– Có những người phụ nữ rơi vào nghịch cảnh: Lấy chồng, có bầu, có con rồi mới phát hiện ra chồng mình là … gay chính hiệu!

Một nghiên cứu về tình dục đồng giới nam tại Việt Nam mới được công bố hồi tháng 7/2011 của Trung tâm phòng chống STDs/HIV/AIDS (SHAPC) – một thành viên của mạng GENCOMNET (Mạng Giới và Phát triển cộng đồng, là một mạng lưới tự nguyện của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam, các nhà nghiên cứu, quản lý và hoạt động thực tiễn, hợp tác trên các lĩnh vực hoạt động vì bình đẳng và công bằng giới, góp phần xây dựng và thực hiện chính sách bình đẳng giới của Nhà nước) – đã mang đến khá nhiều thông tin thú vị về những người đồng tính nam ở Việt Nam.

Có nhiều người phụ nữ chia sẻ đã rất sốc, đau khổ vì phát hiện chồng mình là gay sau một thời gian dài chung sống.

Có con rồi mới thú nhận là gay

Nhiều người đàn ông đồng tính không dám tiết lộ về giới tính thật sự của mình. Họ vẫn lấy vợ, sinh con bình thường để làm "bình phong" che mắt mọi người. Việc này đẩy người phụ nữ vào thế khó (Ảnh minh họa: Internet)
 
Lấy chồng năm 25 tuổi, chị N.M.H. (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chào đón cậu con trai đầu lòng bụ bẫm, đáng yêu. Cuộc sống gia đình đang suôn sẻ thì đùng một cái, chị H. rơi vào bi kịch khi phát hiện chồng mình là gay.

Ngay cả khi con đã hơn 1 tuổi, nhu cầu tình dục của chồng chị H. (với chị) gần như không có, dù chị đã hồi phục như thời chưa sinh con.

Nhưng bù lại, chị phát hiện chồng toàn lén lút xem phim sex của dân đồng tính, thậm chí có lần anh còn “tự xử” ngay khi nằm cạnh vợ (dù vợ không có ý từ chối). Khi có ý 'cùng tham gia', chị H. bị chồng lạnh lùng đẩy ra.

Quan hệ vợ chồng của chị H. ngày càng trở nên lạnh nhạt, mâu thuẫn phát sinh ngày một nhiều. Cho đến một ngày, sau một trận cãi vã kịch liệt, cảm thấy cuộc sống đã bế tắc đỉnh điểm, chồng chị tự giác thú nhận với chị rằng anh là gay.

“Anh ấy phát hiện mình là gay từ năm 22 tuổi nhưng giấu tất cả mọi người vì sợ bị kỳ thị. Rồi anh ấy vẫn yêu và lấy vợ như thường vì muốn bố mẹ anh muốn có người nối dõi”, chị H. vừa khóc vừa kể.

Sở dĩ chồng chị H. thú nhận mình là gay, theo chị là để giải phóng cả hai khỏi tình trạng bức bách trong hôn nhân. Ít nhất anh cũng muốn mình được sống thật là mình với một người, đó là vợ mình.

Trong khi chị H. đựợc chồng tự giác thú nhận thì có không ít người phải mất công theo dõi mới biết chồng mình là gay.

Trường hợp của một người phụ nữ tên P.A., 36 tuổi tại Đống Đa, Hà Nội là một ví dụ. Thấy chồng lạnh nhạt chuyện chăn gối với mình, chị nghi chồng có bồ. Thấy chồng còn hay nhắn tin cho một ai đó vào lúc muộn, chị P.A. đợi cho chồng ngủ rồi kiểm tra điện thoại.

Mọi tin nhắn đã được xóa nhưng còn duy nhất 1 tin chưa kịp đọc (do gửi lúc chồng chị đã ngủ).

Chị đã mạnh dạn đọc trộm tin nhắn này và phát hiện những lời đầy nồng nàn, yêu thương. Nhưng lạ nhất là người gửi tin nhắn gọi chồng chị là “em”. Bị kích thích vì tò mò, chị liền gọi điện thử và đầu dây bên kia vang lên một giọng nam ngọt xớt: “Anh đây. Em yêu vẫn chưa ngủ à?”. “Kể từ lúc đó, tôi nhận ra chồng là gay”, chị nói.

Người đàn ông là gay thường không cố ý để lộ bí mật này. Và theo nghiên cứu, hầu hết họ đều bị phát hiện bởi những người thân thích trong gia đình trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Cứ gần vợ là “xìu”

Nghiên cứu của SHAPC cho thấy, rất nhiều người thanh niên là gay nhưng do sợ bị kì thị nên họ không dám thổ lộ điều gì (trừ những người là “bóng lộ”, không thể che giấu). Vì thế, họ chịu áp lực lớn từ gia đình trong việc lấy vợ sinh con, thậm chí, có không ít người còn lấy vợ và sinh con để làm “bình phong” an toàn, che giấu sự thật trước tất cả mọi người.

Dù vậy, họ vẫn không thể che giấu bản năng của mình. Một người đàn ông 34 tuổi, là gay, sống tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi phát hiện mình là gay năm 22 tuổi. Gia đình tôi cũng biết chuyện đó và họ bắt tôi lấy vợ. Khi lấy vợ, chúng tôi vẫn có thể quan hệ bình thường, rồi tôi có con. Nhưng vợ là người đàn bà đầu tiên và cuối cùng. Tôi quan hệ với vợ rất ít, chủ yếu tôi phải tìm người cùng giới bên ngoài để giải tỏa”.

Chuyện “phải lấy phụ nữ” trở thành bi kịch của những người đàn ông gay, bởi không phải lúc nào mọi chuyện cũng được suôn sẻ. Một nam đồng tính 30 tuổi tại Hà Nội cho các chuyên gia nghiên cứu biết, anh “không thể thay đổi được sở thích đồng tính'.

“Tôi đã vài lần “thử” nhưng không được. Bố tôi đã gần 80 tuổi và tôi cũng muốn lấy vợ cho bố yên tâm. Cuối cùng tôi cũng có bạn gái, nhưng một tháng sau cô ấy bỏ đi. Vì mỗi lần gần gũi bạn gái là hiện tượng “trên bảo dưới không nghe” lại xuất hiện. Tôi đau khổ lắm nhưng chẳng biết làm thế nào” - anh tâm sự.

Trăm mối tơ vò

Việc phát hiện chồng là gay trở thành nỗi ám ảnh của những người phụ nữ này. Phản ứng phổ biến của họ là muốn chia tay. Nhưng với những người mới cưới và chưa có con thì lựa chọn này trở nên dễ dàng. Còn với những người đang mang thai, hoặc đã có con, thì không ít người phải trăn trở, dằn vặt về cách giải quyết.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến xã hội còn kì thị người đồng tính (ở mức độ lớn) là vì họ chưa có đủ kiến thức hoặc tiếp cận với những kiến thức chưa chính xác về đồng tính nam. Hiện nay, quan niệm phổ biến về gay là bệnh hoạn, bất thường, vv… Bản thân người đồng tính cũng tự kì thị họ, tiếp đến là những người thân trong gia đình.

Vì thế, tình trạng hôn nhân của những người đồng tính hiện nay rất bấp bênh. Trong tổng số 200 người đồng tính tại Hà Nội, có tới 87% còn độc thân, 8% đang có và chung sống với vợ, 2% đã ly hôn, 2% đã kết hôn nhưng ly thân.

Tại TP HCM – địa phương có số lượng người đồng tính cao nhất nước – tỉ lệ người đồng tính còn độc thân (trong tổng số 300 người được hỏi) lên tới 94%, 3% trong số họ đã ly hôn, chỉ 4% là đang có vợ.

Người đồng tính khó tiếp cận các dịch vụ xã hội

Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng sự kì thị của gia đình và cộng đồng đối với người đồng tính nam đã làm cho cuộc sống của họ (đặc biệt là những người bóng lộ) gặp khó khăn về nhiều mặt, có thể gây ra những hệ quả xấu cho bản thân họ hoặc cho cả cộng đồng.

Nhiều người đồng tính nam đã phản ứng tiêu cực khi đối diện với sự kì thị của cộng đồng.

Họ có thể bỏ học, bỏ nhà đi, chuyển ra sống riêng, thậm chí tự tử. Nhiều người rời xa gia đình và không có việc làm ổn định, không được tham gia vào các họat động cộng đồng một cách công khai, đàng hoàng, thậm chí không dám đi khám chữa bệnh (với người bóng lộ).


N.Anh

(còn nữa)