiêng nước độc Hương Trà.
Đã có đến 120 liệt sĩ được ông tìm kiếm, cất bốc về nghĩa trang liệt sĩ, về với gia đình. Ảnh: Trường Hà |
Năm 1978, ông tình cờ 'bén duyên' với việc tìm hài cốt liệt sĩ. Số là vào năm 1968, nữ du kích Hà Thị Thí và là đầu bếp nấu ăn ở đơn vị của xã Hương Thái đi lấy rau rừng ở khu vực khe Rờn, đầu nguồn sông Bồ cải thiện bữa ăn cho bộ đội thì bị trúng đạn pháo của địch.
Nhiều lần gia đình tổ chức đi tìm kiếm, cất bốc bất thành. Biết chuyện, ông Lụa tức tốc cơm đùm gạo bới lên rừng Hương Trà cùng gia đình tìm kiếm. Lật tìm trong ký ức, ông xác định ngọn đồi nơi đồng đội chôn cất liệt sĩ Hà Thị Thí cạnh một khe suối nhỏ. Mất 3 ngày trời đào tìm, cuối cùng ông đưa nữ du kích Hà Thị Thí về với gia đình.
Từ bận ấy, ông tham gia vào đội tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ của xã Hương Chữ: “Họ hỏi tui còn nhớ được vị trí bộ đội hy sinh không. Tui nói nhớ nhiều lắm, rứa là “phong” cho tui chức đội trưởng đội tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ xã. Đồng đội, đồng chí mình cả mà. Tui vui vẻ nhận lời thôi”, ông Lụa kể.
Mới đây nhất, 17/7, ông tìm thấy một hầm chôn tập thể 9 hài cốt đồng đội - Ảnh: Trường Hà |
Mỗi khi nghe ngóng ở đâu phát hiện liệt sĩ là ông bỏ việc, bỏ cơm lên đường. Có dạo, dân khai hoang đất ở xóm Rậy (xã Hương Chữ) cày xới đất phát hiện hài cốt bộ đội. Nghe tin, ông mang cái cuốc, cái bay thợ hồ cưỡi chiếc xe máy cà tàng chạy giữa trưa nắng đổ lửa.
Cầm mảnh xương đầu, xương chậu, cây bút, dao cạo râu, lược chải đầu của đồng đội, người cựu chiến binh già đã bật khóc. 5 bộ hài cốt liệt sĩ đã được ông đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã.
Năm 1997, lật tìm trong ký ức, ông nhớ ra rằng dãy tre của bà Nguyễn Thị Tứ có nhiều hài cốt liệt sĩ đã nằm xuống trong các hầm công sự, trong đó, có cả Trung đoàn phó trung đoàn 9 Nguyễn Văn Miên.
“Lúc đó, tui dẫn đường cho anh Miên đi công tác thì bị địch oanh kích. Nhiều bộ đội đã nằm lại trong các hầm công sự dọc bờ tre”, ông Lụa hồi tưởng.
Nhiều lần, ông Lụa đến nhà bà Tứ thuyết phục xin được đào hàng tre để đưa các anh về nhưng bà đã không đồng ý. “Với lý do bà già rồi, có hàng tre sống bám cây măng, cây tre kiếm tiền ăn qua ngày”, ông Lụa thuật lại.
Tâm can day dứt nhưng ông đành phải thua lý. Đến khi mở rộng đường liên xã ở Hương Chữ - Hương An, ông Lụa đến xã xin lực lượng tìm kiếm thì một vị lãnh đạo xã không đồng ý, nghi ngờ ông Lụa nhớ nhầm.
Để chứng minh, ông tự tay tìm kiếm. Khi tìm thấy xương chậu của liệt sĩ Miên, ông cầm chạy một mạch đến UBND xã Hương Chữ “khoe” với Chủ tịch xã: “Tìm thấy anh Miên tui sướng hung, lòng tui nhẹ như tờ. Nhưng thiệt kỳ lạ là khi 4 thanh niên khiêng chiếc tiểu đựng hài cốt về mai táng thì mỗi bước đi như liêu xiêu, oằn nặng, chao đảo”.
Linh tính mách bảo rằng vẫn còn những đồng chí đang nằm lại nên người đi không dứt. Ông và người dân tiếp tục tìm kiếm suốt hai ngày trời và cất bốc được thêm 15 hài cốt liệt sĩ.
“Vì tiền mạt đến ba đời”
Cũng có khi, “mê” tìm liệt sĩ mà vô tình ông phạm pháp. Có lần, ông đào “chui” ở quốc lộ 1A để cất bốc hài cốt liệt sỹ. Đang lúi húi đào gần mép đường quốc lộ thì bị công an tuần tra cấm. Chờ khi công an rút, ông Lụa nhờ xe múc đang làm đường tàu cạnh đó đào.
Lúc này, chính quyền hoảng hồn, dọa bắt ông bỏ tù. Khi hài cốt liệt sĩ nằm giữa đường quốc lộ được cất bốc lên, cả huyện cả xã... chào thua ông.
Từng tháng, từng năm những ký ức vỡ vụn, có khi cụ thể đến từng chi tiết của một thời khốc liệt được ông lật mở. Các anh, từ trong hầm công sự về với đồng đội, về với gia đình. Năm 1967, 13 chiến sĩ trú ẩn trong hầm ở khu vực dốc cát núi Hòn Vượn (thượng nguồn sông Bồ) thì bị máy bay địch ném sập sập hầm hy sinh cũng đã được ông tìm thấy.
Mới đây, ngày 17/7, giữa khu dân cụm 6, thôn La Chữ Nam, xã Hương Chữ. Ông Lụa và đội quy tập hài cốt liệt sĩ đã đưa 9 liệt sĩ trong một hầm bị xe tăng địch càn qua, gây sập trong một trận chiến năm 1968 về nghĩa trang liệt sĩ.
Trước lúc lên đường tìm kiếm, cất bốc, ông Lụa thường thắp nhang xin liệt sĩ Trần Xuân Vỹ - Ảnh: Trường Hà |
Ba mươi ba năm, 120 liệt sĩ nằm lại trên đất Hương Chữ được ông tìm kiếm, cất bốc đưa về nghĩa trang liệt sĩ, đưa về với gia đình. Trong buổi chuyện, ông khoe mới lên phố mua sơn về sửa nhà: “Mặt trận huyện Hương Trà tài trợ cho 6 triệu để sửa chữa sơ sơ lại ngôi nhà. Để thân nhân các anh đến ở cho đàng hoàng”, ông kể.
Mua sơn 5 triệu, ông phải dùng số tiền chế độ thương binh hàng tháng của mình và vợ để bù thêm việc sửa sang lại ngôi nhà.
Thấy đồng nghiệp đi cùng tôi hôm ấy có vẻ ngạc nhiên, ông chặn lời: “Chú đừng tưởng tui làm “nghề” nghe. Ba mươi ba năm ni tui làm cái việc ni chưa một lần cầm tiền của ai. Vì tiền thì tui đã xây nhà lầu hai tầng rồi” - ông Lụa quả quyết.
Ông cho rằng người tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ mà đặt tiền lên bàn cân đo đong đếm không sớm thì muộn gia đình “mắc chứng” rối ren, thậm chí là trả giá đắt.
“Làm việc ni người có tâm mới gắn bó với các anh lâu được, chứ còn vì tiền thì mạt tận ba đời. Mà vì tiền thì chắc chi các anh cho tui nhìn thấy. Ở quê tui cũng đã có người trả giá vì điều đó”, ông Lụa nói thêm.
Nghĩ và làm, 33 năm nay, các đoàn tìm kiếm đến gia đình, vợ chồng ông lo chu tất cơm ăn, nước uống, dành cả chiếc xe cà tàng cho thân nhân đi lại: “Tui thường hay nói với bà con rằng vô đây có giường, không thì trải chiếu ra đất, có chi ăn nấy. Nhà tui làm gần mẫu ruộng thì cơm không thiếu”.
Có một điều khá kỳ lạ được ông tiết lộ khi thân nhân đến gia đình ông tìm liệt sĩ mà bày tiệc tùng, nhậu nhẹt thì chưa bao giờ tìm thấy. Ông nói rằng do anh Vỹ - người đồng chí ông lập miếu thờ trong nhà mình không ưng. Liệt sĩ Trần Xuân Vỹ nguyên là Chính trị viên đại đội, thuộc Trung đoàn 6, Bình Trị Thiên, hy sinh vào sáng 1 Tết năm 1968 khi đang kiểm tra một cơ sở của địch thì bị trúng đạn.
“Mùng 1 tết Mậu Thân 1968, tui dẫn đường về đánh ở khu vực chợ La Chữ. Đến sáng mùng 2 tết thì anh Vỹ hy sinh. Sau đó, đồng đội đưa về mai táng tại vườn nhà tui”.
Ngẫm lúc, ông tiếp lời: “Có lẽ anh là người đã giúp tui nhớ lại được nhiều nơi đồng đội đã ngã xuống, phù hộ cho công việc tìm kiếm của tui suôn sẻ”. Thế là thành lệ, mỗi lần lên đường tìm kiếm, cất bốc đồng đội ông thắp nén nhang cho liệt sĩ Vỹ và những lần đó đều có kết quả.
Trường Hà