- Lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam được tổ chức trang trọng tại Nhà hát lớn Hà Nội sáng 10/8. Điểm nhấn của chương trình là các video ghi lại những hình ảnh về cuộc sống sinh hoạt thường ngày của nạn nhân chất độc da cam. 

Đoạn video kéo dài vài phút đã lấy đi nước mắt của nhiều người có mặt trong khán phòng. Dù đã nghe nhiều về hậu quả của chất độc màu da cam, nhưng khi chứng kiến những hình ảnh sống động, nhiều người vẫn không kìm được cảm xúc.

Đó là hình ảnh những người mẹ miệt mài chăm sóc những đứa con bị dị tật, đầu óc không bình thường, hai – ba chục tuổi vẫn phải đút cơm, dìu dắt, … Đặc biệt nhất là hình ảnh cuối cùng của video, quay lại cảnh một người mẹ bế đứa con đã hơn 10 tuổi của mình ra ngoài vườn để đi vệ sinh.

Nhưng vì chân tay con quá dài, lại loằng ngoằng như dây lang, người mẹ đã dùng hết sức bình sinh để vắt ngược đứa con lên vai rồi vác con lõng thõng đi vào nhà. Đứa trẻ vẫn ngây ngô, cười cười, nói nói …


Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên phát biểu tại lễ Mít tinh (Ảnh: C.Q)
 

Có mặt tại buổi lễ, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên run run xúc động nhưng vẫn cất giọng hào sảng: “Ngày hôm nay, vẫn còn nhiều anh em, đồng đội của tôi đang phải tiếp tục đối mặt với hậu quả của chất độc da cam. Con cái, cháu chắt của họ sinh ra trong thời bình cũng phải chịu chung gánh nặng ấy”.

Sau khi phát biểu, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã kêu gọi cộng đồng trong nước và quốc tế biểu lộ sự đồng tình, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong cả cuộc sống lẫn cuộc đấu tranh đòi công lý.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cũng ra lời kêu gọi đông đảo anh em, bạn bè trong nước và quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý này.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam yêu cầu phía Mỹ phải có trách nhiệm trước những thiệt hại họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam, yêu cầu các công ty hoá chất của Mỹ từng cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam - trước hết là 2 công ty Down Chemicals và Monsanto hãy dũng cảm nhận sai lầm của mình.

Vì thảm hoạ da cam, hơn 3 triệu ha rừng núi, đồng ruộng và gần 26.000 thôn bản đã bị nhiễm chất độc hoá học, đến nay đất đai vẫn còn ô nhiễm.

Thảm hoạ này cũng khiến gần 5 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có khoảng 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ 2, thứ 3. Hàng vạn người đã chết trong đau khổ.

Cẩm Quyên