HTML clipboard
Một cán bộ trong ngành GTVT không phủ nhận thực trạng tồn tại tiêu cực trong quá trình đăng kiểm. Và đấy là một trong nhiều lý do khiến các con tàu hoạt động nghỉ đêm ở Vịnh Hạ Long dù không đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật nhưng vẫn hoạt động.

Mất bò mới lo làm chuồng

Theo thống kê từ Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, trên khu vực vịnh Hạ Long có đến 485 tàu hoạt động. Trong đó, có tới 151 tàu nghỉ qua đêm.

Sau vụ tai nạn thương tâm vào tháng 2/2011 làm 12 người thiệt mạng, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu tiến hành siết chặt công tác quản lý loại hình tàu du lịch này; yêu cầu về hệ số an toàn của tàu nghỉ qua đêm cũng khắt khe hơn trước rất nhiều.

Sau đợt tổng kiểm tra, chỉ có 87/151 tàu nghỉ qua đêm tại vịnh Hạ Long tiếp tục được hoạt động, số còn lại phải đưa lên bờ để nâng cấp, cải hoán lại. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, chỉ có hơn nửa số tàu nghỉ đêm trên Vịnh là đạt tiêu chuẩn về an toàn và kỹ thuật và được phép hoạt động.

Thiết kế sang trọng của một tàu nghỉ đêm. Theo ý kiến một số kỹ sư thì hầu hết các tàu du lịch đều không đảm bảo so với thiết kế ban đầu, ảnh hưởng đến tính chống lật của tàu.

Theo ông Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh – ông Mạc Quang Giểng: sau khi vụ chìm tàu Trường Hải 06 xảy ra, tỉnh đã tiến hành 4 đợt kiểm tra, thành lập Hội đồng thẩm định…để tổng kiểm tra lại các các con tàu đang hoạt động trên Vịnh.

Sở GTVT được giao là đơn vị chủ trì. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành QĐ 716/2001/QĐ - UBND tỉnh về việc quản lý hoạt động tàu vận chuyển hành khách tham quan du lịch và tàu lưu trú khách du lịch trên vịnh Hạ Long.

Theo đó, yêu cầu về hệ số an toàn đối với tàu lưu trú qua đêm được nâng lên (hệ số K tối thiểu phải bằng 2). Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không xảy ra vụ đắm tàu thương tâm hồi tháng 2, thì toàn bộ 151 tàu nghỉ đêm vẫn hoạt động bình thường trên vịnh. Và, nguy cơ xảy ra tai nạn chìm tàu là điều hiển nhiên.

Có người đưa ra giả thuyết, nếu như tỉnh Quảng Ninh sớm siết chặt hơn trong công tác quản lý, kiểm tra chất lượng tàu nghỉ đêm trên vịnh thì sẽ không xảy ra vụ tai nạn thương tâm trên.

“Mất bò, mới lo làm chuồng. Nếu như ngay từ khi loại hình du lịch này mới xuất hiện, phía tỉnh có những yêu cầu khắt khe về hệ số an toàn, tiến hành thanh, kiểm tra đồng loạt thì sẽ không xảy ra những vụ tai nạn như thế” – kỹ sư Hà Thế Tiến cho hay.

Được “bôi trơn”, tàu không đủ chuẩn vẫn hoạt động?

Theo một số chuyên gia, kỹ sư trong ngành hàng hải, con số 87 tàu “thoát nạn”, đuợc phép tiếp tục hoạt động trên vịnh sau những đợt kiểm tra rầm rộ vừa qua chưa chắc đã đạt đúng yêu cầu về kỹ thuật cũng như hệ số an toàn. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ về kết quả của đoàn kiểm tra do Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đứng ra chủ trì.

Điều khiến nhiều người nghi ngờ về kết luận của các đợt kiểm tra này chính là ở chỗ: Sở GTVT là đơn vị cấp giấy đăng ký phương tiện, là cơ quan cấp giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật và đảm bảo môi trường (đơn vị đăng kiểm) lại vừa là cơ quan đứng ra chủ trì các đợt thanh, kiểm tra. Điều đó, khác nào 'vừa đá bóng, vừa thổi còi'.

Ông Mạc Đăng Giểng - Phó GĐ Sở GTVT Quảng Ninh

Rất nhiều ý kiến cho rằng, để khách quan cần thành lập ra một bộ phận chuyên môn độc lập do UBND tỉnh chỉ đạo để tiến hành kiểm tra, rà soát lại từ khâu thiết kế đến khâu đăng kiểm. Ngoài ra, phối hợp với Bộ GTVT tiến hành kiểm tra về hệ số an toàn, chất lượng kỹ thuật của tàu nghỉ đêm.

Việc thành lập ra một đơn vị tiến hành kiểm tra độc lập, kết hợp với các chuyên viên, cán bộ kỹ thuật từ Bộ GTVT sẽ cho một kết luận khách quan hơn rất nhiều. Bởi, nhiều người nghi ngờ về độ trung thực của đơn vị đăng kiểm do Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh quản lý.

Một cán bộ trong ngành GTVT ở Quảng Ninh (xin được giấu tên) còn cho hay: Đôi khi, trong quá trình đăng kiểm, có thể tàu chưa đạt được hệ số an toàn tuyệt đối theo thiết kế ban đầu.

Tuy nhiên, vì một số lý do tế nhị, cơ quan đăng kiểm vẫn cấp giấy chứng nhận tàu đảm bảo về chất lượng kỹ thuật.

“Có thể theo quy định, các thông số của tàu phải đạt đến tiêu chuẩn A mới được cấp giấy chứng nhận. Thế nhưng, một số tàu mới đạt chất lượng A-, nhưng vẫn được cơ quan đăng kiểm vẫn cấp giấy chứng nhận” - một cán bộ trong ngành GTVT Quảng Ninh cho hay.

Vị cán bộ này cũng không phủ định một số tiêu cực xảy ra ở cơ quan đăng kiểm trong quá trình kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận kỹ thuật tàu nghỉ qua đêm. Theo kỹ sư Hà Thế Tiến, 2 tiêu chuẩn cơ bản của 1 con tàu là phải đảm bảo tính chống lật và tính chống chìm.

Hầu hết các tàu du lịch có kết cấu bằng gỗ hiện nay, các vách không kín nước, nhiều tàu còn mở thông khoang. Vì vậy, nước chỉ cần vào một khoang sẽ tràn sang các khoang khác. Đây chính là lý do khiến tàu Trường Hải 06 bị chìm. Cũng theo kỹ sư Tiến, có sự vênh giữa hồ sơ thiết kế và con tàu thực tế.

Chẳng hạn như đối với tàu nghỉ qua đêm, phía chủ tàu đã gia cường khung các tầng bằng thép hình, ốp lát các phòng bằng vật liệu có khối lượng lớn như đá xẻ, kim loại, đồ gỗ, các thiết bị nội thất…Các khối lượng tăng thêm này làm giảm hệ số an toàn ổn định, làm thay đổi tính chống lật thực tế của tàu so với thiết kế ban đầu.


Hoàng Sang

Những 'lỗ hổng' đáng sợ trên các tàu du lịch
Liên tiếp những vụ chìm tàu xảy ra trong thời gian gần đây khiến hàng chục người phải bỏ mạng. Nhiều người tỏ ra quan ngại về chất lượng của các con tàu hoạt động trong lĩnh vực du lịch.