Nhiều ca nặng, chi phí điều trị cao
Theo sự nghiên cứu và tổng hợp của Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, tính từ đầu năm
đến tháng 7/2011, có 13.330 ca đến khám mắc tay chân miệng. Trong số đó có 3.580
trường hợp nặng phải nhập viện và 17 ca tử vong.
Tuy nhiên, cùng thời điểm này của năm 2010, Bệnh
viện Nhi Đồng 2 chỉ có 9.998 ca tay chân miệng đến khám, 1.952 ca nhập viện và 4
ca tử vong.
Nhiều bệnh nhi tay chân miệng đang trong tình thế nguy kịch. Ảnh: Thanh Huyền. |
Các bác sĩ cho biết bệnh tay chân miệng do virus đường ruột (Enterovirus) gây ra. Trong đó thường gặp nhất là nhóm A 16 và E V 71. Nhóm E V 71 gây ra biến chứng nặng về thần kinh, hô hấp, tim mạch, dễ làm cho bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Chi phí trung
bình cho mỗi đợt nằm viện của một ca nhiễm tay chân miệng độ 2 trở lên tốn
khoảng 44 triệu đồng. Nếu bệnh nhân phải lọc máu thì chi phí hết khoảng 57 triệu
đồng.
Qua đó, Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhận định bệnh tay chân miệng đang diễn tiến rất
nhanh và phức tạp tạo thành dịch. Điều này đòi hỏi ngành y tế phải có nguồn nhân
lực, thuốc và phương tiện điều trị.
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong
việc điều trị bệnh tay chân miệng thì vai trò của hồi sức tim – não đặc biệt
quan trọng. Phương pháp lọc máu cũng đã bước đầu làm giảm tỷ lệ tử vong ở các
bệnh nhân nặng.
Ca bệnh sẽ còn tăng cao ở đỉnh dịch thứ 2
Tuy nhiên, Bệnh viện Nhi Đồng 2 dự đoán sự gia tăng của bệnh tay chân miệng không chỉ dừng lại ở đây mà sẽ còn cao hơn ở đỉnh dịch thứ 2. Do đó ngành y tế cần phải có sự điều chỉnh, phân công nhiệm vụ hợp lý, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến trước để tránh quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Theo nghiên cứu về kết quả xét nghiệm Enterovirus
trên bệnh nhân tay chân miệng khu vực phía Nam tính đến ngày 18/7 mà Viện
Pasteur TP.HCM công bố thì từ đầu năm đến nay, ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 có 35% số
bệnh nhân tay chân miệng do nhóm E V 71 và 44% do nhóm E V.
Các phụ huynh được tuyên truyền về cách nhận biết bệnh tay chân miệng và cách phòng ngừa cho trẻ. Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng 1. |
Tình hình phân bố số ca nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên. Kết quả xét nghiệm 9 ca tử vong do tay chân miệng ở TP.HCM có tới 5 ca là do nhóm E V 71. Tính đến nay, toàn miền Nam có 24 ca tay chân miệng tử vong (66% do E V 71, 17% do E V).
Tại một số tỉnh, thành lân cận khác diễn biến của dịch tay chân miệng cũng vô cùng phức tạp. Chẳng hạn như tỉnh Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm có 1.022 trường hợp nhiễm tay chân miệng. 82% trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1 đến 3. Như vậy, lượng bệnh tay chân miệng của tỉnh này đã tăng đến 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2010.
Trước tình hình như trên, ngành y tế TP.HCM đã vô
cùng ráo riết, tích cực để tuyên truyền, phòng, chống bệnh tay chân miệng cho
người dân.
Vào đầu tháng 7, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tổ chức một buổi sinh hoạt chuyên đề
Tay chân miệng cho cộng đồng. Buổi sinh hoạt này thu hút sự có mặt của 300 phụ
huynh và các cô giáo trường mầm non tham dự.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM thì cách phòng ngừa tay chân miệng hữu hiệu nhất vẫn là vệ sinh sạch sẽ, phụ huynh thường xuyên rửa tay cho bé. Nếu cha mẹ thấy trẻ có biểu hiện nổi bóng nước ở tay, chân và miệng, sốt cao thì cần đưa đến cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời.
- Thanh Huyền