- 'Nếu thừa nhận toàn bộ diện tích chiếm đất như hiện nay, coi đó là việc của quá khứ thì nó sẽ làm biến dạng và không còn là hành lang xanh, vành đai xanh nữa. Lúc đó quy hoạch cũng mãi chỉ là mong ước thôi. Đã chữa bệnh thì phải uống thuốc đắng, đã phải mổ, phải xẻ thì phải đau…'.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 vừa được phê duyệt. PGS.TS.KTS. Trần Trọng Hanh – Người trong ban xây dựng quy hoạch chung Hà Nội năm 1998, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội đã có cuộc trao đổi với VietNamNet xung quanh những 'băn khoăn' của người dân về 'hàng lang xanh, vài đai xanh', 'số phận' các dự án 'quá khứ' đang chiếm đất hành làng xanh...

PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh đã đưa ra một số ý kiến với tư cách là một nhà khoa học.  

Là một nhà chuyên môn nhiều năm trong lĩnh vực này, theo kiến trúc sư Trần Trọng Hanh, nếu quyết định chọn mục tiêu “phát triển bền vững” làm chiến lược cho các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh thì cần cân nhắc thêm nhiều đối sách.  

Hệ thống không gian xanh: vẫn chưa đủ!

- Thưa KTS Trần Trọng Hanh, trong Quy hoạch xây dựng chung Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050, một nội dung quan trọng của đồ án này là 'không gian xanh'. Ông có nhận xét gì về nội dung đó trong quy hoạch lần này?

Trong Quyết định phê duyệt quy hoạch chung lần này, không gian xanh không được chỉnh sửa nhiều so với các ý kiến đã phản biện. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của Thành phố).

Đó là một con số rất tuyệt vời để đảm bảo sự phát triển bền vững của một đô thị cực lớn như Hà Nội.

QHC xây dựng Hà Nội tầm nhìn đến năm 2050. - Ảnh VietNamNet

Tuy nhiên, theo bản quy hoạch này, định hướng không gian xanh của Thành phố bao gồm hành lang xanh và vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh và các công viên đô thị, trong đó hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp…; vành đai xanh dọc sông Nhuệ như thế vẫn là chưa đúng và chưa đủ.

Ở đây, vẫn thiếu chính xác về khái niệm giữa hành lang xanh và vành đai xanh.

Thủ đô Hà Nội là một vùng đô thị cực lớn nên việc xây dựng không gian xanh phải gồm bốn loại: cây xanh sử dụng chung có ý nghĩa trong thành phố gồm công viên, vườn hoa và bunlơva (đường cây); cây xanh của khu phố: công viên khu và vườn của khu phố, vườn hoa bulơva; cây xanh có ý nghĩa chuyên dụng: cây xanh khu công nghiệp; cây xanh bảo vệ trong thành phố, vườn cây ăn quả, cây xanh bảo vệ các khu sinh thái; cây xanh ngoài khu dân cư: công viên rừng, vườn ươm, cây xanh khu nghỉ, các dải cây,vành đai xanh bảo vệ ngoài thành phố… tạo nên bộ khung bảo vệ thiên nhiên cho Thành phố.

Ngoài ra, cấu trúc của một đô thị cực lớn phải gồm: Vùng trung tâm, vùng dự trữ phát triển xung quanh và vùng vành đai xanh, chủ yếu là những công viên rừng, những đất nông nghiệp ngoại thành. Khu vực bên ngoài bố trí các điểm dân cư, gồm các điểm dân cư đã có và các điểm dân cư sẽ hình thành.

Chính vì thế, “không gian xanh” trong hệ thống này còn thiếu quá nhiều các nhóm xanh để tạo nên một đô thị xanh như trên lý thuyết.

- Như thế phải xác định quy mô, độ lớn để xếp Hà Nội vào nhóm đô thị cực lớn của thế giới, từ đó mới có thể áp dụng nguyên lý “không gian xanh” như trên lý thuyết?

Về quy mô, số dân của Hà Nội hiện tại khoảng 6,5 triệu người, trong đó khu vực nội đô khoảng 2,3 triệu người. Như thế Hà Nội đã là một chùm đô thị cực lớn.

Cấu trúc của vùng đô thị cực lớn như Hà Nội bao gồm: Nội thị, vùng ngoại ô, vùng ưu tiên phát triển. Năm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn được gọi là đô thị vệ tinh là không phù hợp. Khái niệm “đô thị vệ tinh” là đô thị có trên 60% người dân lao động (của đô thị đó) vào đô thị trung tâm làm việc hàng ngày, sáng đi chiều về theo “giao thông con lắc”; còn đối với đô thị có trên 60% lao động làm việc tại chỗ thì đó là đô thị độc lập.

Ở đây, các đô thị “vệ tinh” xung quanh Hà Nội, xét về quy mô dân số và cơ sở kinh tế sẽ là đô thị độc lập loại 1 và loại 2 cả rồi.

Ngoài ra cũng xin lưu ý thêm phần phê duyệt phần định hướng hạ tầng kỹ thuật còn rất chung chung. Công tác chuẩn bị kỹ thuật đất đai đã được hiểu không đúng và không đầy đủ theo quan điểm chuyên môn.

Theo ông Hanh, "Không gian xanh: chưa
đủ!". - Ảnh: Kiên Trung

- Trong thời gian gần bốn năm, từ 2008 đến nay, rất nhiều dự án đã được “cấp chồng” trên diện tích đất dùng để làm vành đai xanh và hành lang xanh. Như thế, có thể xây dựng được một không gian xanh như mong muốn trên lý thuyết hay không?
 

Đây là một việc khó nếu không có sự quyết tâm của Chính phủ cũng như UBND T.P Hà Nội. Nếu không kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng các dự án trong khu vực vành đai xanh để cho các dự án phình ra thì khó có thể giữ được 70% diện tích xanh.

Hiện tại, khu vực hành lang xanh, vành đai xanh đã bị băm nát bởi dự án, nếu muốn xây dựng được không gian xanh như bản Quy hoạch chung thì cứ “án tại hồ sơ” thôi. Quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ đã ký là văn bản pháp lý cao nhất rồi, nên Bộ xây dựng và UBND thành phố Hà Nội phải thực hiện nghiêm chỉnh.

- UBND TP Hà Nội đang rà soát lại hàng trăm dự án. Tuy nhiên, đối với các dự án được phê duyệt theo đúng trình tự, thủ tục, đúng pháp luật sẽ rất khó để giải quyết theo hướng nào: Nếu giữ lại thì không có không gian xanh; nếu muốn có không gian xanh thì phải “bóc” dự án đi?

Hàng loạt các dự án được phê duyệt trong thời gian qua trước khi duyệt quy hoạch, bây giờ không nên truy tìm lại điểm đầu, điểm gốc của nó nữa, bởi vì thời kỳ đó do nhu cầu phát triển kinh tế là mục tiêu và khi đó chưa có quy hoạch hành lang xanh, vành đai xanh…

Ý nghĩa về kinh tế của các dự án là cần thiết, nhưng không chỉ thỏa mãn nhu cầu phát triển hôm nay mà làm tổn hại đến tương lai của con cháu sau này; không được 'vay mượn' của các thế hệ sau.

Không gian quy hoạch kiến trúc đô thị vệ tinh Sơn Tây. - Ảnh: VietNamNet.
 

Đối với những dự án được duyệt mà nằm trong hành lang xanh, vành đai xanh theo quy hoạch do Thủ tướng ký phải được thực hiện theo đúng quy định. Quyết định của Thủ tướng là pháp lệnh cao nhất. Đã phê duyệt quy hoạch hành lang xanh sông Nhuệ thì sau này sẽ phải lập quy hoạch phân khu hành lang xanh này và phải đảm bảo những chỉ tiêu, quy phạm rất chặt chẽ đối với hành lang xanh, vành đai xanh.

Nếu thừa nhận toàn bộ diện tích chiếm đất như hiện nay, coi đó là việc của quá khứ thì nó sẽ làm biến dạng và không còn là hành lang xanh, vành đai xanh nữa. Lúc đó quy hoạch cũng mãi chỉ là mong ước thôi. Đã chữa bệnh thì phải uống thuốc đắng, đã phải mổ, phải xẻ thì phải đau…

Biện pháp thực hiện có thể mềm dẻo, nhưng đã “xanh” thì phải là “xanh”, đó là mục tiêu không nên thay đổi!

- Như thế, trong vòng 50 năm nữa, quy hoạch này sẽ “đóng khung” cho một đô thị xanh như bản quy hoạch?

Đến nay, Hà Nội đã điều chỉnh quy hoạch lần thứ 7, cho nên không thể nói nó sẽ là mãi mãi hay có điều chỉnh nữa.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo các nguyên tắc chung là khoa học và thực tiễn, vừa làm vừa tổ chức thực hiện, vừa rà soát điều chỉnh.

Nhưng phải lưu ý đô thị giống như một cơ thể sống, các khu chức năng như các bộ phận cấu thành cơ thể con người, có quan hệ khăng khít hữu cơ với nhau, nên đừng có điều chỉnh theo kiểu 'gọt chân cho vừa giày', sẽ làm hỏng, méo mó biến dạng về cấu trúc của đô thị; mà trong quy hoạch đô thị thì cấu trúc là quan trọng nhất.

Không thể lắp lẫn bộ phận này sang bộ phận khác được, như thế thì rất là nguy hiểm.

Giá đất cao làm gia tăng cơ học dân số!

- Tại khu vực phía Tây thành phố, thời gian qua không chỉ trong nội thị mà cả ngoại vi đều ồ ạt các dự án và chủ đầu tư đổ xô đến đầu tư. Với hiện trạng trên thì rõ ràng khu vực này sẽ bị mất xanh nhiều nhất?

Đây là điều rất quan ngại. Khu vực phía Tây từ sông Nhuệ trở ra là khu vực đất rất thấp, đất nông nghiệp rất màu mỡ. Các huyện Đan Phượng, Thạch Thất, Hoài Đức là những khu vực đất đai đã bị thu hồi nhiều để bàn giao các dự án…

KTS Trần Trọng Hanh: "Trong quy hoạch đô thị, cấu trúc đô thị là quan trọng nhất!" - Ảnh: Kiên Trung
 

Năm 1998, Quyết định Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã chủ trương khống chế dưới 0,8 triệu dân đối với các quận nội thành cũ, nhưng sau hơn 10 năm thực hiện bây giờ đã tăng lên 1,2 triệu dân.

Do giá đất quá cao, khi người dân mua được đất phải sự dụng tối đa mật độ xây dựng, chiều cao công trình và hệ số sử dụng từ đó dẫn đến một loạt hệ lụy: ách tắc giao thông, thiếu nước, thiếu điện, thiếu các công trình công cộng nhà trẻ, trường học, bệnh viện, cây xanh…

Đối với việc xây dựng lại các khu hiện có thành các khu đô thị mới, bao giờ chủ đầu tư cũng muốn nâng tỷ lệ dành cho các thương phẩm. Cho nên, nếu không có chính sách phát triển song song cải tạo cả cũ và mới thì sẽ rất khó đảm bảo sự phát triển bền vững. 

Trong nội dung điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2020, khi đó tôi được tham gia xây dựng điều chỉnh quy hoạch này, đã chủ trương khống chế phát triển ở khu vực phía Tây Hà Nội, ngoại trừ chuỗi đô thị Sơn Tây- Hoà Lạc - Xuân Mai, mà xây dựng “một Hà Nội mới” chủ yếu phát triển ở phía Bắc Sông hồng khoảng 12.000ha vì ở đây cao độ nền rất cao, > = +7m.

Còn phía Nam thì chỉ dừng lại ở sông Nhuệ, vì toàn bộ vùng nội đồng này nằm ở ba lưu vực sông: sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, càng vào nội đồng càng thấp, càng dễ úng lụt và mất đất nông nghiệp.

Thời kỳ đó, chọn mãi mới được hai điểm mu rùa cao nhất là An Khánh và Sài Sơn, nhưng cũng chỉ phát triển hạn chế.

- Còn về quan điểm xây dựng đô thị theo hướng phát triển bền vững, ý kiến của ông là gì?

Chính phủ đã khống chế quy mô dân số Thủ đô dưới 10 triệu dân, kể cả tầm nhìn 2050 cũng không quá 10 triệu, như thế là rất tốt! Tuy nhiên, với việc phát triển ồ ạt như thế này thì dân số nhập cư, gia tăng cơ học sẽ rất lớn, không biết có thể khống chế được không?

Đặc biệt đối với vùng nội thành, nếu không có quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị thật tốt, không có biện pháp giải tỏa khu vực nội thành, di chuyển dân ra khu vực khác thì không thể đảm bảo được mục tiêu giải toả đã đề ra, vì những người mua được đất các khu bệnh viện, trường đại học, công sở bị giải toả sẽ xây dựng một loạt chung cư, cao ốc…

Kiên Trung

Kẻ khóc người cười sau Quy hoạch Hà Nội
“Cả nhà tôi đều quan tâm đến bản quy hoạch này vì tôi biết rằng, khu vực nhà mình rất dễ 'dính'. May quá, thấy phần đất nhà mình lại được tô màu xanh, trồng cây xanh thế này thì giờ cả nhà chuẩn bị về ăn mừng”.
 
Người dân nóng lòng xem quy hoạch Hà Nội
Buổi triển lãm Quy hoạch xây dựng chung Thủ đô Hà Nội 2030 tầm nhìn 2050 tại Cung Quy hoạch mở cửa từ ngày 1/8, thu hút được rất nhiều người dân đến xem. Ai cũng muốn biết, nhà mình có nằm trong quy hoạch hay không?
 
Dự án nào bị khai tử sau quy hoạch HN?
Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội 2030 tầm nhìn 2050 được công bố, cú sốc nhất đối với giới đầu tư bất động sản đó là tin: các dự án nằm trong không gian xanh của Hà Nội có nguy cơ bị khai tử?