Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an đã đưa ra những nhận định trên tại 'Hội thảo về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại', tổ chức tại TP.HCM, sáng 1/8.
Cửa hải quan bị… “thủng”
“Chúng ta đang biến thành 'bãi rác' của các nước phát triển. Không những rác, chất thải nguy hại mà cả chất phóng xạ cũng lọt vào Việt Nam”, thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý cảnh báo về tình trạng nhập rác thải từ các nước về Việt Nam.
Thiếu tướng Lý dẫn chứng: “Như năm 2008, có rất nhiều chất thải rất độc có xuất xứ từ Hàn Quốc được nhập về cảng Hải Phòng. Những chất này người ở nước ngoài người ta phải bỏ ra số tiền tương đương 300 tỉ đồng Việt Nam để xử lý nhưng chúng ta lại bỏ tiền ra để mua về …”.
Tình trạng nhập các thiết bị điện tử nguy hại, nhập bình ắc quy cũ từ các nước về Việt Nam để lấy chì còn các chất độc hải như axít, thuỷ ngân thì đổ tràn lan ra môi trường cũng được thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý cảnh báo.
Bình ắc quy cũ thuộc nhóm chất thải nguy hại được nhập về Việt Nam rất nhiều (Ảnh: Trung Thanh) |
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý cho rằng, để xảy ra tình trạng trên là do cửa hải quan đã bị “thủng” rất nhiều.
“Người dân ai cũng biết, chỉ có “quan” mới nhập được chất thải về Việt Nam”, ông Lý nói.
Vụ nào cũng có người can thiệp
Theo thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, hành vi gây ô nhiễm môi trường đang diễn ra phổ biến, phức tạp và nghiêm trọng.
“Tôi nói phức tạp vì có nhiều vụ khi chúng tôi đang làm thì có rất nhiều cuộc điện thoại của các cán bộ địa phương gọi đến can thiệp. Ví dụ như khi chúng tôi làm về vấn đề ô nhiễm ở các bệnh viện ở Hà Nội thì có người nói với tôi: “thế anh đánh vợ anh à?”, vì vợ tôi là Phó giám đốc bệnh viện…”.
Kiểm tra một bãi chứa chất thải trái phép tại Đồng Nai nghi có liên quan đến một DN xử lý chất thải nguy hại - (Ảnh: Trung Thanh) |
Về tình trạng vi phạm của các đơn vị trong lĩnh vực chất thải nguy hại, thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý cho biết, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thiếu năng lực (thiếu chuyên môn, thiết bị lạc hậu)… nhưng vẫn được cấp phép hoạt động. Điều này dẫn đến tình trạng chôn lén chất thải, bán giấy phép tràn lan…
“Đối với tội phạm về hình sự, nếu hung thủ giết chết một người chúng ta có thể tử hình ngay, nhưng tội phạm về môi trường giết chết của bao thế hệ nhưng chẳng sao cả, chỉ bị bị phạt vài trăm triệu đồng”, thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý lý giải tình trạng doanh nghiệp chỉ xem thường pháp luật.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, cho biết, trong năm 2011, C49 sẽ tổ chức đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp trong lĩnh vực chất thải nguy hại trên cả nước để tìm ra các giải pháp bảo vệ môi trường tích cực hơn.
Trung Thanh