Nhân dân làng Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn lưu truyền một câu chuyện đẹp giữa hai vị quan địa phương. Để trả ơn cứu mạng, Đô đốc Nguyễn Công Triều đã dựng ngôi nhà chỉ trong một đêm tặng cho bậc thân sinh ra bạn của mình. Đặc biệt là, trải qua hơn 300 năm, ngôi nhà hiện vẫn còn nguyên vẹn.
 

Ra đời bởi một câu chuyện đẹp


Câu chuyện về ngôi nhà "một đêm" hoàn toàn không được ghi chép trong chính sử nhưng đã nhiều đời nay, người dân làng Sơn Đồng vẫn truyền miệng cho nhau nghe. Ông Nguyễn Viết Vàng - hậu duệ của Thượng thư Nguyễn Viết Thứ (1644-1692) cho biết, câu chuyện về ngôi nhà chỉ được ghi lại trong gia phả của dòng họ.

Theo các tài liệu ở địa phương, Đô đốc Nguyễn Công Triều (1614 - 1690) vốn là con một gia đình nông dân nghèo, sau khi cha mẹ qua đời, ông phải nương nhờ chùa Đại Bi. Năm 18 tuổi, Nguyễn Công Triều ra kinh đô Thăng Long, làm lính dạy voi, rồi làm hoạn quan.

Ngôi nhà cổ với lời đồn đại được xây trong một đêm. Ảnh: P.V

Từ một người lính huấn luyện voi chiến, có tài dùng tượng binh, ông trở thành một vị tướng lập được nhiều công trong việc đánh giặc ở phương Bắc, dẹp các cuộc nổi loạn ở Tuyên Quang, được cử giữ chức Đô đốc, Thiếu bảo, tước Kiên quận công.

Năm 1675, dưới đời vua Lê Hy Tông (Thế kỷ 17), Đô đốc Nguyễn Công Triều mượn voi của triều đình để kéo nguyên vật liệu, phục vụ việc xây dựng đình chùa, miếu mạo, đường sá cho dân chúng làng Đông Lao, phủ Hoài Đức (nay là thôn Đông Lao, xã Đông Lao, huyện Hoài Đức) nhưng không may có một chú voi kiệt sức mà chết.

Theo luật thời ấy, người làm chết voi buộc phải đền một con voi đúc bằng bạc nặng đúng bằng trọng lượng con voi thật hoặc là phải chịu xử trảm. Tuy nhiên, vốn là quan thanh liêm, Đô đốc Nguyễn Công Triều dồn hết sản nghiệp cũng chỉ đổ được có 4 cái chân voi bằng bạc, án tử hình coi như đã tuyên.

Người được giao xét xử vụ án là Tham tụng Hình bộ Thượng thư Nguyễn Viết Thứ, cũng là người bạn ở làng kế bên. Thượng thư đau lòng nên tìm mọi cách để cứu Đô đốc.

Thượng thư vốn hay chơi cờ với vua và thường thắng vua nhiều hơn. Thế nhưng, trong một lần chơi cờ cùng vua, ông cố tình để thua 3 ván liền. Nhà vua lấy làm lạ nên thắc mắc. Thế là Thượng thư kể một câu chuyện với nhà vua: Ông đang buồn bởi ở quê nhà có một anh tá điền nghèo phải đi cày thuê.

Không may, con trâu bị ốm rồi lăn quay ra chết. Vậy là người chủ bắt anh tá điền phải đền trâu. Vua nghe vậy liền cho rằng, con trâu chết là tại trời, chứ có phải do anh tá điền muốn nó chết đâu. Anh nhà nghèo chả có tội nợ gì hết. Sau khi nghe vua nói vậy, Thượng thư mới tấu trình vụ án phải đền voi bạc của Đô đốc Nguyễn Công Triều. Vua suy tính một hồi, khen ngợi tài trí của Thượng thư và đồng ý xóa tội cho Đô đốc Nguyễn Công Triều.

Ơn cứu mạng khiến Đô đốc Nguyễn Công Triều luôn nghĩ đến việc đáp đền nhưng hễ Đô đốc nhắc đến việc này là Thượng thư tìm cách chối từ. Trong khi đó, Thượng thư cũng là quan liêm khiết nên nhà rất nghèo. Cha mẹ ông vẫn phải sống trong một ngôi nhà dột nát.

Đô đốc Nguyễn Công Triều xin được dựng một ngôi nhà khang trang ở Sơn Đồng để đền đáp. Không muốn nhận quà nhưng cách nói của Đô đốc khiến Thượng thư khó từ chối nên ông đành đưa ra thách đố: Sẽ nhận nếu ngôi nhà làm xong chỉ trong một đêm. Quan Thượng thư chắc mẩm bạn mình không thể làm được như thế vì xưa nay chưa có ai có khả năng dựng nhà trong một đêm.

Không ngờ, Đô đốc Nguyễn Công Triều vốn đang dựng một ngôi nhà gần xong với ý định làm nơi thờ tự. Vậy là ông cho dỡ ngay ngôi nhà xuống. Sẵn có quân lính và trâu ngựa, ông cho đưa thẳng tới làng Sơn Đồng, xin phép các cụ thân sinh ra Thượng thư được dựng ngôi nhà mới. Công việc diễn ra trong một đêm, đuốc sáng rực trời, mái nhà tranh bé tẹo teo đã được thay thế bằng ngôi nhà mới 5 gian khang trang.

Ông Nguyễn Viết Vi- người được giao trông coi ngôi nhà cổ.

Gian thờ với những hoa văn độc đáo. Ảnh: P.V

"Mục sở thị"


Ông Nguyễn Viết Vàng- một hậu duệ của dòng họ Nguyễn tại đây cho biết: Ngôi nhà trên tuy được Đô đốc Nguyễn Công Triều xây tặng nhưng sau này Thượng thư Nguyễn Viết Thứ đã cho một người cháu ở và dựng một ngôi nhà khác làm nơi thờ tự. Ngôi nhà trải qua khá nhiều thăng trầm nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn phần "xương cốt".

Ông Vàng kể, vào những năm cải cách ruộng đất, ngôi nhà được trưng dụng làm nơi hội họp và dạy bình dân học vụ. Sau này, dòng họ Nguyễn Viết đã xin lại và lưu giữ cho đến ngày nay. Ngôi nhà xưa kia không được lát nền và thấp hơn những khu vực xung quanh. Vật liệu của ngôi nhà chủ yếu là gỗ, trên lợp ngói âm dương.

Ngôi nhà hiện đang được ông Nguyễn Viết Vi trông coi. Theo ông Vi, vào đầu những năm 1990, ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng nên đã được sửa sang lại vào năm 1995. Trước đó, theo ghi nhận của dòng họ thì ngôi nhà đã được chỉnh trang lại một lần vào năm 1975.

Theo lời ông Vi, ngôi nhà này rất "vượng khí" bởi trải qua chiến tranh, ở làng có nhiều công trình bị phá hỏng nhưng ngôi nhà vẫn không hề hấn gì. Ngoài kết cấu thoáng mát, ngôi nhà chính có bức hoành phi lớn ghi 3 chữ "đức dã viễn" (lưu giữ đức lâu dài), có ý nhắc nhở con cháu phải giữ mãi đức của các bậc tiền bối để lại.

Chính bởi những ý nghĩa đẹp của ngôi nhà nên dòng họ Nguyễn Viết rất mong muốn được gìn giữ ngôi nhà lâu dài và trọn vẹn. Anh Nguyễn Viết Thắng - người phụ trách nhà thờ họ dòng họ Nguyễn Viết cho biết, năm 1982, nhà thờ họ Nguyễn Viết đã được công nhận là di tích quốc gia.

Anh Thắng và dòng họ Nguyễn Viết rất mong muốn ngôi nhà "một đêm" cũng sẽ được các cơ quan hữu quan nghiên cứu và xếp hạng di tích chung với công trình nhà thờ họ, để ngôi nhà được lưu lại cho những đời sau cùng chiêm bái và cảm nhận về một câu chuyện đẹp, có ý nghĩa giữa Thượng thư Nguyễn Viết Thứ và Đô đốc Nguyễn Công Triều.
 
Theo giadinh.net